Sunday, 3 August 2008

Đêm đừng vội đi (August 04, 2008)



Một dạo post lên blog bài Thời hoa đỏ Thanh Lam thu thanh tại Đài Tiếng nói Việt Nam từ rất lâu rồi, có bạn nhận xét «đây mới đích thực là Lam ‘xưa’, Lam của thời con gái ». Có lẽ đúng vậy. Nói về Lam xưa, nói về « thời con gái của Nữ hoàng Nhạc nhẹ Việt Nam » chắc phải nói từ trước thời của Chia tay hoàng hôn, tức là trước cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Đó là thời của các Gala 88, 89, 90, khi ấy Thanh Lam là ca sỹ của đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương, cùng lứa với Hồng Nhung, Quang Vinh, Minh Thắng, Hồng Thanh. Đồng thời Lam là thành viên của ban nhạc Hoa sữa với các thành viên giờ đã thành « gạo cội » như Ngọc Châu, Vũ Quang Trung (con trai nhạc sỹ Vũ Thanh). Thời đó Lam nổi tiếng với những ca khúc như KHI ANH YÊU EM (Vũ Quang Trung), ĐÊM ƠI ĐỪNG VỘI ĐI (Vũ Duy Cương), Nếu điều đó xảy ra (Ngọc Châu). Thanh Lam còn được biết đến với nhiều ca khúc « chính thống » như chùm ca khúc của Thuận Yến về thời kỳ hậu chiến gồm các bài Màu hoa đỏ, Nỗi đau và hạnh phúc, Trái tim bình dị ; chùm ca khúc về Trường Sa gồm các bài như Màu xanh Trường Sa, Đảo xa cánh chim ; rồi những bài như Chiều bên hồ cao nguyên (Vũ Thanh), Hành hương về xứ nghệ (Nguyễn Cường), Đất nước (Phạm Minh Tuấn), Ngày hội đầu tiên (Trương Ngọc Ninh) .

Cái tên Thanh Lam đã xuất hiện trong đời sống ca nhạc của Việt Nam thời kỳ ấy như cặp bài trùng với Hồng Nhung mặc dù phải nói là Hồng Nhung lúc đó có phẩn nổi hơn Thanh Lam. Các nam ca sỹ trẻ hát nhạc trẻ của miền Bắc thời kỳ này quá hiếm, hình như chỉ có Minh Thắng xuất hiện chớp nhoáng rồi biến mất. Hai nữ ca sỹ trẻ của miền Bắc hát nhạc trẻ như mang đến một cơn gió (chứ không phải chỉ một làn gió) mới mẻ, tươi mát, thổi bùng ngọn lửa pop vốn mới chỉ âm ỉ hay mới chỉ hơi bập bùng cháy bằng những giọng hát của thế hệ « gạch nối » như Ái Vân, Lệ Quyên. Với sự xuất hiện của Thanh Lam và Hồng Nhung, nền nhạc nhẹ của miền Bắc chuyển hẳn sang một thời kỳ mới đầy sung mãn, sánh ngang với bầu không khí nhạc nhẹ sôi động vốn là sở trường của miền Nam với những Cẩm Vân, Ngọc Bích, Hoàng Huệ Quân, Nhã Phương, Ngọc Sơn và của miền biển Nha Trang với dàn ca sỹ đang nổi như cồn của đoàn ca múa Hải Đăng gồm Ngọc Thúy, Bách Thảo, Tú Anh, Thanh Nam và Ánh Tuyết.


Nhưng giai đoạn từ năm 91 đến khoảng 96, 97 mới là thời kỳ cực kỳ hoàng kim của giọng hát Thanh Lam. Lúc này Hồng Nhung vào Sài Gòn, giọng hát bắt đầu khác, chỉ còn một số ít bài như Tình khúc 24, Ngày mưa hãy đến với em, Hơi thở mùa xuân, Bóng tối ly cà phê là giữ được phong độ cũ. Thanh Lam ở lại Hà Nội, tiếng tăm trở nên hơn hẳn Hồng Nhung và rõ ràng là Number 1 của nhạc nhẹ Việt Nam. Giọng Lam càng ngày càng dày, sâu lắng, đằm thắm, nóng bỏng mà không quá «phá đám » và nhất là chưa « điên điên ». Nhớ nhất hồi này là những Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân, Tình yêu không lời, Nỗi nhớ, Im lặng đêm Hà Nội, Về miền ký ức và One moment in time, Dressed for Success, I know him so well... theo kiểu Whitney.

Người ta nhớ Thanh Lam là ca sỹ đi đầu trong cách hát nhấn nhá và phá cách. Đầu tiên phải kể đến sự đột phá trong CHIA TAY HOÀNG HÔN mà Lam hát trong đêm chung kết của hội thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991. Đoạn vocal và nhấn nhá gần như gào khóc của Lam trong đoạn interlude của chia tay hoàng hôn đã làm cả khán phòng Cung Lao động Việt Xô lặng đi. Tiếng nhấn nhá hòa với phần phối khí do Quốc Trung viết thực sự là một sự đột phá trong cách xử lý bài hát trong nhạc nhẹ thời bấy giờ. Sau này rất nhiều ca sỹ từ nam chí bắc đã « bắt chước » cách hát này của Lam. Bản thân Lam cũng phát huy triệt để cách hát này, tới mức sự nhấn nhá đôi lúc dường như đã bị lạm dụng, gây ra những phản ứng nhất định từ những thính giả vốn vẫn quen sự chân phương, chỉn chu. Thực ra đó không phải là lần đầu Lam hát Chia tay hoàng hôn. Lam đã thu thanh bài hát đó lần đầu từ năm 1989,90 tại đài Tiếng nói Việt nam. Cũng phải nói thêm rằng công chúng biết đến Chia tay hoàng hôn lần đầu và trở nên yêu thích ca khúc này không phải qua giọng hát Thanh Lam mà lại là Bảo Yến. Tuy nhiên dấu ấn sâu nhất sau đó đã thuộc về Thanh Lam.

Trong cuộc thi năm đó mối ca sỹ phải hát hai bài tiếng Việt, một bài nước ngoài có dịch lời Việt. Lần đó các ca sỹ hát trùng lặp bài của nhau rất nhiều. Còn nhớ rất nhiều ca sỹ hát Tìm tên anh trên bờ cát (Lâm Phương, Thùy Dung), Gõ cửa tình yêu (Hồng Thanh, Thanh Hằng). Bài hát Việt thứ hai của Thanh Lam trong cuộc thi là GIỌT NẮNG BÊN THỀM (Thanh Tùng) cũng bị trùng với Thùy Dung, Thanh Hằng (con gái NSND Thanh Huyền). Tuy nhiên, trong cách xử lý của mình bằng cách nâng tông ở đoạn cuối trong lời hai, từ chỗ « bài hát chìm trong khói thuốc từng giờ bình yên », ngay sau đó lại được nén lại trong câu thứ hai « Bài hát chìm trong lá biếc » và nghỉ một quãng trước khi từ từ nhả tiếp các chữ « cuộc-tình-đầu-tiên », Thanh Lam đã bỏ các ca sỹ thí sinh khác ở lại phía sau một khoảng quá xa. Ngay cả với đối thủ nặng ký của Lam từ nhiều năm trước đó là Hồng Nhung (người hát Hãy đến với em, Vì sao anh không đến, Nothing compares to you và đoạt giải nhất- đồng giải nhất với Mỹ Hạnh), Thanh Lam cũng tạo ra một sự phân định rạch ròi. Chung cuộc, Thanh Lam giành giải thưởng lớn (giải đặc biệt). Trong một chương trình ca nhạc phát sóng vào tối mồng 2 Tết Âm lịch năm 1992, Thanh Lam được xướng danh là NỮ HOÀNG NHẠC NHẸ của Việt Nam, mặc dù danh hiệu này lần đầu được sử dụng ở miền Bắc là để nói tới ca sỹ Lệ Quyên ( ca sỹ của Tiếng sóng, hiện đang sinh sống tại Paris).

Nhiều người bảo Thanh Lam chỉ bắt đầu "điên" từ thời Lam hát nhạc Quốc Trung, cái thời mà Lam cạo trọc đầu. Nhưng ngay cả trong thời gian này vẫn có những bài cực nuột và đằm như Hoa sữa, Em tôi, Bên em là biển rộng của các nhạc sỹ khác. Rồi đến cái thời mà có ai đó nói trên báo là Thanh Lam «hấp diêm» nhạc Trịnh. Báo chí đôi khi vẫn nói năng dễ dãi và thoải mái như vậy. Một số nhà báo đôi khi, thay vì phản ánh khách quan để dư luận được rộng đường , lại thể hiện cái yêu-ghét chủ quan của mình rất phô và thô. Yêu thì giống cách mà một cô phóng viên nào đó của VTC viết về hoa hậu Thùy Lâm, còn ghét thì giống một anh phóng viên nào đó phỏng vấn ông Vương Trí Nhàn về chủ đề «Người Việt Nam xấu xí ». Đành rằng nhạc Trịnh là dành cho « Nữ hoàng chân đất » Khánh Ly. Nhưng nói gì thì nói, Lam hát Ướt Mi quá hay, Em hãy ngủ đi cũng hay không kém. Nói vui, không phải gặp nhạc của ai Lam cũng « ấy » như thế đâu. Chẳng hạn CD Nắng lên Lam hát nhạc của Lê Minh Sơn là một sản phẩm nghệ thuật hoàn hảo.

Có người cho rằng Ngọc Khuê hát nhạc Lê Minh Sơn hay và hay hơn Thanh Lam. Ừ thì đúng là mỗi người một khẩu vị, nhưng cách so sánh trong trường hợp Khuê và Lam chắc là để cho vui và cũng có phần động viên các bạn trẻ. Nhiều người thì lại cho rằng họ thấy thương cho Ngọc Khuê khi cái tên còn rất trẻ này đang có xu hướng trở thành một nghệ danh gắn với nhạc Lê Minh Sơn thì bỗng nhiên bị Thanh Lam giành chỗ. Chắc hẳn Thanh Lam không có ý « hạ » Ngọc Khuê và Lam cũng không cần phải làm việc đó. Sự thật là Lam hát đâu có như Khuê. Và cái sự mới mẻ hoàn toàn mà Lam mang đến cho nhạc của Lê Minh Sơn lại càng khẳng định thêm đẳng cấp của Lam.

Thông thường các ca sỹ rất vất vả để có thể tìm được lối thể hiện mới cho mình khi mà một ca khúc đã được định hình với lối hát của một ca sỹ hát trước mình. Điều đó có thể thấy rõ ở các ca sỹ trẻ, như trường hợp của em Thu Hường trong Sao Mai Điểm hẹn 2008 (bị coi là bị bóng Hà Trần ‘đè’). Thậm chí Mỹ Linh ngày xưa cũng phải mất một thời gian rất dài mới có thể thoát được cái bóng của Thanh Lam. Còn nhớ một dạo có bài báo đã viết về Mỹ Linh rằng « ôi thế này thì chúng ta có tới 2 Thanh Lam » sau khi nghe Mỹ Linh song ca cùng Thanh Lam « Nhớ Hà Nội » ở chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam năm 1995. « Người ở người về » những tưởng phải là của Ngọc Khuê, « Ôi quê tôi » những tưởng chỉ có Tùng Dương độc quyền, ấy vậy mà tới Thanh Lam người ta lại có cảm tưởng Lam mới là người sở hữu đích thực hai bài hát đó. Đúng là nghệ sỹ có đẳng cấp là người có khả năng « khơi những nguồn chưa ai khơi ».

Thanh Lam xứng đáng với tất cả những giải thưởng và danh hiệu mà Lam đã được nhận. Danh hiệu « nghệ sỹ ưu tú » mà nhà nước phong tặng cũng như vậy. Nhưng với các fan vốn quen với một Thanh Lam phá cách, trẻ trung thì danh hiệu NSƯT gắn với nghệ danh Thanh Lam « nghe nó cứ thế nào ý, không giống mấy » ! Hình như nó làm Lam có vẻ già đi, nó sẽ khiến Lam phải giấu bớt cái « điên điên » đi ?! Và cái danh hiệu đó được xướng lên liên tục trong các đêm của Sao Mai Điểm hẹn 2008.

Phải nói Hội đồng nghệ thuật năm nay đã để lại ấn tượng tốt cho nhiều khán giả. Họ đều có những nhận xét rất sắc sảo, chất chính xác về kỹ thuật thanh nhạc và đặc biệt rất trúng ý của nhiều khán giả khó tính. Ấn tượng nhất vẫn là Thanh Lam vì Thanh Lam vốn không phải là một người hoạt ngôn (như Hồng Nhung chẳng hạn). Nhưng NSƯT Thanh Lam đã rất gãy gọn, khúc chiết, đâu vào đó khi diễn đạt những ý kiến liên quan đến kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý bài hát. Chẳng hạn khi Lam góp ý cho Thu Phượng về cách chuyển giọng sao cho « ngọt » từ giọng thật sang hát giả thanh, hay khi Lam chỉ cho Ngọc Minh thấy cậu ấy đã « băm vụn » bài Nếu điều đó xảy ra của Ngọc Châu, hay lời khuyên mà Lam dành cho Hoàng Nghiệp rằng cậu ấy phải biết chuyển giọng, kết hợp giữa giọng thật và giọng gằn của rock.

Nhưng có lẽ điều Thanh Lam làm nhiều người ngạc nhiên trong lần làm giám khảo này là hình như Lam bắt đầu « già », có hơi hướng đi theo khuôn mẫu, thậm chí bảo thủ. Với đặc điểm này, Lam ghi thêm điểm với rất nhiều fan khó tính của chị. Nhiều người thực sự thỏa mãn khi nghe Lam « chê » cái ca từ hết sức « thị trường và dở hơi » trong mấy bài hát của Mạnh Quân với những « chia lìa », « cay đắng », « gian dối », « trái ngang », ... Nhưng hình như Thanh Lam hay Ngọc Châu và Giáng Son cũng làm không ít khán giả băn khoăn khi cả ba người xoáy quá mạnh vào « tuổi trẻ » của em Hoàng Yến và bắt điều đó như một cái lỗi. Chợt nhớ lại hồi Thanh Lam hát chia tay hoàng hôn chị cũng mới 18 đôi mươi thôi mà. Và hình như Thanh Lam cũng quá khắt khe khi coi cách hát như nói của Hà Linh trong câu cuối cùng của Dệt tầm gai là hụt hơi, lạc giọng... Nhưng có hề gì vì dù sao Nữ hoàng cũng đã qua thời con gái ... (TMH 8-2008)

17 comments:

  1. Bài đầy ắp info, hay quá!

    ReplyDelete
  2. .....da qua thoi con gai??? :)

    Tri nho cua a H that dang kham phuc!!!

    ReplyDelete
  3. Một sự tổng hợp và phân tích kĩ lưỡng,chịu khó sưu tầm tư liệu.Đánh giá khá xác đáng.Đánh giá chung của hội đồng là đủ tiêu chuẩn.

    ReplyDelete
  4. em thix phần so sánh các đánh giá của anh,rồi sau đó đưa ra nhận xét của mình.

    ReplyDelete
  5. hôm nay bác lại rãnh để viết hẳn 1 bài công phu thế:D

    ReplyDelete
  6. em thấy cái tag:cóthểbạnchưabiết hay đấy bác, mới có 2 bài?

    ReplyDelete
  7. @ Hoang Linh, NGOC, Nobita, HUY: Thank you all!

    ReplyDelete
  8. Về chất giọng, kỹ thuật của chị Thanh Lam này thì đúng như anh viết. Có một thời gian em rất thích nghe Thanh Lam hát, chủ yếu là để nghe chị ấy phô diễn giọng & kỹ thuật.

    Nhưng về mặt cảm xúc thì với cá nhân em, hình như có rất ít ca khúc Thanh Lam hát khiến em rung động, ngoại trừ "Chia tay hoàng hôn", "Mơ về nơi xa lắm", "Em tôi".

    ReplyDelete
  9. Em mà không post được cái comment này thì thôi hẳn (4 lần ròi đều bị mất):
    - Tán thành: Thanh Lam là người mở đường, thậm chí có thể nói là 2 lần mở đường. 1- Phổ cập ý niệm về nhạc trẻ(nhẹ) cho bà con cần lao. Lan man nhớ 1 chút, cái cuộc thi hát năm 91, khi hát bài nước ngoài, tuyệt đại các ca sĩ chỉ hát những hit từ những năm 60-70 (Ngọc Sơn, Hồng Thanh, Kim Phúc). Chỉ có Thanh Lam và Hồng Nhung tạm coi là năm bắt được dòng chảy đương đại của nhạc nhẹ thế giới khi cover Whitney Houston và Sinead O'Conor. Cái ý thức nhìn ra thế giới đó bây giờ đã mất ở Thanh Lam nên có thể nói thẩm mỹ âm nhạc của Lam bây giờ thua xa Hà Trần và Mỹ Linh; 2- Là ca sĩ đầu tiên thể nghiệm world music. Album "Mây trắng bay về" là cột mốc lớn thứ 3 của Lam sau giải thưởng 91, Liveshow "CHo em một ngày". Dấu ấn này đậm đến mức cuốn cả Hồng Nhung vào dẫn đến chuyện cặp QUốc Trung và Thanh Lam tan đàn xẻ nghé. Tùng Dương, Ngọc Khuê, và cả Hà Trần dường như bị ảnh hưởng rất nhiều từ THanh Lam với thể nghiệm này.

    2- THanh Lam là người đi trước, cách hát của Thanh Lam rất khó chịu với những ai đã quen nghe lối hát cũ. Còn nhớ khi Lam hát Chia tay hoàng hôn năm 91, những người quen nghe nhạc thính phòng, classic cực kỳ phản cảm với cách hát như rú rít của chị. Cũng như sau này khi Thanh Lam hát nhạc Trịnh, hát Phạm Duy... đều bị những người mê nhạc Trịnh hay nhạc Phạm không thích. Nhưng công tâm mà nói, thực ra hát là quá trình biến tác phẩm của nhạc sĩ thành trải nghiệm của bản thân. Người hát, cũng như người đọc tác phẩm văn học, không phải là nô lệ của tác giả (hì hì, cái này hơi gần với chuyên môn của em). Anyway, em không thích THanh Lam hát nhạc Trịnh bằng Hồng Nhung. Chính bởi ý thức đi trước, hát là cho mình, không phải là công cụ dể phục vụ - 1quan niệm vừa được thần tượng Thanh Hoa của anh Hà rao giảng (em chết cười vì phát biểu này)- nên Thanh Lam không có nhiều công chúng.
    2- KHông đồng tình: Sức sáng tạo của Thanh Lam không phải bị mất khi gặp Quốc Trung. Thậm chí phải nhờ Quốc Trung, Thanh Lam mới xây dựng được hình tượng như 1 nghệ sĩ có style, có ý thức hát là để định hướng chứ không phải chạy theo thị hiếu. Những năm 97-98 là những năm hoàng kim của nhạc trẻ cũng là những năm cặp Thanh Lam-Quốc Trung tung hoành. Dứt khỏi Quốc Trung, đến với Lê Minh Sơn, mới chính là bước thụt lùi của Thanh Lam. Lê Minh Sơn có tài nhưng bấy nhiều cái tài đã dành cho Tùng Dương và Ngọc Khuê rồi. Nhạc Lê Minh Sơn thẩm mỹ rất cũ, dễ đánh lừa bà con. Trong khi đó thì chỉ cần nghe Khu vườn yên tĩnh mới thấy Quốc Trung còn dồi dào năng lượng sáng tạo thế nào.

    Cố nhiên, người nghệ sĩ nào cũng có thời của mình. Thế giới lại dang chuyển đọng ko ngừng. Thanh Lam tuy đã không còn giữ vai trò như người định hướng âm nhạc số 1 nữa (vai trò này dang thuộc về Hà Trần, Mỹ Linh, và có thể cả Tùng Dương) nhưng tinh thần của Thanh Lam vẫn là một tinh thần cực kỳ quý báu đối với những ca sĩ có ý thức thẩm mỹ độc lập, không chạy theo cái thời thượng phù phiếm, dám thể nghiệm , hay nói như chữ của chị là dám ngông cuồng và nổi loạn.
    Cái tinh thần đó nói thật ở SMDH ta còn tìm thấy ở Hà Linh hay Thu Hường. Chứ sang đến VNID thì... Dẫu sao đã ngông cuồng nổi loạn thì dễ thiệt thòi. Thế nên khi Thanh Lam hỏi Hà Linh : Em thấy chạnh lòng sao khi không được khán giả hưởng ứng? Đó là một câu chia sẻ thấm thía nhất dành cho Hà Linh.
    Phù!

    ReplyDelete

  10. À, nói thêm tí nữa, he he

    Thanh Lam bản năng mạnh nên Lam hát rất hay những bài nào thiên về những trạng thái nội tâm đặc biệt của phụ nữ. Ở những bài đó, quad thật Lam nhập làm một với bài hát, hát như trải lòng.

    Nhưng có lẽ kiến văn văn hóa của Thanh Lam không rộng, (lại phải liên hệ với Hà Trần hiện nay và trước đó là Khánh Ly) nên những bài nào cần mọt sự trải nghiệm văn hóa để hát (như nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc tiền chiến), những bài hát cần có cái đầu thật điềm tĩnh để phân tích, xử lý bài hát, thì Thanh Lam không đạt. Lấy một ví dụ bài "Này em có nhớ" của TCS, Lam hát thành "Này anh có nhớ..."
    Hát như thế mới là phá nhạc Trịnh. Chỉ một đại từ nhân xưng thay thôi đã cho thấy Lam hiểu bài hát hời hợt thế nào

    ReplyDelete
  11. @ Kazenka: khi nào có điều kiện, tớ muốn giới thiệu với K và các bạn một số bài như "Chia tay hoàng hôn" Thanh Lam thu live năm 1991 tại cuộc thi, hay như bài "Trái tim bình dị", "Nỗi đau hạnh phúc" (không phải là tình ca). Trong các bài mới tớ thích cách hát của TL ở bài "Người ở người về" vì thể hiện được các sắc thái cảm xúc đa dạng và giọng hát cũng có nhiều màu sắc.

    @ hieutn1979:

    - ý kiến của bạn hay quá!It's truly "food for thought".
    - Mình rất nhớ Ngọc Sơn "Em đẹp như bông hồng", Kim Phúc hát "Viens m'embrasser" trong năm 1991 đó. Còn hai bài của Thanh Lam và Hồng Nhung có lời tiếng Việt cũng rất hay.
    - Bản thân mình cũng không hấp thụ được hết các sản phẩm thời Quốc Trung của Thanh Lam, từ phong cách cho đến bản thân các bài hát, công nhận là khó thật. Đến "Đường xa vạn dặm" thì mình thấy Quốc Trung tài thực sự, nhưng "cao siêu" quá.
    - Cho mình biết thêm về phát biểu của NSND đi: sao mà chết cười???
    - Mình không nghĩ Thanh Lam hát nhạc LMS là thụt lùi so với thời Quốc Trung, đơn giản là có sự khác biệt. Nhưng có lúc cũng nghĩ là chị này có ý "bọn chen" với các em nhỏ :D, kiểu như một người lớn sốt ruột khi thấy một đứa bé làm một việc gì đó một cách lóng ngóng thì bèn nhày vào làm thay và nói "thôi tránh ra để tao làm cho" :))
    - Tớ thích thông điệp TL dành cho Hà Linh trong đêm SMĐH vừa rồi. Nói chung tớ thích HĐ nghệ thuật này.
    - Tớ cũng chưa hiểu nổi tại sao các ca sỹ cứ nhất thiết phải đổi hai đại từ Anh và Em trong lời bài hát. Tớ cũng không thích Ái Vân hát "ANH có nghe mùa thu công viên lá đổ" trong Mùa thu cho em/ANH của NTM. May mà họ không hát "gọi nắng trên vai ANH gầy".

    ReplyDelete
  12. Một bài phóng sự rất hay về Thanh Lam, một giọng ca mình thích mười mấy năm nay.

    ReplyDelete
  13. @ Loc Pham: thanks for your visit

    ReplyDelete
  14. Tổ sư, thánh thật!

    ReplyDelete
  15. Ô, anh trở thành một nhà phê bình âm nhạc rùi!

    ReplyDelete
  16. hi anh Ha. Em la dong nghiep cua chi Hong, em gai anh y. Thinh thoang em van vao blog cua anh de doc nhung bai phe binh ve am nhac. Rat thich Thanh Lam, va bi chinh phuc gan nhu hoan toan ve bai viet nay cua anh. Anh cho em cop bai nay sang blog cua em nhe. Thanks anh nhieu.

    ReplyDelete
  17. Không biết tự bao giờ em lại thích nghe Thanh Lam hát đến thế. Mặc kệ cho những người xung quanh nói thế này thế kia về chị. Có thời người ta xôn xao về Thanh Lam hát nhạc trịnh.Kệ họ, chỉ biết là nghe chị ấy hát "ướt mi" trong một clip có violin và flute thấy không thể không "ướt mi" theo. Sau đó, một đêm trên đài VOV phát bài "môi hồng đào" , trời, hay quá đi. Còn " ôi quê tôi" thì không có gì phải bàn cãi, Thanh Lam là nhất.
    Lại có một thời người ta đem so sánh Hồng Nhung và Thanh Lam khi thể hiện "cho em một ngày".Anh Hà thấy sao ?
    Mỗi lần nghe chị ấy hát, cảm tưởng như bài hát ấy vẫn còn chất chứa một cái gì đấy chưa thành lời.Như thể ca từ còn chưa đủ để phô bày hết kỹ thuật

    ReplyDelete