Saturday 14 February 2009

Chiến tranh biên giới qua ca khúc Việt Nam (February 15, 2009)



Khi nổ ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc cách đây hơn 1 năm, nhiều bạn đề nghị tôi giới thiệu lại các bài hát của thời kỳ chiến tranh biên giới Việt- Trung mà các bạn ấy biết là tôi giữ lại gần như trọn vẹn trong bộ sưu tập cá nhân. Những ngày này, khi gần tới ngày 17 tháng 2, nhiều bạn lại hỏi tôi về « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới », rồi « Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận » v.v. Tôi rất cảm kích sự yêu mến mà các bạn, cũng như tôi, dành cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ. Tôi cũng hiểu cả sự tò mò của nhiều bạn nữa, một sự tò mò rất tự nhiên, hợp tình, hợp lý muốn được nghe thử, được tìm hiểu các ca khúc một thời khuấy động cả dân nhưng rồi sau đó lại chỉ còn được biết đến qua tựa đề, qua một số câu hát không trọn lời, qua sự truyền miệng trong dân gian. Có bạn đã tò mò và háo hức được nghe tới mức đã tìm cách thu lén « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới » qua YM và sau đó phổ biến một clip âm thanh với chất lượng rất thấp trên rất nhiều diễn đàn mạng...

1. Trong bài Đất nước, Tạ Hữu Yên viết Mẹ Việt Nam « ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ ». Rất có thể con số 3 và số 2 ở đây là những con số có tính tượng trưng vì trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mình, Mẹ Việt Nam đã nhiều hơn ba lần tiễn con đi và cũng nhiều lần khóc thầm lặng lẽ. Nhưng nếu đó là hình ảnh Mẹ Việt Nam của thế kỷ 20 thì lần thứ 3 Mẹ khóc chính là lúc những đứa con của Mẹ phải ra đi để bảo vệ những miền biên ải ở hai đầu đất nước. Nếu hình dung sự phát triển của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam như những đợt triều dâng thì đã có tới ba đợt triều cường trong thế kỷ 20. Nếu như đợt thứ nhất là của thế hệ của Điện Biên, của 9 năm, đợt thứ hai ứng với thế hệ của những « giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn » thì đợt thứ 3 chính là thế hệ của các nhạc sỹ, ca sỹ trưởng thành từ cuộc chiến đấu vì lý tưởng « độc lập, tự do » của cả dân tộc.

2. Ngày nay, bạn trẻ yêu nhạc cách mạng nào cũng có thể dễ dàng liệt kê hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc ra đời trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu có điều kiện nghe lại hoặc được cha anh kể chuyện, các bạn cũng có thể kể ra một con số ấn tượng các ca khúc ra đời giữa những ngày nóng bỏng nhất của « cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ ». Phải khẳng định ngay từ đầu rằng các ca khúc của thời kỳ chiến tranh biên giới- ca khúc chống bành trướng là một bộ phận không thể tách rời, trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Nếu bỏ đi giai đoạn sáng tác này, dòng chảy của nền ca khúc nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung không còn liền mạch và trở nên thiếu tự nhiên. Được sáng tác trong một thời gian không dài, khoảng 3-4 năm và tập trung cao độ trong hai năm 1979 và 1980 với con số lên tới vài trăm bài hát, nhưng kho tàng ca khúc thời kỳ này có thể sánh ngang với nền ca khúc cách mạng của ba thập kỷ liền kề trước đó ở mọi phương diện. Đặc biệt, đó còn là những bản tráng ca cũng rực lửa hờn căm, ngập tràn hào khí. Một cách vắn tắt nhất, đây là một tượng đài hùng vĩ của nền ca khúc Việt Nam.

3. Các ca khúc của thời kỳ này đã được viết lên từ những thôi thúc của tinh thần dân tộc dâng cao tột độ, từ tình yêu đất nước cháy bỏng đã trở thành truyền thống của cả dân tộc, và đặc biệt là từ tinh thần chống quân xâm lăng phương Bắc- một tinh thần được hun đúc từ hàng nghìn năm qua và đã trở thành một thứ tình cảm thường trực, một thứ phản xạ của bản năng, một ý chí hiện hữu tự nhiên tựa như dòng máu chạy trong huyết quản của mỗi con dân đất Việt. Một yếu tố quan trọng nữa làm nên tầm vóc của các tác phẩm thanh nhạc thời kỳ này nằm ở chỗ, những năm cuối 70, đầu 80 là thời kỳ đỉnh cao trong kỹ thuật dàn dựng, phối khí, thu thanh của Đoàn ca nhạc và Ban biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam- một « pháo đài » của nền âm nhạc cách mạng và tuyên truyền được sinh ra, trưởng thành và rèn luyện trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trước đó, cũng như từ sự hỗ trợ của các nền âm nhạc lớn trong « phe » Xã hội chủ nghĩa, trong đó có cả Trung Quốc ( !), để rồi sau đó trở thành cái nôi sản sinh ra các tác phẩm còn mãi với thời gian và các tên tuổi nghệ sỹ đi cùng năm tháng.

4. Nối tiếp truyền thống và mạch cảm xúc của ba thập kỷ trước đó, các ca khúc thời kỳ này tiếp tục là tấm gương phản ánh sinh động nhất của lịch sử. Mỗi bài hát là một chỉ dấu song hành với những diễn biến của lịch sử. Một cách không hề phóng đại, thay vì tìm và đọc lại các xã luận của Hoàng Tùng trên báo Nhân dân, thay vì tìm lại bản gốc của Hiến pháp 1980 hay các tuyên bố báo chí của Bộ Ngoại giao, thay vì đọc sách trắng về quan hệ Việt-Trung, người ta có thể tiếp cận lịch sử bằng cách nghe lại các ca khúc của thời kỳ này.

5. Đó là sự tái hiện bằng âm nhạc các trận bút chiến nảy lửa trong dư luận báo chí và chính giới, như trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Tấn và Nguyễn Mạnh Thường với giọng hát hào sảng, bừng bừng khí thế và đầy kịch tính của nghệ sỹ Quang Hưng :

« Giặc xâm lăng nói đất này đất của Trung Hoa bởi chứa trong lòng đất xương cốt ông cha đã chất chồng. Quân xâm lăng bay biết không ? Muốn tìm xương cốt cha ông, sao chỉ ở Hoàng Sa, đảo nhỏ quê ta, sóng dềnh, biển gào. Hãy đến Đông Đa, hay tới Chi Lăng, hay tới Bạch Đằng nơi bao hồn oan vất vưởng... Hãy đến đây, xương chất sẽ càng cao. Dù 50 vạn, hoặc nhiều hơn . Đụng đến Việt Nam thành đồng lũy thép, thế hiên ngang muôn thuở là mộ chôn lũ quân thù... » (Việt Nam muôn thuở mồ chôn quân thù- Nguyễn Mạnh Thường)

hay :

« Quên rồi chăng ? Những ngày cách mạng, những giải phóng quân vì Đảng hy sinh. Quên rồi chăng ? Giai cấp đấu tranh, khinh con hổ giấy giải phóng Đài Loan. Không ! Chúng không quên, chúng đâu có quên mà là bội phản. Quân phản bạn, phản dân. Hôm xưa chống Mỹ viện Triều. Hôm nay thân Mỹ đả Việt. A ha, vua Trụ, vua Việt đang sống lại hát Quốc tế ca. Thôi đi, im ngay đi !...Những người cầm quyền Trung Hoa đừng cuồng say trung cổ mà hãy nhớ lấy Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... (Việt Nam không khuất phục- Nguyễn Đình Tấn)

6. Các ca khúc ấy đã bám chặt dòng chảy của thời sự. Nhiều ca khúc đã xuất hiện gần như ngay lập tức khi chiến tranh bùng nổ. Tiếng hát của dàn đồng ca vang dội hùng tráng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam nhiều lần trong ngày có thể ví như các bản tin « breaking news » của CNN :

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương. Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng. Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca. Việt Nam, ôi nước Việt yêu thương. Lịch sử đã trao cho Người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương, Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người : Độc lập, Tự do ! (Phạm Tuyên)

7. Bên cạnh những bản tin thời sự với những bài xã luận đanh thép được thể hiện qua giọng đọc truyền cảm đặc biệt của các phát thanh viên danh tiếng Việt Khoa, Tuyết Mai, Hoàng Yến, Đài Tiếng nói Việt Nam đồng thời phát đi những ca khúc mang âm hưởng của lời Hịch tướng sĩ thở xưa. Những ca khúc ấy chất chứa lòng uất hận của những người thường dân vô tội, loạn ly trong cảnh chạy giặc. Cùng với cảm xúc ấy là lòng căm thù và quyết tâm thắng giặc của những đoàn quân ra trận :

« Đoàn quân vội đi, đi về biên giới. Cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ. Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé. Từng đôi mắt đen xoe tròn. Từng đôi mắt mang hình viên đạn. Ngàn đôi mắt như ngàn lời ước hẹn. Từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân. Người chiến sỹ hãy nhớ lấy. Bắn tan quân xâm lược dã man. » (Những viên đạn trao từ đôi mắt- Trần Tiến, giọng hát Trần Hiếu)

Hay như :

« Hành quân lên biên giới. Non sông ta kẻ thù xéo giày, trong tim ta hận thù chất đầy. Bọn Trung Quốc xâm lược ! Phải giữ lấy mỗi tấc đất để xứng với ngàn năm. Phải đánh cho chúng nhớ lấy chớ vào đây.Hào khí chiến đấu bất khuất chống ngoại xâm... » (Lê Mây, tốp nam hát, Tiến Thành lĩnh xướng)

Và bi tráng nhất từ giai điệu cho đến ca từ, phải kể đến Bài ca biên giới anh hùng của Nguyễn Đức Toàn :

« Nén đau thương, những bà mẹ lại tiễn con lên đường đi ra mặt trận, đi bảo vệ đất nước. Ta đánh cho tan bọn Trung Quốc hung nô xâm lược. Mỗi tấc đất, mỗi dòng sông là một trận tuyến bất khuất hiên ngang chặn bàn tay khát máu... Đi đánh cho tan bọn Trung Quốc man rợ. Với khí thế Bạch Đằng Giang hãy xông lên trút ngọn lửa hờn căm... » (Tiếng hát Đăng Khoa, Trung Kiên, Hữu Nội và tốp nam)

8. Bài xã luận từng được coi như lời hịch đăng trên báo Nhân dân với tựa đề « Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận » đã được nhạc sỹ Hồng Đăng mô phỏng hết sức sinh động bằng một ca khúc cùng tên. Không thể phủ nhận tính chất tuyên truyền và cổ động của tác phẩm này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chắc chắn sự rung động chân thành của tác giả đã bắt gặp cảm xúc và khí thế của cả dân tộc. Vì thế, ca khúc của Hồng Đăng đã trở thành một điểm nhấn giữa một biển ca khúc cùng thời. Đồng ca Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng lĩnh xướng đanh thép nhưng thiết tha của Ngọc Tân và Vân Khánh đã thể hiện trọn vẹn nhất hào khí 40 thế kỷ của cả dân tộc :

« Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận. Hát tiếp bài ca chống giặc ngoại xâm. Bốn mươi thế kỷ đều căm giận. Kẻ thù phương Bắc không đội trời chung. Một dải non sông tha thiết yêu thương. Một tiếng nói chung chỉ một con đường. Lịch sử gọi ta xông lên phía trước. Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước. »

Lịch sử bốn ngàn năm của đất nước đã được khơi dậy từ sự đồng thuận của cả dân tộc với ý chí Diên Hồng- ý chí Việt Nam. Ý chí đồng thuận của cả dân tộc đã chuyển hóa thành sức mạnh cho một cuộc chiến tranh nhân dân tổng lực, giống như nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã viết :

« Cả nước hành quân theo Đảng ra chiến trường. Vì nước vì dân ta lên đường đi chiến đấu. Đèo cao đá Chi Lăng, vực sâu nước Bạch Đằng đang chờ quân giặc ở ngàn phương. Mỗi nhà là một pháo đài. Mỗi làng là một chiến khu. Năm mươi triệu dân cùng chung ý chí. Quyết đánh quân bành trướng. Quét hết lũ ngoại xâm. Thắng quân thù ta sướng vui ngàn năm. Ý chí Diên Hồng ý chí Việt Nam. » (Ý chí Diên Hồng- Đồng ca)

9. Các nhạc sỹ còn dõi theo những phản ứng của dư luận quốc tế trước cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Trung Quốc phát động chống Việt Nam. Trong mạch cảm xúc này, nhạc sỹ Phan Nhân đã viết :

« Khắp thế giới vang lên những lời hô : không được đụng đến Việt Nam- niềm tin kiêu hãnh của loài người yêu tự do. Bọn bành trướng hiếu chiến cút ra khỏi Việt Nam ngay ! Bọn bành trướng khát máu, cút ra khỏi Việt Nam. Khắp thế giới chung lưng với Việt Nam. Bao kẻ thù đã bại vong. Nay kẻ thù sẽ bại vong. Mùa xuân vĩnh viễn sẽ rực hồng trên biển Đông... » (Không được đụng đến Việt Nam, tiếng hát Kiều Hưng, Vân Khánh)

10. Vấp phải sự kháng cự ngoan cường của quân và dân Việt Nam, quân Trung Quốc đã phải rút khỏi Việt Nam. Và đó là lúc Việt Nam tuyên bố chiến thắng. Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn viết :

« Vui sao vui sao tin chiến thắng dậy non sông. Đất nước vinh quang viết trang sử anh hùng. Ta đánh thắng bọn Bắc Kinh xâm lược. Vì độc lập tự do có bao con người hy sinh cứu nước. Bốn nghìn năm lại có hôm nay. Ông cha ta bao đời bất khuất. Một biên cương chống quân xâm lược. Ải Chi Lăng vẫn còn đây. Bạch Đằng Giang đang dậy sóng. Cho đến hôm nay chiến thắng vang lừng nước non này. » (Chiến thắng vinh quang, Đồng ca Đài)

còn nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn viết về chiến thắng trên khắp dải biên cương như sau :

« Tiếng hát chiến thắng vút lên trên miền biên cương. Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn cùng Lai Châu, Đồng Đăng thắng lớn... Toàn dân Việt Nam ta, 50 triệu người là 50 triệu chiến sỹ. La la la ! Độc lập tự do ta yêu ta quý vô vàn. Hát vang bài ca chiến thắng, nức lòng ta quân tiên phong. » (Tiếng hát chiến thắng, tốp nam, Tiến Thành lĩnh xướng)

11. Các ca khúc của thời kỳ này còn có một đặc điểm chung là thường xuyên nhắc tới các địa danh từng ghi dấu những chiến công oai hùng trong lịch sử dân tộc như Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Diên Hồng. Bên cạnh đó, rất nhiều ca khúc thể hiện thái độ tấn công trực diện, gọi Trung Quốc là « bọn bành trướng dã man », « bọn Bắc Kinh xâm lược », « bọn hung nô », « kẻ thù không đội trời chung », « quân xâm lăng », « quân cướp Bắc Kinh » … Đây có lẽ là đặc điểm làm nên tính « nhạy cảm » sau này của hệ thống ca khúc chống bành trướng. Đặc điểm này cũng dẫn tới hiện tượng sửa lời bài hát cả trong và sau cuộc chiến. Chẳng hạn Phạm Tuyên viết « quân xâm lược bành trướng dã man » trong bản gốc, nhưng trong thời chiến nhiều người hát là « quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh ». Tương tự như vậy, Trần Tiến viết « đánh tan quân xâm lược dã man » thì nhiều người chuyển thành « quân xâm lược Bắc Kinh ». Ngược lại, sau này để tránh nói tới Trung Quốc trực tiếp như cách hát của Ngọc Tân trong bài Mẹ ơi con lên đường của Thuận Yến, « giặc Bắc Kinh kéo tới xâm lăng, gieo đau thương, tàn phá nơi biên thùy », ca sỹ Ngọc Đức (văn công không quân) đã chuyển lời thành « dù biên cương núi khuất mây che, con ra đi vì nước non mong chờ »...

12. Giá trị đặc biệt của nhiều ca khúc ra đời trong thời kỳ chiến tranh biên giới còn nằm ở chỗ chúng được viết từ cảm xúc xuất thần của các nhạc sỹ. Nếu như Phạm Tuyên đã từng xuất thần với « Như có Bác trong ngày vui đại thắng » khi cảm xúc của nhạc sỹ thăng hoa vào đúng ngày 30/4 thì lịch sử đã lặp lại vào ngày 17/2 khi ông cho ra đời « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới » (tên gọi dân gian của bài hát) với một nguồn xúc cảm tương tự. Có lẽ đây là bài hát được nhiều người nhắc đến nhất khi nói tới chiến tranh biên giới phía Bắc. Bài hát gần như gói gém tất cả suy nghĩ, cảm xúc và phản ứng của cả dân tộc Việt Nam khi ấy đối với hành động gây chiến của Trung Quốc. Nếu coi bài hát này là biểu tượng bằng âm nhạc về cuộc chiến chống bành trướng của người Việt Nam thì cũng không quá đáng. Bài hát có 2 bản thâu âm còn được giữ cho tới ngày nay. Một bản do nghệ sỹ Tiến Thành lĩnh xướng cùng với nghệ sỹ Bạch Kim. Một bản do đồng ca nam nữ Đài Tiếng nói Việt Nam thể hiện, được dàn dựng và thu thanh cùng thời điểm với « Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi » của Thanh Phúc.

Thực ra xét ở nhiều khía cạnh, CHIẾN ĐẤU VÌ ĐỘC LẬP TỰ DO chưa chắc là bài hát xuất sắc nhất của thời kỳ này. Chung mạch cảm xúc đó người ta còn thấy những ca khúc hoành tráng hơn và mạnh mẽ hơn, như « Bài ca biên giới anh hùng » của Nguyễn Đức Toàn, với những câu hát : « Mẹ ơi con lên đường » của Thuận Yến (Ngọc Tân hát), « Hãy cho tôi lên đường » của Hoàng Hiệp (Ái Vân hát), v.v. Nhưng có lẽ điều đặc biệt mà « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới » có được chính là thời điểm và cách thức nó ra đời. Được biết bài hát đã được phát đi trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ ít giờ đồng hồ sau khi quân Trung Quốc tràn vào bờ cõi nước ta. Thêm vào đó phải nói đến vai trò của nhạc sỹ Phạm Tuyên. Khi đó ông là trưởng ban biên tập âm nhạc của Đài, có vai trò lựa chọn, giới thiệu các bài hát. Bài hát này đã được sử dụng gần như nhạc hiệu sau các bản tin về chiến sự và các chương trình phát thanh quân đội.

13. Nghe những bài hát sáng tác trong thời kỳ này, người ta cũng sẽ có ấn tượng rằng chủ nghĩa lãng mạn cách mạng quả thực đã trở thành một dòng chảy liên tiếp từ hai cuộc kháng chiến thần thánh trước đó cho tới cuộc chiến chống bành trướng. Nếu như trong kháng chiến chống Mỹ đã có Bài ca Trường Sơn của Trần Chung với hình ảnh hết sức lãng mạn, gần như thoát ly khỏi thực tế nghiệt ngã và tàn khốc của chiến tranh (mà sau này có người ác ý hoặc ít hiểu biết về văn học cho là sự lừa dối) : «Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người, có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác » thì Nguyễn Đức Toàn đã mô tả không khí hành quân của các binh đoàn bộ binh trên đường ra biên giới như sau :

« Lên xe, lên xe, lên xe ta đi. Trông cây lúa chín dọc đồng quê. Nghe con sáo nó hót đầu ngọn tre. Tiếng súng vang vang trên khắp tuyến đường. Những chuyến xe ra tiền phương... »

Bằng giai điệu rộn ràng và phần hòa âm dựa trên nền accordeon giống như giai điệu của « Chào em cô gái Lam Hồng », người nghe được truyền một cảm giác lạc quan. Tiếng súng mà ngỡ như tiếng trống hội. Đi đánh giặc mà ngỡ như đi trảy hội...

14. Tình đồng đội, tình yêu lứa đôi, tình yêu tiền tuyến và hậu phương vẫn là nguồn cảm xúc không thể thiếu trong kho tàng ca khúc thời kỳ này. Những bản tình ca ra đời trên biên giới trên thực tế đã hòa mạnh nhất vào dòng chảy ca khúc của tân nhạc Việt Nam và trở thành những bản tình ca đi cùng năm tháng. Đó chính là « Tiếng đàn bên bờ sông biên giới » của Phạm tuyên mà trong suốt những năm 80 đã trở thành nhạc hiệu của chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam. Đó chính là « Chiều biên giới » của Trần Chung với « khi mùa đào hé nở, khi mùa gió sang cây, đôi ta cùng chiến hào, tình yêu là tiếng hát giữa đất trời quê hương » ; hay « bản tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới là bản tình ca anh viết cho em » (Tình ca tuổi trẻ, Tôn Thất Lập). Tình tứ và sâu lắng hơn nữa phải kể đến « Tình ca mùa xuân » của Trần Hoàn với cặp song ca Thúy Lan và Phan Huấn : « Em ơi em mùa xuân đã về trên cánh lá, tiếng chim kêu ngọt quá cho trời xanh xanh thẳm ... mùa xuân biên giới súng anh gác trời xa ». Nổi tiếng nhất phải kể đến « Gửi em ở cuối Sông Hồng » được nhạc sỹ Thuận Yến viết phỏng theo thơ của Dương Soái. Bài hát xuất hiện lần đầu vào đầu năm 1980 với cặp song ca Tiến Thành và Thanh Hoa và ngay lập tức trở thành một tiết mục không thể thiếu trong bất kỳ một chương trình biểu diễn ca nhạc nào. Ngoài Tiến Thành, Thanh Hoa còn song ca rất thành công bài hát này với Ngọc Tân, Quang Lý...

15. Phong trào đặt lời mới cho dân ca cũng là mảng sáng tác phát triển mạnh thời kỳ này mà nội dung lời mới chủ yếu gắn với cuộc chiến bảo vệ biên giới. Cho tới nay nhiều khúc dân ca lời mới này vẫn được phổ biến. Tiêu biểu nhất phải kể đến « Chung lập chiến công» do Đức Miêng viết lời mới dựa trên dân ca quan họ, NSND Lê Dung hát (Anh gửi theo những cánh chim điệu dân ca, tới thăm anh nơi biên giới...). Đài Tiếng nói Việt Nam còn có riêng một chương trình ca nhạc phát sóng hàng ngày có tên « chương trình ca nhạc dành cho các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới và hải đảo »

16. Thời kỳ nào nền âm nhạc Việt Nam sản sinh ra các giọng ca vượt thời gian. Thời kỳ chống bành trướng cũng vậy. Nếu như nói tới thế hệ thứ nhất của tân nhạc cách mạng người ta nói tới Mai Khanh, Trần Thụ, Thương Huyền, Tân Nhân… ; thế hệ thứ hai với Quý Dương, Tường Vy, Bích Liên, Vũ Dậu…, thì thời kỳ chiến tranh chống bành trướng là thời kỳ của Tiến Thành, Thanh Hoa, Ái Vân, Ngọc Tân, Vân Khánh… Nếu thống kê lại, người ta sẽ thấy tiếng hát của Tiến Thành, Ngọc Tân, Vân Khánh xuất hiện ở hàng trăm ca khúc của thời kỳ này, nhất là nghệ sỹ Tiến Thành. Tiến Thành là ca sỹ lĩnh xướng hoặc nam ca sỹ hát song ca hầu hết các ca khúc của giai đoạn này. Vì thế, hoàn toàn không quá lời nếu ai đó nói Tiến Thành là « ca sỹ chống bành trướng ». Nhưng cũng chính vì thế nhiều người nói Tiến Thành ... thiệt thòi khi hầu hết các ca khúc ra đời trong thời kỳ này về sau không còn được phổ biến nữa.

17. Hai nước láng giềng xung đột với nhau vốn là điều không hy hữu trong lịch sử, nhưng bao giờ cũng là việc cực chẳng đã. Nhất là Việt Nam và Trung Quốc trong vài thập kỷ trước đó còn coi nhau « vừa là đồng chí, vừa là anh em », « môi hở răng lạnh ». Cũng trong âm nhạc, thì mối quan hệ hữu hảo đặc biệt lúc đó đã được hát rằng : « Việt Nam- Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông, mối tình hữu nghị sáng như dòng sông ». Tình tứ, da diết và trong sáng hơn nữa phải kể tới mối tình Việt-Trung trong Mộc Miên Hoa của Huy Du, trong đó có đoạn : « Hồng Hà ơi, Dương Tử ơi đôi ta có mối tình trong sáng, mang theo phù sa tới bốn phương trời. Đây Hồ Chí Minh, đây Mao Trạch Đông, ngôi sao chỉ nam đời đời soi sáng đường chúng ta đi ... »

18. Cũng cần lưu ý rằng ngay cả trong thời kỳ chiến tranh biên giới và những năm căng thẳng sau đó, Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ cắt đứt quan hệ ngoại giao. Mỗi nước vẫn duy trì sứ quán của nước mình tại thủ đô nước kia. Mối quan hệ thù nghịch một cách công khai và chống phá nhau một cách toàn diện trên tất cả các mặt trận chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, tức là chiến tranh tổng lực, chiến tranh nhân dân, trên thực tế , có lúc lại chỉ được đơn giản hóa là một mối quan hệ không bình thường, thậm chí dư luận quốc tế cũng chỉ gọi chung chung là xung đột biên giới, các cuộc đụng độ ở biên giới (border skirmishes). Dù nói theo cách nào thì đó cũng là một mối quan hệ không bình thường và một giai đoạn lịch sử không bình thường.

19. Thiện chí muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc được nêu chính thức trong văn kiện của Đại hội Đổi mới của ĐCS VN, đại ý nói rằng Việt Nam sẵn sàng ngồi lại đàm phán với Trung Quốc ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào và trên bất kỳ vấn đề gì nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Tiếp sau đó, vào năm 1988, cùng năm Trung Quốc đưa tàu chiến tấn chiếm một phần Trường Sa, Việt Nam đã có một động thái hết sức quan trọng nhằm tiến tới một mối quan hệ bình thường giữa hai nước bằng việc sửa lại lời nói đầu của Hiến pháp 1980, không còn nêu Trung Quốc là « kẻ thù truyền kiếp không đội trời chung » nữa. Đi kèm theo nó, hai bên cũng thỏa thuận chấm dứt các hoạt động chống phá lẫn nhau trên cả mặt trận tư tưởng, văn hóa. Một trong những việc làm thực hiện thỏa thuận này của phía Việt Nam là việc gỡ bỏ phần trưng bày về chiến tranh chống bành trướng ra khỏi Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tương tự như vậy, tất cả các tài liệu, ấn phẩm, các tác phẩm văn học, nghệ thuật tuyên truyền chống nhau đều CHẤM DỨT LƯU HÀNH . Và đó là lý do mà không ai còn nghe thấy từ làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt nam hay Đài truyền hình Việt Nam những câu hát như « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới nữa ». Được biết, Việt Nam và Mỹ gần đây cũng có thỏa thuận tương tự. Mà đã là thỏa thuận thì rất cần được tôn trọng.

20. Tuy nhiên, ở đây có ít nhất hai góc độ để nhìn nhận câu chuyện âm nhạc này, một là đối ngoại, hai là lịch sử dù rằng hai góc nhìn không có sự tách biệt tuyệt đối. Còn nhớ, trong một cuộc tọa đàm hẹp, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nêu vấn đề chiến tranh biên giới với một lãnh đạo cao cấp của nước ta. Đồng chí lãnh đạo này, trong khi ghi nhận sự cần thiết phải đi đến cùng trong nghiên cứu khoa học lịch sử nhằm tiếp cận chân lý, vẫn khẳng định rằng trong chính trị, đối ngoại không phải điều gì cũng nên được phơi bày, nhất là vào thời điểm không thích hợp. Thiết nghĩ, đó cũng là sách lược hợp lý, tựa như cách « trong xưng bá, ngoài xưng vương » của cha ông ta ngày xưa.

Tuy nhiên, xử lý mối quan hệ giữa ngoại giao và lịch sử là cả một nghệ thuật. Điều đáng lưu ý là ranh giới giữa sự khéo léo, tinh tế, với dĩ hòa vi quý và sự nhu nhược là khá mong manh. Sự quá đà trong đòi hỏi về sự sòng phẳng trắng đen trong lịch sử có thể làm khó, thậm chí đổ vỡ cho các nỗ lực giao hảo. Nhưng đồng thời sự dĩ hòa vi quý sẽ trở nên vô nghĩa, thậm chí nguy hiểm một khi nó bị lạm dụng tới độ né tránh lịch sử, biến tất cả những sự thật của lịch sử thành những điều nhạy cảm và cấm kỵ. Khi ấy, thái độ đó sẽ đồng nghĩa với sự chối bỏ lịch sử, lảng tránh lịch sử, và theo thời gian nó gây ra hệ lụy biến cái chính nghĩa thành phi nghĩa.

TMH, tháng 2-2009

Friday 6 February 2009

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (February 07, 2009)



Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến như một vị anh hùng dân tộc Việt Nam và được quân đội Pháp rất nể phục. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại cường quốc thế giới.


Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8, 1911 – ) là đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy chiến thắng trận Điện Biên Phủ. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại cường quốc thế giới.


Những năm đầu
Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình trí thức nghèo. Thân sinh ông là cụ Võ Nguyên Thân, một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, dòng dõi khoa bảng. Năm 1924, ông bắt đầu tham gia hoạt động trong hàng ngũ những người yêu nước khi đang học ở trường Quốc học Huế. Hai năm sau, ông bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam.
Năm 1926, ông được trở lại trường Quốc học Huế và tiếp tục đấu tranh. Do hoạt động quá giới hạn cho phép nên ông bị bắt khi đang điều hành một cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên và bị cầm tù 2 năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng thì được thả ra vì thiếu chứng cớ buộc tội.

Sau đó ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ tú tài. Ông tốt nghiệp đại học ngành Luật và Kinh tế chính trị năm 1937.

Năm 1934, ông lấy bà Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1943), bạn học tại Quốc Học Huế và là một đồng chí của ông (bà cũng là em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai). Năm 1943, bà Thái chết trong nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội.

Tháng 5 năm 1939, ông nhận dạy sử học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc nhà trường (tức Hiệu trưởng).


Hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Pháp

Từ 1936 đến 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm này và bắt đầu các hoạt động của mình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hồ trong một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam có tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh. Ông tham gia gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, đội quân này đã tiến công thắng lợi hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi). Cũng trong năm 1946, ông lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương). Ông được phong Đại tướng ngày 25 tháng 1 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, cùng đợt có Nguyễn Bình được phong Trung tướng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.

Ông là một nhà vận dụng tài giỏi chiến thuật Chiến tranh du kích. Ông cũng là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh Trận Điện Biên Phủ và thắng Pháp năm 1954.

Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch - Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp:

Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)
Chiến dịch Biên giới (tháng 6 - 1950)
Chiến dịch Trung Du (tháng 12 - 1950)
Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 - 1951)
Chiến dịch Đông Bắc (tháng ?? - 195?)
Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 - 1951)
Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 - 1952)
Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 - 1953)
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 1 - 1954)
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm dấu ấn của ông trong việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

Từ năm 1955, ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.



Sau Điện Biên Phủ
Từ năm 1954 đến năm 1976, Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng Chính phủ, sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (đến năm 1991). Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động Đảng Cộng sản và Nhà nước khác.

Trong một thời gian ngắn từ tháng 7 năm 1960 đến tháng 1 năm 1963 ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, một trong những cộng sự lâu năm nhất của ông. Năm 1983 ông được phân công làm Chủ tịch Ủy ban sinh đẻ có kế hoạch. Ông đã rời bỏ vũ đài chính trị năm đó, nhưng vẫn giữ một vai trò làm cố vấn.

Năm 1991, ông nghỉ hưu ở tuổi 80.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.




Đánh giá
Là một người có tài tổ chức và kiên nhẫn, Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Là một nhà chiến lược - chiến thuật bậc thầy, ông đã lãnh đạo quân đội đó giành thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh. Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp gắn liền với một chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ - lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh bại trên chiến trường quân đội của một cường quốc châu Âu. Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao nhất, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội Nhân dân. Ông đã nhận được rất nhiều Huân và huy chương cao quí nhất của Việt Nam. Ông được cả thế giới biết đến như một vị anh hùng dân tộc Việt Nam và được quân đội Pháp rất nể phục.


Các tác phẩm

Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938
Đội quân giải phóng, 1947
Từ nhân dân mà ra, 1964
Điện Biên Phủ, 1964
Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, 1970
Những năm tháng không thể nào quên, 1972
Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, 1972
Những chặng đường lịch sử (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên, 1977
Chiến đấu trong vòng vây, 1995
Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 1979
Đường tới Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử
Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, 2000