Saturday 28 March 2009

Về những giọng ca nam của Việt Nam( March 29, 2009)

Clip minh họa: AC&M hát Anh vẫn hành quân của Huy Du. Băng tư liệu Con đường Âm nhạc số 18- Chân dung nhạc sỹ Huy Du.

Trao đổi với anh Trần Thanh Tú* về giọng hát của các nam ca sỹ Việt Nam:

1. Thôi thì mấy ông Trần Thụ, Mai Khanh, Quốc Hương, Trần Khánh,Trung Kiên, Quý Dương, Kiều Hưng, Trần Hiếu thì anh em mình sẽ chuyển sang bình luận về cảm thụ sau vì mức độ phổ cập trong danh tiếng của họ cũng khá cao... Nhưng chưa thấy anh nói về Tiến Thành, một người cùng thời với anh. Em gọi Tiến Thành là “Nghệ sỹ đặc biệt” trong phân loại tư liệu của các ca sỹ trong bộ sưu tập của em. Em có một bài khá dài trên blog về Tiến Thành, nhưng chủ yếu là dựa vào trí nhớ chắp ghép của em… Nhóm Tiến Thành, Huy Hùng, Đăng Khoa, Hữu Nội rất hay hát cùng nhau. Dù cho phần lớn các bài đồng ca của Đài không có giới thiệu từng ca sỹ, nhưng em có thể tách giọng từng người ra một. Giọng ông Đăng Khoa hơi xù xì, thô ráp nhưng có sức hút kỳ lạ. Huy Hùng có lúc hơi nhạt, nhưng em thấy giọng hát rất trẻ và tình tứ. Cũng là người Hải Phòng anh nhỉ. Ông Hữu Nội thì nhìn hình thức đúng là một ông nghiện, nhưng giọng nam cao của ông ý ở Việt Nam hiếm thật. Trong dàn hợp xướng giọng ông ý át tất cả các giọng khác ... Đặc trưng vibrato của Hữu Nội theo em là “phép rung” chứ không phải “tật rung” như Lê Dung đời đầu anh nhỉ J. Doãn Tần thì anh có nói qua và nhiều người biết. Nhưng cùng kiểu giọng như Doãn Tần em nhớ còn có Hoàng Chè. Lần làm chương trình 50 Điện Biên Phủ em có gặp chú ấy, nhưng chả có dịp nói chuyện. Hoàng Chè có bài "... hỡi đồi cao A1 ... đến Điện Biên hôm nay lòng như say điệu hát. Có mùa hoa ban ở trên nẻo đường quê xa. Có tình yêu muôn thuở là Điện Biên quê ta" hay ghê. Mà em nhớ đọc ở đâu đó có nói Hoàng Chè là thanh niên Hà Nội thứ thiệt.

2. Có những giọng nam hiền lành như anh đã nói là Ngọc Tú. Ngoài bài Mời anh đến thăm quê tôi được dàn dựng, hòa âm rất hay em còn rất thích bài Cánh chim tuổi trẻ (Tạm biệt phố phường Hà Nội, tạm biệt những mái trường … ta đi tới những miền đất mới, ta mang sức trẻ của mùa xuân …). Ngày nay có Phạm Văn Giáp có giọng gần giống Ngọc Tú. Bên cạnh Ngọc Tú em thấy có Trung Bộ của Văn công QK2 cũng có giọng nam trung hiền lành như trong "Lim dim câu hát sông cầu". Ông Trung Bộ còn hát rất hay trong tốp ca của bài Tiếng đàn bên bờ sông biên giới của Phạm Tuyên (mà những năm 80 VTV sử dụng làm nhạc hiệu chương trình ca nhạc). Có giọng nam cũng hiền lành và hơi "mềm" là Minh Quang của TCCT. Minh Quang này em rất thích khi ông ấy hát Lá đỏ, Ta ra trận hôm nay. Minh Quang song ca với Lê Dung bài Củ Chi yêu thương rất hay và nhiều bài khác nữa. Sau này có Minh Quang trẻ trẻ nữa. Nhưng Minh Quang này giọng "mô phạm" giống kiểu Trần Tựa, Trọng Thủy là những chất giọng mà em không được thích cho lắm :) Hiền lành và hơi cứng nữa thì phải kể đến chú Mạnh Hưng nổi tiếng đẹp trai của TCCT. Trong các bài hát của chú này em chỉ lưu có 2 bài là Cửa biển chiều hôm của Huy Du và Thành phố tôi yêu của Phạm Đình Sáu viết về TPHCM (Đẹp mãi mùa xuân thành phố của tôi, rộn vang tiếng ca ngợi tên Bác Hồ, sức sống sinh sôi nhịp vui hối hả ...) Nhưng em thấy Ái Vân hát bài Thành phố tôi yêu tình tứ và thiết tha hơn nhiều. Ái Vân thu bài này cùng thời với 2 bài của Hoàng Dương là Matxcova một tình yêu và Mai em đi rồi.

3. Rồi còn Phan Huấn nữa. Phan Huấn cũng hiền hiền. Ông ấy có lẽ là người đầu tiên hát Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu. Trong bản nhạc mà Phan Huấn hát không có đoạn “Rất dài và rất xa …” mà thay vào đó là đoạn vocal “hò ơ ơ…”. Phan Huấn cũng là người đầu tiên hát Đàn Tơ-rưng (Nguyễn Viêm & Huy Cận: Anh bắc qua con suối, chiếc cầu phao âm thanh …) với đoạn giả thanh ở câu cuối rất điệu nghệ và đặc sắc. Một trong những tư liệu quý của em lại chính là bài Tình ta biển bạc đồng xanh của Hoàng Sông Hương (tư liệu viết là Rừng xanh) mà ông Phan Huấn song ca cùng Tuyết Thanh. Bài hát này vốn dĩ rất hay, nhưng không hiểu sao VOV không cho lưu hành, tới mức gần đây khi Việt Hoàn, Anh Thơ và một số cặp song ca trẻ khác cover lại thì nhiều người mới biết là có bài hát này. Có người nói, bài này cũng giống như bài Tâm tình người thủy thủ của Đức Minh có hơi hướng nhạc vàng, tiểu tư sản thế nào đó nên ngày xưa bị cấm (!)

4. Bên cạnh mấy giọng nam hiền lành đó thì em còn rất thích những giọng nam khỏe khoắn, rắn chắc kiểu cổ điển, như là Quang Phác trong Hò biển mà anh đã kể sơ qua. Từa tựa như Quang Phác em thấy có Huy Giảng trong Bài ca bên cánh võng, Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, Hãy cho tôi lên đường … Bật hẳn lên trong nhóm này em nghĩ là Quang Hưng. Từ “hào sảng” và “lạc quan” có lẽ là hai từ rất trúng để nói về giọng hát Quang Hưng. Nó khác với “hào sảng” nhưng lại “bi tráng”, “kịch tính” và có khi “u uất” trong giọng hát của Trần Khánh.

5. Tổng hòa các vẻ đẹp của nhiều giọng nam phải kể đến Dương Minh Đức. Theo em đây là một trường hợp đặc biệt. Giọng Dương Minh Đức vừa kinh viện lại vừa trẻ trung. Rất nam tính và lại rất mềm mai, uyển chuyển. Về quãng giọng chắc sánh ngang với Trung Kiên nhưng Dương Minh Đức lại không hát gắt như Trung Kiên. Giọng Dương Minh Đức rất bay nhưng lại không bị mảnh và mái như Doãn Tần, Hoàng Chè, không chói như Hữu Nội. Dương Minh Đức hoàn hảo trong Như sóng về trùng dương của Hoàng Dương hay Nhựa bạch dương (nhạc Liên Xô). Những bài hát gắn chặt với tên tuổi Dương Minh Đức còn phải kể đến Rừng chiều của Vũ Thanh, Tôi là người thợ của Phan Thanh Nam, Hát về Tổ quốc tôi của Hữu Xuân. Bài Sa Pa thành phố trong sương hay nhất thì phải kể đến bản thu giọng hát của Ngọc Khuê (tác giả của Mùa xuân làng lúa làng hoa) với dàn nhạc dây của Đài VOV. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thích bản của Dương Minh Đức hơn với lập luận rằng Dương Minh Đức làm toát lên được cái huyền ảo, cái mênh mang của một thành phố trong sương. Bài hát này nằm trong số các ca khúc thời chiến tranh biên giới với Trung Quốc, nhưng không hề có không khí chiến tranh. Có những bài hát gắn liền với tên tuổi của một ca sỹ. Và do đó bất kỳ ca sỹ nào hát sau đó đều được coi là liều lĩnh và khó thành công. Chẳng hạn như Quỳnh Liên và Ngọc Minh không thể cạnh tranh với Thanh Hoa trong Mùa xuân làng lúa làng hoa; Trung Anh lại càng không bao giờ làm được việc đó. Thế nhưng điều này không xảy ra với Dương Minh Đức. Bác Hồ một tình yêu bao la do Dương Minh Đức tồn tại rất chững chạc bên cạnh phiên bản đỉnh cao của Thanh Hoa. Chiều trên bến cảng của Dương Minh Đức cũng không hề bị lu mờ trước tên tuổi của Ngọc Tân… Tuy nhiên, giống như đồng nghiệp nữ của mình là Kim Phúc, giọng Dương Minh Đức ngày nay không còn được như xưa. Thậm chí nhiều người không nhận ra được Dương Minh Đức ngày xưa nếu chỉ quen với giọng hát hiện nay của ông phó hiệu trưởng nhạc viện Quân đội này.

6. Giọng nam trầm của Việt Nam hiếm anh nhỉ? Nếu liệt kê ra thì em chỉ biết có Trần Hiếu và Quang Huy. Trần Hiếu thu ở Đài VOV không nhiều đâu. Em chỉ sưu tập được chưa đến 10 bài, trong đó em thích nhất là “Những viên đạn trao từ đôi mắt” (hay Những đôi mắt mang hình viên đạn). Trần Hiếu hát Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người với dàn nhạc dân tộc pha với dàn nhạc dây rất hay. Đúng là em có nhiều bản, trong đó có 5 bản đỉnh, một của Kiều Hưng, một của Trung Kiên, một của Bích Liên, một của Tuyết Thanh và một của Trần Hiếu thì mỗi bản đều có một cái hay riêng. Ông Trần Hiếu còn thu Hành khúc ngày và đêm, trong đó có một đoạn hát nói rất hay. Còn Quang Huy thì em cực thích bài Đường Trường Sơn xe anh qua. Phải nói bài này hay vì một lý do rất quan trọng là phần phối khí quá hay, tiếng contrebasse sử dụng rất hiệu quả. Quý Dương thu bài này trước Quang Huy, phần phối khí bằng dàn nhạc dây cũng rất hay nhưng có vẻ bản của Quý Dương ít người biết đến hơn. Quang Huy còn hát nhiều bài nổi tiếng khác như Bên lăng Bác Hồ, Lướt sóng ra khơi. Nhưng quả thật em thấy giọng bass của Quang Huy già quá. Nhiều lúc em thấy nó hơi tối. Mà đồng chí Quang Huy này có vẻ cũng là một trong những nam nhân của làng ca nhạc thời đó. Em thấy rất hay song ca cùng Ái Vân.

7. Công nhận mấy ông “Quang” của mảng ca khúc đều “sáng” thật. Ở trên em nói đến Quang Phác, Quang Hưng, rồi Quang Huy. Còn phải kể đến Quang Mạo nữa chứ. Hồi Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương của Trần Bình làm các Gala và Nhạc hội những năm đầu 90, em nhớ có bài báo giật tít là trong đêm Nhạc hội vừa qua “cả 3 Quang đều tỏa sáng”. Một Quang trong đó là Quang Mạo. Hình như Quang Mạo là người nhà của Ngọc Lan nhạc viện thì phải. Ngày xưa em đọc báo Hà Nội mới thấy nói thế. Quang Mạo dẫn dẵt cho Ngọc Lan vào Nhà hát nhạc vũ kịch hay sao đó. Về Ngọc Lan chắc em sẽ nói tới trong một dịp khác vì hôm nay chúng ta nói về các nam ca sỹ. Nhưng dù sao em cũng nói luôn là mấy cô giáo thanh nhạc “nổi tiếng” hiện nay như Ngọc Lan, Hà Thủy… đều không có tác phẩm để đời trong VOV. Họ hát mấy bài trong VOV đuối lắm…

8. Quang thứ 2 mà bài báo nói đến là Quang Huy thì em đã nói rồi. Còn Quang thứ 3 chính là Quang Thọ. Nói đến Quang Thọ thì em lại phải trở lại với đặc điểm giống Trần Hiếu là Quang Thọ cũng rất có ít bài thu âm tại VOV. Hình như những năm 70, 80, Quang Thọ chả có tên tuổi gì cả, hoặc là ông ấy còn ở văn nghệ quần chúng, còn ở địa phương. Em tuyệt nhiên không tìm được bản thu âm nào của Quang Thọ lúc trẻ. Đến Đức Long, cũng là người Quảng Ninh, mà em còn tìm được bản thu năm 1979, khi đó tên là Đỗ Đắc Long (không biết các kỹ thuật viên có ghi nhầm tên không, nhưng giọng thì đúng là của Đức Long). Nhưng với Quang Thọ em chỉ tìm được các bản thu sau này. Và em cũng chỉ lưu hai bản là Vang mãi bản tình ca của Trọng Bằng và Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam là hai bản mà em rất “chịu” Quang Thọ. Còn thực ra em không khoái giọng Quang Thọ lắm đâu vì em thấy chú ấy cứ ngậm miệng lại, tiếng hát nó trở nên không khoáng đạt.

9. Cũng là nghệ sỹ nhân dân nhưng rất ít bản thu trong hai thập kỷ 70 và 80 tại Đài là đồng hương của em, và cũng là đồng hương của bà Thương Huyền, đó là Trung Đức. Trong “thời xa vắng” của nhạc VOV, em tìm được mỗi một bản của Trung Đức là Hò biển. Giọng vang, sâu và bay lắm, chứ không bị gân guốc như gần đây. Nhưng bù lại sự thiếu hụt thuở xưa, Trung Đức thu âm khá nhiều trong những năm cuối 80 và đầu 90. Nhưng em lại xếp những bản thu đó vào nhóm “Nhạc trẻ thập niên 80-90” chứ không phải nhóm “Kinh điển Việt Nam” trong tổ chức bộ sưu tập của em. Phải công nhận loạt bài thời đó của Trung Đức thực sự khiến chú ấy là sao của bầu trời ca nhạc Việt Nam khi đó, nhất là trên truyền hình, cùng với Thanh Hoa, Thu Hiền là những người có tần số xuất hiện trên truyền hình vào hàng số một. Những tác phẩm để đời của Trung Đức phải là Thì thầm với dòng sông, Đi tìm câu hát lý thương nhau, Hoa bằng lăng, Biển hát chiều nay… Nhưng em nghe nói, cũng như Mạnh Hà, thậm chí cả Lê Dung, Trung Đức rất khổ sở về nhịp. Như thế là sao nhỉ? Như thế thì có lẽ họ nên hát với piano anh nhỉ?

10. Thời kỳ Trung Đức oanh tạc ở miền Bắc và trên truyền hình thì em nhớ là ở miền Nam có Quang Lý, Thế Hiển, Lê Hành rất sáng. Lê Hành tất nhiên có Con kênh ta đào được em xếp vào nhạc kinh điển. Nhưng chủ yếu, cũng như Trung Đức, em xếp các bài hát của mấy vị này vào phần nhạc trẻ. Sau này thì thấy rằng, nói một cách thật chính xác thì họ là thế hệ chuyển tiếp, là cái gạch nối giữa kinh điển và nhạc trẻ. Thời kỳ của họ đánh dấu giai đoạn cuối cùng trong tính “nhất nguyên” trong đời sống âm nhạc Việt Nam trước khi chúng ta chuyển sang thời kỳ “tam giáo đồng nguyên” trong đó nhạc đỏ, vàng, xanh cùng tồn tại, cùng phát triển mà em sẽ bàn với anh trong dịp khác… Quang Lý sau này em không thích lắm, giọng giống Ngọc Tân lúc về già, tức là mũi bị sao đó, nhưng không sáng bằng Ngọc Tân. Tuy nhiên Quang Lý hát Thuyền và Biển và đoạt giải 3 trong cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 88 thì thật là không ai bằng. Thế Hiển năm đó hát Đất nước, Chuyện ngày xưa chuyện ngày nay, Cây đàn ghita của Lorica cũng trở thành những bài đóng đinh trên sóng VOV cho tới nay. Vì Lê Hành hát một bài hit thời kỳ đó là Một rừng cây một đời người mà em xếp chú ấy vào nhóm nhạc trẻ 80-90!

11. Thật lạ là sau lớp Trung Đức, Quang Lý thì chúng ta bị gián đoạn một thời gian, không có gương mặt nào sáng bật lên. Nói đúng ra thì lớp sau phải kém lớp Trung Đức, Quang Lý 10, 15 tuổi. Hồi đó thì nhạc trẻ miền Nam và Hải Đăng nổi quá rồi với Ngọc Sơn (Chiếc vòng cầu hôn), Thanh Nam (Câu chuyện nhỏ của tôi), Anh Duy (Thuyền và biển), Đỗ Hữu Xuân (Trở về dòng sông tuổi thơ)... Hay dòng nhạc Phú Quang, Dương Thụ, Trần Tiến nổi lên làm nổi danh Thanh Long bass, hay Nguyễn Hoàng với Tùy hứng lý qua cầu. Nhưng đó là nhạc trẻ và toàn là ở phương Nam. Còn nhạc đỏ thì cũng chính các nam ca sỹ ở miền Nam mới chiếm lĩnh thị trường. Đó chính là phong trào các ca sỹ miền Nam hát nhạc đỏ với đầy đủ những Lệ Thu (Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây), còn nam ca sỹ thì có Thế Sơn (cover lại Lá đỏ, Ngọn đèn đứng gác) hay Quang Bình (Trang Thanh Lan), thậm chí cả Nguyễn Hưng … Nhưng đó cũng là kiểu hát nhạc đỏ mà em mãi không làm quen và chấp nhận được. Điều em muốn nói ở đây là lúc này ở miền bắc các nam ca sỹ trẻ thật sự là thiếu. Minh Thắng có thấp thoáng xuất hiện ở Đoàn ca nhạc nhẹ trung ương với mấy bài, như Thuyền và biển (Hữu Xuân) hay Điều giản dị, Mùa xuân tương lai nhưng sau đó biến mất hoàn toàn. Quang Vinh thì không hẳn là ca sỹ. Bên Nhà hát Tuổi trẻ thì Hồng Kỳ, Thanh Tùng bắt đầu lo chạy theo nhạc trẻ của thị trường. Phải đến 93, 94 Tấn Minh mới xuất hiện nhưng chủ yếu là kiểu ca sỹ học trò và không xác định được rõ thế mạnh. Cũng trong thời kỳ xuất hiện Tấn Minh thì khán thính giả rất có cảm tình với các sinh viên của Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội với các gương mặt như Ngọc Lê, Hồng Hải, Minh Hoa, Hương Mơ. Nam thì có Thế Vũ, Hồ Tùng. Hồ Tùng sau này vì mắc bạo bệnh nên sức khỏe suy sụp, có thời em thấy chuyển sang dạy hát trên VOV. Thế Vũ khá sáng sủa, có lúc được liệt vào cùng thứ hạng với Thanh Lam, Mỹ Linh … nhưng lúc về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam của Tiến Định lại không phát huy mấy. Anh này giờ đã chuyển sang kinh doan … Rõ ràng đây là thời kỳ tranh tối tranh sáng trong mảng ca khúc ở Việt Nam mà trong đó phần nhạc kinh điển bị lép vế, các nam ca sỹ bị xuống hạng.

12. Chắc sẽ có một dịp anh sẽ kể cho em nghe về các ca sỹ của phong trào “Khắp nơi ca hát”. Qua nói chuyện với anh thì em biết rằng Tuyết Minh, Chu Thanh Hương, hay Phương Nhung (thời kỳ đầu) là những người như vậy. Còn thời của em thì em biết đến Quỳnh Liên, Tuyết Tuyết, Minh Châu, Quỳnh Hoa (hơi đuối hơn) … Rõ ràng nghe họ hát thì không thể phân biệt được chuyên hay không chuyên, càng không thể gọi họ là dân nghiệp dư. Có lẽ ở đây chuyên hay không chuyên chỉ là nói đến họ có qua trường lớp chính quy hay không mà thôi. Trong nghệ thuật thì trường lớp không phải là yếu tố quyết định tất cả. Còn nói dến các nam ca sỹ không chuyên thì em biết Đức Diên qua Một thoáng Tây Hồ, Mỗi bước ta đi thêm yêu Tổ quốc. Anh này năm kia còn xuất hiện để bình luận về các Sao Mai dòng thính phòng và dân gian. Nhưng theo em “hiện tượng” trong phong trào “Khắp nơi ca hát” phải là Tốp nam nhà máy toa xe Hải Phòng. Hình như ông Huy Túc là từ đây mà ra? Có lẽ phải gọi họ là một đoàn ca nhạc chuyên nghiệp mới đúng. Cứ nghe họ hát Đêm Trường Sơn nhớ bác, Đường tàu mùa xuân, Ta ra trận hôm nay … thì có lẽ chỉ có AC&M hiện nay nếu chưa tan rã mới có thể cover lại được J

Thôi nói tới AC&M là phải nói đến thế hệ trẻ sau này rất lâu rồi. Em sẽ trở lại và hầu chuyện anh về “hình sin” trong đồ thị âm nhạc Việt Nam vào lần sau, trong đó có sự hồi sinh của dòng nhạc kinh điển sau đỉnh cao và bão hòa của nhạc trẻ Việt Nam. Còn bây giờ chúng ta nghe AC&M hát Anh vẫn hành quân của Huy Du. Băng tư liệu này lấy từ Live show Con đường Âm nhạc số 18- Chân dung nhạc sỹ Huy Du.

---

* Trần Thanh Tú: Bạn diễn trong những năm 80's của các ca sỹ Ái Vân, Lệ Quyên, Họa Mi, Thanh Lam... Là học trò của Quý Dương, Diệu Thúy. Anh Tú từng là giám khảo chấm Hồng Nhung trong một cuộc thi năm 1987

Friday 13 March 2009

Lướt sóng ra khơi (March 14, 2009)



Nghệ sỹ Bích Toàn, nguyên diễn viên Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị QĐNDVN, chị gái của Nghệ sỹ ưu tú Ánh Tuyết, giảng viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Với chất giọng bay bổng, trong sáng và mượt mà, kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, nhạc cảm đầy đặn, chứa chất trong đó cả những tố chất của Thanh Huyền hay Vũ Dậu, Bích Toàn đã trở thành người "đo ni, đóng khuôn" cho hàng loạt các ca khúc như Khi ta có mặt trời chân lý của Phạm Tuyên, ý thơ Chế Lan Viên, Hát ru trong đêm pháo hoa của Hoàng Vân, Người sống mãi trong lòng miền Nam của Nguyễn Đồng Nai. Cô là người lĩnh xướng trong dàn hợp xướng Tổng cục chính trị trong hàng loạt các ca khúc và tổ khúc ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi quân đội. Cùng thế hệ với Bích Toàn, chúng ta biết đến NSND Doãn Tần, NSƯT Thúy Mỵ, cũng thuộc TCCT. Hiện nay Bích Toàn đang giảng dạy thanh nhạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lướt sóng ra khơi được Nghệ sỹ Bích Toàn hát vào tháng 12 năm 1977. Trong thời gian này và nhiều năm trước đó, Bích Toàn gắn bó với binh chủng hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay từ khi đất nước chưa thống nhất, Bích Toàn đã theo phái đoàn quân sự 4 bên vào biểu diễn tại Sài Gòn. Được biết chuyến đi bằng đường biển của năm 1973 đó được Bích Toàn và nhiều nghệ sỹ khác coi là một đặc ân, một niềm tự hào vô bờ bến.

Lướt sóng ra khơi gần như được coi như bài hát truyền thống của Hải quân Việt Nam. Nét nhạc trầm hùng, giai điệu trải rộng mênh mông như sóng biển, nhịp nhàng như sóng vỗ thân tàu, có lúc lại trào dâng như những trận phong ba. Bích Toàn hát bài này với dàn nhạc Đoàn Ca múa Tổng cục chính trị. Điều đặc biệt là tiếng contrebasse bập bùng, dìu dặt trong phần nhạc đệm chính là tiếng đàn của phu quân của Bích Toàn.

Ngoài Bích Toàn, nghệ sỹ Quang Huy Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cũng biểu diễn rất thành công bài này.

Thursday 12 March 2009

Đến cao nguyên người ở đừng về (March 13, 2009)



1. Tháng Ba Tây Nguyên. Sáng tác nhạc của Văn Thắng. Lời thơ của Thân Như Thơ. Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vy song ca cùng Nghệ sỹ Trọng Hinh.

2. Tình ca Tây Nguyên- Sáng tác: Hoàng Vân. Nghệ sỹ ưu tú Tiến Thành hát cùng tốp nữ Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1978.

3. Nghe câu Quan họ trên Cao nguyên. Sáng tác: Vũ Thiết. Nghệ sỹ Quỳnh Liên (Cán bộ Đại học Sư phạm Hà Nội) hát cùng Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1983.

4. Ngọn lửa Cao nguyên. Sáng tác: Trần Tiến. Ca sỹ Bách Thảo (Đoàn ca múa Hải Đăng- Phú Khánh) hát cùng giọng bè của ca sỹ Thanh Nam (Hải Đăng).