Saturday 28 March 2009

Về những giọng ca nam của Việt Nam( March 29, 2009)

Clip minh họa: AC&M hát Anh vẫn hành quân của Huy Du. Băng tư liệu Con đường Âm nhạc số 18- Chân dung nhạc sỹ Huy Du.

Trao đổi với anh Trần Thanh Tú* về giọng hát của các nam ca sỹ Việt Nam:

1. Thôi thì mấy ông Trần Thụ, Mai Khanh, Quốc Hương, Trần Khánh,Trung Kiên, Quý Dương, Kiều Hưng, Trần Hiếu thì anh em mình sẽ chuyển sang bình luận về cảm thụ sau vì mức độ phổ cập trong danh tiếng của họ cũng khá cao... Nhưng chưa thấy anh nói về Tiến Thành, một người cùng thời với anh. Em gọi Tiến Thành là “Nghệ sỹ đặc biệt” trong phân loại tư liệu của các ca sỹ trong bộ sưu tập của em. Em có một bài khá dài trên blog về Tiến Thành, nhưng chủ yếu là dựa vào trí nhớ chắp ghép của em… Nhóm Tiến Thành, Huy Hùng, Đăng Khoa, Hữu Nội rất hay hát cùng nhau. Dù cho phần lớn các bài đồng ca của Đài không có giới thiệu từng ca sỹ, nhưng em có thể tách giọng từng người ra một. Giọng ông Đăng Khoa hơi xù xì, thô ráp nhưng có sức hút kỳ lạ. Huy Hùng có lúc hơi nhạt, nhưng em thấy giọng hát rất trẻ và tình tứ. Cũng là người Hải Phòng anh nhỉ. Ông Hữu Nội thì nhìn hình thức đúng là một ông nghiện, nhưng giọng nam cao của ông ý ở Việt Nam hiếm thật. Trong dàn hợp xướng giọng ông ý át tất cả các giọng khác ... Đặc trưng vibrato của Hữu Nội theo em là “phép rung” chứ không phải “tật rung” như Lê Dung đời đầu anh nhỉ J. Doãn Tần thì anh có nói qua và nhiều người biết. Nhưng cùng kiểu giọng như Doãn Tần em nhớ còn có Hoàng Chè. Lần làm chương trình 50 Điện Biên Phủ em có gặp chú ấy, nhưng chả có dịp nói chuyện. Hoàng Chè có bài "... hỡi đồi cao A1 ... đến Điện Biên hôm nay lòng như say điệu hát. Có mùa hoa ban ở trên nẻo đường quê xa. Có tình yêu muôn thuở là Điện Biên quê ta" hay ghê. Mà em nhớ đọc ở đâu đó có nói Hoàng Chè là thanh niên Hà Nội thứ thiệt.

2. Có những giọng nam hiền lành như anh đã nói là Ngọc Tú. Ngoài bài Mời anh đến thăm quê tôi được dàn dựng, hòa âm rất hay em còn rất thích bài Cánh chim tuổi trẻ (Tạm biệt phố phường Hà Nội, tạm biệt những mái trường … ta đi tới những miền đất mới, ta mang sức trẻ của mùa xuân …). Ngày nay có Phạm Văn Giáp có giọng gần giống Ngọc Tú. Bên cạnh Ngọc Tú em thấy có Trung Bộ của Văn công QK2 cũng có giọng nam trung hiền lành như trong "Lim dim câu hát sông cầu". Ông Trung Bộ còn hát rất hay trong tốp ca của bài Tiếng đàn bên bờ sông biên giới của Phạm Tuyên (mà những năm 80 VTV sử dụng làm nhạc hiệu chương trình ca nhạc). Có giọng nam cũng hiền lành và hơi "mềm" là Minh Quang của TCCT. Minh Quang này em rất thích khi ông ấy hát Lá đỏ, Ta ra trận hôm nay. Minh Quang song ca với Lê Dung bài Củ Chi yêu thương rất hay và nhiều bài khác nữa. Sau này có Minh Quang trẻ trẻ nữa. Nhưng Minh Quang này giọng "mô phạm" giống kiểu Trần Tựa, Trọng Thủy là những chất giọng mà em không được thích cho lắm :) Hiền lành và hơi cứng nữa thì phải kể đến chú Mạnh Hưng nổi tiếng đẹp trai của TCCT. Trong các bài hát của chú này em chỉ lưu có 2 bài là Cửa biển chiều hôm của Huy Du và Thành phố tôi yêu của Phạm Đình Sáu viết về TPHCM (Đẹp mãi mùa xuân thành phố của tôi, rộn vang tiếng ca ngợi tên Bác Hồ, sức sống sinh sôi nhịp vui hối hả ...) Nhưng em thấy Ái Vân hát bài Thành phố tôi yêu tình tứ và thiết tha hơn nhiều. Ái Vân thu bài này cùng thời với 2 bài của Hoàng Dương là Matxcova một tình yêu và Mai em đi rồi.

3. Rồi còn Phan Huấn nữa. Phan Huấn cũng hiền hiền. Ông ấy có lẽ là người đầu tiên hát Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu. Trong bản nhạc mà Phan Huấn hát không có đoạn “Rất dài và rất xa …” mà thay vào đó là đoạn vocal “hò ơ ơ…”. Phan Huấn cũng là người đầu tiên hát Đàn Tơ-rưng (Nguyễn Viêm & Huy Cận: Anh bắc qua con suối, chiếc cầu phao âm thanh …) với đoạn giả thanh ở câu cuối rất điệu nghệ và đặc sắc. Một trong những tư liệu quý của em lại chính là bài Tình ta biển bạc đồng xanh của Hoàng Sông Hương (tư liệu viết là Rừng xanh) mà ông Phan Huấn song ca cùng Tuyết Thanh. Bài hát này vốn dĩ rất hay, nhưng không hiểu sao VOV không cho lưu hành, tới mức gần đây khi Việt Hoàn, Anh Thơ và một số cặp song ca trẻ khác cover lại thì nhiều người mới biết là có bài hát này. Có người nói, bài này cũng giống như bài Tâm tình người thủy thủ của Đức Minh có hơi hướng nhạc vàng, tiểu tư sản thế nào đó nên ngày xưa bị cấm (!)

4. Bên cạnh mấy giọng nam hiền lành đó thì em còn rất thích những giọng nam khỏe khoắn, rắn chắc kiểu cổ điển, như là Quang Phác trong Hò biển mà anh đã kể sơ qua. Từa tựa như Quang Phác em thấy có Huy Giảng trong Bài ca bên cánh võng, Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, Hãy cho tôi lên đường … Bật hẳn lên trong nhóm này em nghĩ là Quang Hưng. Từ “hào sảng” và “lạc quan” có lẽ là hai từ rất trúng để nói về giọng hát Quang Hưng. Nó khác với “hào sảng” nhưng lại “bi tráng”, “kịch tính” và có khi “u uất” trong giọng hát của Trần Khánh.

5. Tổng hòa các vẻ đẹp của nhiều giọng nam phải kể đến Dương Minh Đức. Theo em đây là một trường hợp đặc biệt. Giọng Dương Minh Đức vừa kinh viện lại vừa trẻ trung. Rất nam tính và lại rất mềm mai, uyển chuyển. Về quãng giọng chắc sánh ngang với Trung Kiên nhưng Dương Minh Đức lại không hát gắt như Trung Kiên. Giọng Dương Minh Đức rất bay nhưng lại không bị mảnh và mái như Doãn Tần, Hoàng Chè, không chói như Hữu Nội. Dương Minh Đức hoàn hảo trong Như sóng về trùng dương của Hoàng Dương hay Nhựa bạch dương (nhạc Liên Xô). Những bài hát gắn chặt với tên tuổi Dương Minh Đức còn phải kể đến Rừng chiều của Vũ Thanh, Tôi là người thợ của Phan Thanh Nam, Hát về Tổ quốc tôi của Hữu Xuân. Bài Sa Pa thành phố trong sương hay nhất thì phải kể đến bản thu giọng hát của Ngọc Khuê (tác giả của Mùa xuân làng lúa làng hoa) với dàn nhạc dây của Đài VOV. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích bản của Dương Minh Đức hơn với lập luận rằng Dương Minh Đức làm toát lên được cái huyền ảo, cái mênh mang của một thành phố trong sương. Bài hát này nằm trong số các ca khúc thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, nhưng không hề có không khí chiến tranh. Có những bài hát gắn liền với tên tuổi của một ca sỹ. Và do đó bất kỳ ca sỹ nào hát sau đó đều được coi là liều lĩnh và khó thành công. Chẳng hạn như Quỳnh Liên và Ngọc Minh không thể cạnh tranh với Thanh Hoa trong Mùa xuân làng lúa làng hoa; Trung Anh lại càng không bao giờ làm được việc đó. Thế nhưng điều này không xảy ra với Dương Minh Đức. Bác Hồ một tình yêu bao la do Dương Minh Đức tồn tại rất chững chạc bên cạnh phiên bản đỉnh cao của Thanh Hoa. Chiều trên bến cảng của Dương Minh Đức cũng không hề bị lu mờ trước tên tuổi của Ngọc Tân… Tuy nhiên, giống như đồng nghiệp nữ của mình là Kim Phúc, giọng Dương Minh Đức ngày nay không còn được như xưa. Thậm chí nhiều người không nhận ra được Dương Minh Đức ngày xưa nếu chỉ quen với giọng hát hiện nay của ông phó hiệu trưởng nhạc viện Quân đội này.

6. Giọng nam trầm của Việt Nam hiếm anh nhỉ? Nếu liệt kê ra thì em chỉ biết có Trần Hiếu và Quang Huy. Trần Hiếu thu ở Đài VOV không nhiều đâu. Em chỉ sưu tập được chưa đến 10 bài, trong đó em thích nhất là “Những viên đạn trao từ đôi mắt” (hay Những đôi mắt mang hình viên đạn). Trần Hiếu hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người với dàn nhạc dân tộc pha với dàn nhạc dây rất hay. Đúng là em có nhiều bản, trong đó có 5 bản đỉnh, một của Kiều Hưng, một của Trung Kiên, một của Bích Liên, một của Tuyết Thanh và một của Trần Hiếu thì mỗi bản đều có một cái hay riêng. Ông Trần Hiếu còn thu Hành khúc ngày và đêm, trong đó có một đoạn hát nói rất hay. Còn Quang Huy thì em cực thích bài Đường Trường Sơn xe anh qua. Phải nói bài này hay vì một lý do rất quan trọng là phần phối khí quá hay, tiếng contrebasse sử dụng rất hiệu quả. Quý Dương thu bài này trước Quang Huy, phần phối khí bằng dàn nhạc dây cũng rất hay nhưng có vẻ bản của Quý Dương ít người biết đến hơn. Quang Huy còn hát nhiều bài nổi tiếng khác như Bên lăng Bác Hồ, Lướt sóng ra khơi. Nhưng quả thật em thấy giọng bass của Quang Huy già quá. Nhiều lúc em thấy nó hơi tối. Mà đồng chí Quang Huy này có vẻ cũng là một trong những nam nhân của làng ca nhạc thời đó. Em thấy rất hay song ca cùng Ái Vân.

7. Công nhận mấy ông “Quang” của mảng ca khúc đều “sáng” thật. Ở trên em nói đến Quang Phác, Quang Hưng, rồi Quang Huy. Còn phải kể đến Quang Mạo nữa chứ. Hồi Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương của Trần Bình làm các Gala và Nhạc hội những năm đầu 90, em nhớ có bài báo giật tít là trong đêm Nhạc hội vừa qua “cả 3 Quang đều tỏa sáng”. Một Quang trong đó là Quang Mạo. Hình như Quang Mạo là người nhà của Ngọc Lan nhạc viện thì phải. Ngày xưa em đọc báo Hà Nội mới thấy nói thế. Quang Mạo dẫn dẵt cho Ngọc Lan vào Nhà hát nhạc vũ kịch hay sao đó. Về Ngọc Lan chắc em sẽ nói tới trong một dịp khác vì hôm nay chúng ta nói về các nam ca sỹ. Nhưng dù sao em cũng nói luôn là mấy cô giáo thanh nhạc “nổi tiếng” hiện nay như Ngọc Lan, Hà Thủy… đều không có tác phẩm để đời trong VOV. Họ hát mấy bài trong VOV đuối lắm…

8. Quang thứ 2 mà bài báo nói đến là Quang Huy thì em đã nói rồi. Còn Quang thứ 3 chính là Quang Thọ. Nói đến Quang Thọ thì em lại phải trở lại với đặc điểm giống Trần Hiếu là Quang Thọ cũng rất có ít bài thu âm tại VOV. Hình như những năm 70, 80, Quang Thọ chả có tên tuổi gì cả, hoặc là ông ấy còn ở văn nghệ quần chúng, còn ở địa phương. Em tuyệt nhiên không tìm được bản thu âm nào của Quang Thọ lúc trẻ. Đến Đức Long, cũng là người Quảng Ninh, mà em còn tìm được bản thu năm 1979, khi đó tên là Đỗ Đắc Long (không biết các kỹ thuật viên có ghi nhầm tên không, nhưng giọng thì đúng là của Đức Long). Nhưng với Quang Thọ em chỉ tìm được các bản thu sau này. Và em cũng chỉ lưu hai bản là Vang mãi bản tình ca của Trọng Bằng và Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam là hai bản mà em rất “chịu” Quang Thọ. Còn thực ra em không khoái giọng Quang Thọ lắm đâu vì em thấy chú ấy cứ ngậm miệng lại, tiếng hát nó trở nên không khoáng đạt.

9. Cũng là nghệ sỹ nhân dân nhưng rất ít bản thu trong hai thập kỷ 70 và 80 tại Đài là đồng hương của em, và cũng là đồng hương của bà Thương Huyền, đó là Trung Đức. Trong “thời xa vắng” của nhạc VOV, em tìm được mỗi một bản của Trung Đức là Hò biển. Giọng vang, sâu và bay lắm, chứ không bị gân guốc như gần đây. Nhưng bù lại sự thiếu hụt thuở xưa, Trung Đức thu âm khá nhiều trong những năm cuối 80 và đầu 90. Nhưng em lại xếp những bản thu đó vào nhóm “Nhạc trẻ thập niên 80-90” chứ không phải nhóm “Kinh điển Việt Nam” trong tổ chức bộ sưu tập của em. Phải công nhận loạt bài thời đó của Trung Đức thực sự khiến chú ấy là sao của bầu trời ca nhạc Việt Nam khi đó, nhất là trên truyền hình, cùng với Thanh Hoa, Thu Hiền là những người có tần số xuất hiện trên truyền hình vào hàng số một. Những tác phẩm để đời của Trung Đức phải là Thì thầm với dòng sông, Đi tìm câu hát lý thương nhau, Hoa bằng lăng, Biển hát chiều nay… Nhưng em nghe nói, cũng như Mạnh Hà, thậm chí cả Lê Dung, Trung Đức rất khổ sở về nhịp. Như thế là sao nhỉ? Như thế thì có lẽ họ nên hát với piano anh nhỉ?

10. Thời kỳ Trung Đức oanh tạc ở miền Bắc và trên truyền hình thì em nhớ là ở miền Nam có Quang Lý, Thế Hiển, Lê Hành rất sáng. Lê Hành tất nhiên có Con kênh ta đào được em xếp vào nhạc kinh điển. Nhưng chủ yếu, cũng như Trung Đức, em xếp các bài hát của mấy vị này vào phần nhạc trẻ. Sau này thì thấy rằng, nói một cách thật chính xác thì họ là thế hệ chuyển tiếp, là cái gạch nối giữa kinh điển và nhạc trẻ. Thời kỳ của họ đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong tính “nhất nguyên” trong đời sống âm nhạc Việt Nam trước khi chúng ta chuyển sang thời kỳ “tam giáo đồng nguyên” trong đó nhạc đỏ, vàng, xanh cùng tồn tại, cùng phát triển mà em sẽ bàn với anh trong dịp khác… Quang Lý sau này em không thích lắm, giọng giống Ngọc Tân lúc về già, tức là mũi bị sao đó, nhưng không sáng bằng Ngọc Tân. Tuy nhiên Quang Lý hát Thuyền và Biển và đoạt giải 3 trong cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 88 thì thật là không ai bằng. Thế Hiển năm đó hát Đất nước, Chuyện ngày xưa chuyện ngày nay, Cây đàn ghita của Lorica cũng trở thành những bài đóng đinh trên sóng VOV cho tới nay. Vì Lê Hành hát một bài hit thời kỳ đó là Một rừng cây một đời người mà em xếp chú ấy vào nhóm nhạc trẻ 80-90!

11. Thật lạ là sau lớp Trung Đức, Quang Lý thì chúng ta bị gián đoạn một thời gian, không có gương mặt nào sáng bật lên. Nói đúng ra thì lớp sau phải kém lớp Trung Đức, Quang Lý 10, 15 tuổi. Hồi đó thì nhạc trẻ miền Nam và Hải Đăng nổi quá rồi với Ngọc Sơn (Chiếc vòng cầu hôn), Thanh Nam (Câu chuyện nhỏ của tôi), Anh Duy (Thuyền và biển), Đỗ Hữu Xuân (Trở về dòng sông tuổi thơ)... Hay dòng nhạc Phú Quang, Dương Thụ, Trần Tiến nổi lên làm nổi danh Thanh Long bass, hay Nguyễn Hoàng với Tùy hứng lý qua cầu. Nhưng đó là nhạc trẻ và toàn là ở phương Nam. Còn nhạc đỏ thì cũng chính các nam ca sỹ ở miền Nam mới chiếm lĩnh thị trường. Đó chính là phong trào các ca sỹ miền Nam hát nhạc đỏ với đầy đủ những Lệ Thu (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây), còn nam ca sỹ thì có Thế Sơn (cover lại Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác) hay Quang Bình (Trang Thanh Lan), thậm chí cả Nguyễn Hưng … Nhưng đó cũng là kiểu hát nhạc đỏ mà em mãi không làm quen và chấp nhận được. Điều em muốn nói ở đây là lúc này ở miền bắc các nam ca sỹ trẻ thật sự là thiếu. Minh Thắng có thấp thoáng xuất hiện ở Đoàn ca nhạc nhẹ trung ương với mấy bài, như Thuyền và biển (Hữu Xuân) hay Điều giản dị, Mùa xuân tương lai nhưng sau đó biến mất hoàn toàn. Quang Vinh thì không hẳn là ca sỹ. Bên Nhà hát Tuổi trẻ thì Hồng Kỳ, Thanh Tùng bắt đầu lo chạy theo nhạc trẻ của thị trường. Phải đến 93, 94 Tấn Minh mới xuất hiện nhưng chủ yếu là kiểu ca sỹ học trò và không xác định được rõ thế mạnh. Cũng trong thời kỳ xuất hiện Tấn Minh thì khán thính giả rất có cảm tình với các sinh viên của Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội với các gương mặt như Ngọc Lê, Hồng Hải, Minh Hoa, Hương Mơ. Nam thì có Thế Vũ, Hồ Tùng. Hồ Tùng sau này vì mắc bạo bệnh nên sức khỏe suy sụp, có thời em thấy chuyển sang dạy hát trên VOV. Thế Vũ khá sáng sủa, có lúc được liệt vào cùng thứ hạng với Thanh Lam, Mỹ Linh … nhưng lúc về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam của Tiến Định lại không phát huy mấy. Anh này giờ đã chuyển sang kinh doan … Rõ ràng đây là thời kỳ tranh tối tranh sáng trong mảng ca khúc ở Việt Nam mà trong đó phần nhạc kinh điển bị lép vế, các nam ca sỹ bị xuống hạng.

12. Chắc sẽ có một dịp anh sẽ kể cho em nghe về các ca sỹ của phong trào “Khắp nơi ca hát”. Qua nói chuyện với anh thì em biết rằng Tuyết Minh, Chu Thanh Hương, hay Phương Nhung (thời kỳ đầu) là những người như vậy. Còn thời của em thì em biết đến Quỳnh Liên, Tuyết Tuyết, Minh Châu, Quỳnh Hoa (hơi đuối hơn) … Rõ ràng nghe họ hát thì không thể phân biệt được chuyên hay không chuyên, càng không thể gọi họ là dân nghiệp dư. Có lẽ ở đây chuyên hay không chuyên chỉ là nói đến họ có qua trường lớp chính quy hay không mà thôi. Trong nghệ thuật thì trường lớp không phải là yếu tố quyết định tất cả. Còn nói dến các nam ca sỹ không chuyên thì em biết Đức Diên qua Một thoáng Tây Hồ, Mỗi bước ta đi thêm yêu Tổ quốc. Anh này năm kia còn xuất hiện để bình luận về các Sao Mai dòng thính phòng và dân gian. Nhưng theo em “hiện tượng” trong phong trào “Khắp nơi ca hát” phải là Tốp nam nhà máy toa xe Hải Phòng. Hình như ông Huy Túc là từ đây mà ra? Có lẽ phải gọi họ là một đoàn ca nhạc chuyên nghiệp mới đúng. Cứ nghe họ hát Đêm Trường Sơn nhớ bác, Đường tàu mùa xuân, Ta ra trận hôm nay … thì có lẽ chỉ có AC&M hiện nay nếu chưa tan rã mới có thể cover lại được J

Thôi nói tới AC&M là phải nói đến thế hệ trẻ sau này rất lâu rồi. Em sẽ trở lại và hầu chuyện anh về “hình sin” trong đồ thị âm nhạc Việt Nam vào lần sau, trong đó có sự hồi sinh của dòng nhạc kinh điển sau đỉnh cao và bão hòa của nhạc trẻ Việt Nam. Còn bây giờ chúng ta nghe AC&M hát Anh vẫn hành quân của Huy Du. Băng tư liệu này lấy từ Live show Con đường Âm nhạc số 18- Chân dung nhạc sỹ Huy Du.

---

* Trần Thanh Tú: Bạn diễn trong những năm 80's của các ca sỹ Ái Vân, Lệ Quyên, Họa Mi, Thanh Lam... Là học trò của Quý Dương, Diệu Thúy. Anh Tú từng là giám khảo chấm Hồng Nhung trong một cuộc thi năm 1987

8 comments:

  1. y cua emla coment o cai quick comment co.....hiiiiiiiiiiii
    NGuoi Viet Kieu ma ko biet dung de creat motnew entry thi vo ly qua'.....
    Anh Ha Yeu Am nhac thiet Blog cua anh ko co cac van de xa hoi khac

    ReplyDelete
  2. Trần Thanh Tú viết:

    Anh thật sự bị ngợp và bối rối, không biết phải bắt đầu từ ca sĩ (nam) nào trong 2 emails mới đây của em khi mà những câu hỏi của em trước đây anh mới trả lời lướt qua được một phần. Em biết và nhớ nhiều ca sĩ thuộc mọi dòng, mọi đẳng cấp quá, trong đó có những người anh cũng chỉ biết chút ít thông tin như em. Vậy, cứ để anh từ từ đi từng ca sĩ mà anh biết nhé. Ngoài ra, như anh đã nói, anh cũng chỉ mới có ý định sưu tầm các ca khúc do các ca sĩ hát trên VOV một thời mới từ mấy tháng nay thôi, nên "vốn liếng" so với em chắc chỉ rất rất nhỏ (chủ yếu do Hải, Minh và cái Web của VOV mà nghe nói đã xóa gần hết các bản giá trị cũ rồi và nhồi nhét những bản mới đầy rẫy trên thị trường). Anh sưu tầm chỉ để nghe và hoài niệm. Nếu có ai thích là anh gửi liền (như gần đây, thấy trên một diễn đàn, có một người than thở rằng muốn được nghe Thanh Huyền, KHưng, BLiên, anh đã zip tất cả và gửi hoặc Tết rồi ra Nha Trang, anh mở cho mấy chị gái nghe những bản xưa cũ của Tân Nhân, Kim Nhớ, Thương Huyền, Khánh Vân, D Thúy,....các chị ấy cảm động, rưng rưng lắm. Vì vậy, anh phải xin lỗi là anh chắc chỉ chuyển đến em những ký ức một thời chứ chẳng có mấy file âm thanh, hình ảnh mà em cần đâu. Hải nó nói đúng, cách gìn giữ và lưu truyền TỰ NHIÊN dòng nhạc đỏ tuyệt vời của một thời ấy là chia sẻ nhiệt tình, giới thiệu với nhiều người để nó có đời sống lâu dài, đúng không em?

    Về Tiến Thành, anh cũng rất thích cái nhạc cảm tinh tế, cái chuẩn xác về âm thanh, tiết tấu. Có lẽ vậy nên, cùng với Kim Oanh, Đăng Khoa, TThành là những người dạy hát trên VOV một thời. Anh cũng rất thích bài Nơi Đảo xa mà không ai hát hay như TT và phần phối của VOV (Ngọc Sơn có thu bài này trên VOV nhưng vẫn ra chất sến tuy thời đó còn sạch, chưa tệ như bây giờ). Trên sân khấu, một lần anh được nghe TT hát Đi về đâu hỡi em của TCSơn, tuy không phải chất của TT nhưng cũng truyền cảm lắm, Về chất giọng bên cạnh ưu điểm sáng, vang, đẹp, chuẩn xác TT có một nhược điểm là khi lên cao không thoát và hơi căng cứng nên kém "bay" và hạn chế độ cao của giọng. Cách lên cao của TT có thể thấy sau này ở Đức Long hay Quang Dũng, lên cao bị gắt, bó nghẹt. Thật tiếc cho anh ấy, ra đi khi giọng đang ở đỉnh điểm. Đêm ấy (1984), đi biểu diễn ở Hà Bắc về, lái xe muốn chẹt một con chó chạy qua đường để nhặt về nhậu (thời đó cánh lái xe hay làm vậy), thế nào lại là chó đen (rất xui) và mất lái, xe đâm vào gốc cây ven đường. Tiến Thành còn tỉnh táo, đi bộ được một đoạn....còn NSUT Như Hoa (NS Hát chèo tuyệt vời của VOV) mất ngay (anh con trai là thủy thủ tàu viễn dương hiện ở SG, hôm trước có mang tặng người nhà anh một CD gồm những bài NH hát ngày xưa mà VOV làm nhân dịp kỷ niệm sinh nhật đài năm rồi). Thúy Lan bị méo miệng, lệch mặt, Thanh Hoa thì hôm sau nói mãi ở Đài rằng Anh Lợi đã cứu đời em (không cho đi đêm đó)....Một ý định "xôi thịt" như vậy đã cướp đi sinh mạng của mấy nghệ sĩ. Lạ lắm nhé, anh nghiệm ra rằng các ca sĩ nam chính của VOV đều lần lượt ra đi rất sớm như Trần Khánh (tai nạn), Tiến Thành (tai nạn), Ngọc Tân (bạo bệnh), Hữu Nội (bạo bệnh) và Huy Hùng (bạo bệnh). Huy Hùng, người Hải Phòng, cùng cỡ tuổi Ngọc Tân, xuất thân từ Nhà máy Toa xe Hải Phòng đấy (Huy Túc em hỏi là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, phố Bà Triệu - HN) giọng nam trung, tuy không nổi như mấy người kia nhưng giọng đẹp, ấm, một thời là soloist chính của VOV, có một số bản thu đáng chú ý như Nếu em đến thăm đảo tôi, Tôi lắng nghe sông Đà gọi Thác Bà, Tình ca biên giới (hát với TThanh), Hà Nội thầm hát trong tôi (P M Tuấn)....và gần đây hát ca khúc nền cho phim TV nhiều tập Sóng ở đáy sông, xôn xao một thời....Anh còn nhớ, ông là người đến dựng hợp xướng Ca ngợi Tổ quốc - Hồ Bắc cho bọn anh thời còn là sinh viên, Ông dí dỏm, nhiệt tình...và có quan điểm sống hơi giật mình như: lấy vợ thì lấy vợ xấu, ăn cơm thì cứ nhằm chỗ miệng bát mẻ mà xơi....vì như vậy sẽ không bị dùng chung với ai!!!!

    ReplyDelete
  3. Trần Thanh Tú viết tiếp:

    Ông có đệm guitar hát và dạy bọn anh một bài về biển của LXô cũ rất dào dạt mà anh quyên mất tên, chỉ còn nhớ giai điệu...Nhân nói về bài hát biển, nói ngoài lề một chút, em có biết một bài hát có lời: "Khi nhổ neo con tàu ra khơi, thì con tàu là nhà, biển cả là quê hương, anh dõi theo luồng cá...Ơ, mỗi khi gió mùa đông bắc thổi, anh nói anh không lạnh. Mình cách xa nhau, sóng biển phả lên hơi ấm. Khi khoang đầy cá, cánh chim Hải Âu như báo tin về...." có tới 04 bản thu trên VOV do Vân Khánh, Ngọc Tân, Lê Dung và Huy Hùng trình bày, trong đó ra chất nhất là Vân Khánh? Em có biết tên bài hát, tác giả và file bài này không?

    Phan Huấn (anh trai của NSUT Phan Muôn), giọng nam trung, hơi khô, hơi mũi (giống em trai) nhưng thoát hơn, tần số rung không "tít mù" lên như PMuôn (anh này còn có cái tệ là hát hay nấc lên rất Sến). Bản thu đầu tiên của PHuấn là Đàn T'rưng "Anh bắc qua năm tháng, chiếc cầu phao âm thanh. Đời hai đầu mưa nắng, đàn mắc võng tâm tình. Mỗi câu em đậm đà. Mỗi tiếng lòng anh dội. Câu trầm bổng thiết tha....Đàn nối lòng Đam San, đàn nối tình Xinh Nhã, nối ân tình đôi ta, tựa lửa bền trong đá", hát cũng được nhất là sử dụng giọng gió ở câu kết (bản này sau có Ngọc Tú thu mà anh đã nói), còn trong Nam Tạ Minh Tâm luôn làm mưa làm gió bài này đầu những năm 80 (anh có dịp đi hát cùng TM Tâm, D M Đức, Hồng Kỳ, Thanh Lam, Họa Mi, Thái Bảo, Thúy Cải, Lệ Quyên,....sẽ kể sau nhé). Một bài có giai điệu rất đẹp, ca từ hay (không sáo mòn), mà sao sau này không có ca sĩ nào hát lại? PH còn có nhiều bản thu khác ở VOV như Ca ngợi HCTịch (Tô Vũ), Tiếng hát người đi khai hoang (Lư N Vũ), song ca đầu tiên bài Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương) với Tuyết Thanh mà em nhắc, sau này AThơ & VHoàn thu, có biến tấu (về nhạc và lời) một số chỗ (không tình cảm bằng PH & TT, tuy chất lượng âm thanh tốt hơn)....Có một bài báo chê PHuấn hát Ca ngợi HCTịch buồn như cơm nguội, không có cái khí thế ngợi ca cần có. Sau đó, VOV dường như chỉ phát bản khác do tốp nữ hát thôi...Anh có bản Đoàn vệ quốc quân của PHĐiểu, không biết em có chưa, anh cứ gửi kèm.

    Hữu Nội, giọng nam cao, khỏe của VOV, thường hát lại những bài của TKHánh như Ca ngợi Tổ Quốc (lĩnh xướng, Hồ Bắc), Tôi là người thợ lò, Nhớ đàn xe nước (Vân Đông), Tiếng hát TP mang tên người, Tiếng đàn Balalaika trên sông Đà, Vui mở đường (Đõ Nhuận), Ca ngợi anh hùng Núp (Trần Quý).... Nhìn chung giọng phù hợp với thể tráng ca. Trên sân khấu, anh được nghe Hữu Nội hát Nơi gặp gỡ Tình Yêu (Hoàng Hiệp), không hợp chút nào (kiểu dùng dao mổ trâu để mổ gà). Ông mất vì bạo bệnh.

    Nói đến giọng nam của VOV thời trước, còn có Thịnh Trường (cùng thời Trần Khánh, Trần Thụ), ông vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ của một số bài hát trong sáng, lãng mạn của thời "Chào 61 đỉnh cao muộn trượng" mà Tố Hữu đã hào sảng, vẫn còn dư âm đến hôm nay như: Cô thợ hàn (ông thu đầu tiên 1962, sau này có Ngọc Bé thu khoảng 1974, nay VOV vẫn phát), Giếng nước Khơi,....Giong ông cũng hơi giống Đăng Khoa, xù xì, nam tính. Doãn Thịnh, xuất hiện khoảng cuối 60, hay lĩnh xướng, như trong Bài ca giao thông vận tải của Hoàng Vân, sau ông này đi học về phối khí, chỉ huy dàn nhạc, anh cũng dược ông góp ý chân thành một lần....Sau này còn có Tiến Hỷ, chất giọng, cách hát hao hao Tiến Thành nhưng một trời, một vực. TH hát rất phô, giọng lỏng lẻo, nhạc cảm kém. Phan Muôn, anh thật sự không cảm tình lắm, giọng rung khủng khiếp, hay cố tạo kịch tính bằng kiểu nấc miền Nam, rất sến, giọng bí bách.

    ReplyDelete
  4. Trần Thanh Tú viết:
    Anh sẽ tiếp tục với các giọng hát khác: Mạnh Hà, D Minh Đức (Đức chóe), Minh Đức (Đức Bột, Ca Múa Hà Nội, bố Thanh Tùng cùng đội ca với HNhung ngày bé), Trung Đức, Đức Long, Huy Giảng, Hoàng Chè, Minh Quang, Quang Mạo, Hồng Kỳ, Quốc Đông......sau nhé. Và những giọng hát nữ mà em hỏi như Ngọc Lan, Thúy Lan và nhiều giọng hát khác mà có lẽ em chưa biết như Hồ Mộ La (TCCT), Tâm Trừng, Kim Định, Thanh Nga (bên Giao hưởng), Tô Lan Phương, Ngọc Bé, Hoài Thu, Hoàng Thu, Minh Đỗ, Lệ Thu, Bích Thảo, Huyền Châu (4 người này thuộc thế hệ tiền sử Ca múa Hà Nội, sau này là lớp Minh Thúy, Sao Mai,....). Khi nào có thời gian nhé.

    ReplyDelete
  5. Ở Miền Nam cùng thời với Quang Lý còn có Tuấn Phong, giọng nam cao trau chuốt và biểu cảm, có vẻ kinh viện, ca sĩ này hát bài "Em không nghe mùa thu ..." của Phan Huỳnh Điểu phổ bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư ... rất hay, tiếc là không tìm thấy trên mạng để gửi cho bạn nghe thử.

    ReplyDelete
  6. @ sonata: Đúng rồi Sonata. Mình rất ấn tượng anh Phong lĩnh xướng Tiếng hát từ thành phố mang tên Người. Anh đó có nét giống Dương Minh Đức của miền Bắc. Phong, Tạ Minh Tâm và Cao Minh là 3 gương mặt kinh viện của HCMC. Sau này có Anh Bằng giọng khỏe, nhưng hát cũng còn chênh...

    ReplyDelete
  7. Ban oi, ban co bai Truong Son Dong Truong Son Tay do Le Thu hat khong? Minh thich bai nay lam ma khong sao tim duoc. Neu co ban gui cho minh nhe. Mail la: evdipbo@gmail.com hoac hoan.redstyle@gmail.com Cam on ban va mong som nhan duoc mon qua rat y nghia hjj

    ReplyDelete
  8. Cảm ơn bài viết của bác. Qua đây, em đã biết thêm được nhiều về giọng ca Dương Minh Đức. Btw, bác có thể share cho em bản Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người do NSND Trần Hiếu thể hiện không? Địa chỉ mail của em là binh.doanquoc@gmail.com. Cảm ơn bác.

    ReplyDelete