Khi Dũng hát Nhớ đàn xe nước của Văn Đông ở vòng loại khu vực miền Trung ở Sao Mai 2007 người ta sửng sốt khi nhận ra rằng cậu ấy đã vượt qua một cách ngoạn mục một cái bóng quá lớn đã phủ lên bài hát đó suốt 4 thập niên qua, đó là giọng hát của NSND Trần Khánh. Với Người con gái Việt của Nguyễn Lân Tuất, một bài hát khó lại gần như chưa ai biết đến mà Dũng hát ở vòng chung kết toàn quốc ngay sau đó thì đã có quá đủ cơ sở để giới chuyên môn cũng như những khán giả thuộc nhiều gout thẩm mỹ và cách thưởng thức nghệ thuật khác nhau khẳng định được tài năng tuyệt đối của Dũng. Thế nhưng tất cả không dừng lại ở đó, trong đêm chung kết xếp hạng, Dũng đã chinh phục một cách tuyệt đối cả 10 thành viên của Ban giám khảo và có lẽ là toàn bộ khán thính giả theo dõi live show đó bằng Dương cầm thu không em của An Thuyên. Dũng giành một cú đúp với Giải nhất dòng thính phòng và Giải khán giả bình chọn nhiều nhất, một kỷ lục chưa từng có trong các kỳ Sao Mai. Khi Dũng hát Dương cầm thu không em trong đêm đó, người ta bảo đó là giọng hát xuất thần. Mà xuất thần thì hiếm khi lặp lại. Nhưng nhìn lại cả cuộc thi đó thì phải nói cả 3 lần trình diễn của Dũng đều là "xuất thần".
Và rồi bây giờ nghe Dũng hát Hà Nội tình yêu của tôi của An Thuyên chắc chắn ai cũng cho rằng nhất định cậu ấy lại "xuất thần" một lần nữa. Khoan hãy nói về kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện mà Dũng phô bày, cảm xúc mà Dũng thổi vào ca khúc này quá nồng nàn, đắm say và tha thiết. Cảm xúc về Hà Nội như thế này xưa nay chỉ thấy ở Hồng Nhung hát Nhớ Hà Nội hay Ngọc Tân hát Em ơi Hà Nội phố. Cảm xúc ấy được nâng bổng bằng bản phối vô cùng nền nã với âm thanh chủ đạo của violon, tiếng guitare tỉa tót nhẹ nhàng lẫn trong dàn âm thanh semi-classic. Và tất cả những cảm xúc và hiệu quả âm thanh đã được "đảm bảo" bằng giọng hát đầy nội lực và điêu luyện về kỹ thuật của Dũng- Quán quân "đúp" của Sao Mai 2007, đồng thời là Thủ khoa của Nhạc viện QG HN. Nghe Dũng thể hiện đoạn legato ở giữa bài phải nói là quá phê! (TMH, 24.8.08)
_________________________________________________________________________
Đọc thêm về Lê Anh Dũng:
“Sao mai” Lê Anh Dũng: Tự mình tỏa sáng
Giành "cú đúp" với hai giải thưởng danh giá tại Sao Mai 2007 (Giải nhất phong cách thính phòng và Ca sỹ được yêu thích nhất do khán giả bình chọn), Lê Anh Dũng trở thành tâm điểm chú ý của công chúng. Cuộc sống sẽ thay đổi với việc từ kẻ vô danh trở thành "sao".
Trò chuyện với VTC về con đường sau này, Dũng cho rằng, một ngôi sao ca nhạc thính phòng không nhất thiết phải là một “hotboy”, mà có cách tỏa sáng riêng.
- Nếu bỏ qua sự may mắn thì thành công của anh ở Sao mai có được từ những yếu tố nào?
- Tôi có 7 năm học nhạc Nhạc viện Hà Nội. Thêm nữa, tôi có xu hướng chọn những tác phẩm mới, phù hợp với chất giọng của mình. Tôi muốn thử nghiệm những gì mới mẻ cho dòng nhạc thính phòng, và đã thành công với thử nghiệm của mình.
- Thật ra, cái mới đều được các thí sinh ở các dòng nhạc khác sử dụng và giành chiến thắng. Vậy điểm mới của riêng anh cụ thể như thế nào?
- Mọi người đều nghĩ nhạc thính phòng là phải hùng tráng và phải khoe giọng, cất lên là vang dội. Nhưng thính phòng cũng có những phút trầm lắng, sâu sắc, và những phút cao trào mà không cần thể hiện “ta đây là thính phòng”. Vì vậy, tôi lựa chọn các ca khúc mới mẻ và gần gũi. Cái khó khăn là lột tả các ca khúc ấy như thế nào để tránh đi theo lối mòn của những nghệ sĩ đi trước với những ca khúc đã “đóng đinh” cùng tên tuổi họ.
- Giải năm nay, có vẻ thứ hạng đã an bài ngay từ khi bước vào vòng trong. Bạn hẳn đã không chịu áp lực khi diễn đêm chung kết?
- Ai đi vào vòng cuối cùng cũng ước mơ mình giành được giải quán quân. Tôi không dám chắc chắn 100% là mình sẽ đăng quang trong đêm đó. Tôi chỉ nghĩ mình cần cố gắng hết mình. Hơn nữa, tôi có cảm giác đêm chung kết là một cuộc biểu diễn với bạn bè nghệ sỹ nên không chịu áp lực gì cả.
- Hoàng Tùng nói, Sao mai càng ngày càng nghiệp dư. Bạn nghĩ gì về nhận định này?
- Tôi không thấy thế. Nếu không phải là thí sinh tôi cũng vẫn cho rằng Sao mai ngày càng chuyên nghiệp. Các thí sinh được đào tạo bài bàn, biểu diễn có lửa và rất chu đáo trong chuẩn bị bài và trang phục biểu diễn.
- Cứ nhìn lịch sử giải Sao mai sẽ thấy các ngôi sao thính phòng chỉ chợt lóe sáng trong đêm chung kết rồi lại lui vào hoạt động âm thầm. Anh không sợ rồi mình cũng như thế?
- Tôi nghĩ âm nhạc thính phòng tuy hoạt động rất âm thầm nhưng không thể thiếu trong đời sống âm nhạc. Cứ nhìn cái cách nó sống trong công chúng thì biết. Ra đời sớm so với dòng nhạc trẻ đương đại và bây giờ nó vẫn đứng vững đấy chứ.
Tất nhiên, đã là nghệ sỹ, ai cũng muốn mình được tỏa sáng, nhưng “sao” của thính phòng sẽ tỏa sáng theo cách riêng của mình. Và tôi cũng sẽ làm mới mình trong chính dòng nhạc này thông qua cách chọn ca khúc để biểu diễn, hòa âm phối khí cũng như phong cách biểu diễn; có lẽ sẽ bớt “âm thầm” chăng.
Không nghĩ sẽ là hotboy
- Gần đây, người ta nhắc nhiều đến hiện tượng các hotboy trong showbiz. Sau giải này, anh có nghĩ đến chuyện mình trở thành hotboy?
- Tôi không dám chắc.
- Nếu không phải hotboy, vậy hình ảnh anh hướng tới là gì?
- Hiện tại trên thế giới có rất nhiều các ca sĩ trẻ hát các ca khúc thính phòng theo phong cách mới với chất giọng rất đẹp.
Những ca khúc thính phòng cũng không nặng nề, rất mềm mại và nhẹ nhàng, bán cổ điển. Rất nhiều khán giả yêu thích dòng nhạc này, các đĩa làm ra đều bán rất chạy. Tôi sẽ đi theo hướng đó.
- Anh có ý định kết hợp giọng hát với một kiều nữ nào không?
- Tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy. Bây giờ, tôi muốn tự tạo nên sự mới mẻ cho chính mình đã. Không phải cứ có sự kết hợp mới tạo nên thành công.
- Ở Sao mai, anh thấy mình có thể kết hợp với ai không?
- Sự kết hợp ngoài tố chất âm nhạc còn cần nhiều thứ khác, như có cùng suy nghĩ, cách làm việc…Hợp nhau theo cách tôi nghĩ phải là sự hợp tác ăn ý của cả hai người, chứ không chỉ là thích giọng hát của nhau.
- Anh định đơn thương độc mã trên con đường nghệ thuật?
- Không hẳn thế. Đây mới chỉ là những bước đi đầu tiên của tôi. Khi khẳng định được mình, biết đâu tôi sẽ có một sự kết hợp nào đó chăng.
- Cảm giác từ một kẻ vô danh trở thành “sao” trong anh như thế nào?
- Tôi vẫn nói đùa với mọi người tôi là người hạnh phúc nhất thế giới sau giải Sao mai này. Liền một lúc, tôi nhận hai giải thưởng lớn. Đây là một bước đệm rất lớn cho sự nghiệp ca hát của tôi.
- Nổi tiếng, sẽ bị soi từ lời ăn tiếng nói, cái ăn cái mặc. Anh có thấy đó là một cái giá phải trả hợp lý?
- Hiện tại, tôi chưa cảm nhận được nhiều về sự gò bó đó. Được khán giả và công chúng chú ý đến là niềm hạnh phúc của nghệ sỹ. Nhưng đôi khi, sự quan tâm quá cũng làm nghệ sỹ mất tự do trong đời sống bình thường. Nghệ sỹ cũng là con người mà.
- Trong các cuộc trò chuyện, anh nói rất nhiều đến quan hệ giữa báo chí và nghệ sỹ. Anh nghĩ gì về vấn đề này?
- Theo tôi, báo chí có vị trí rất quan trọng với đời sống nghệ thuật của một nghệ sỹ. Tuy nhiên, chỉ nên xuất hiện trên báo ở tần suất vừa phải, và với những câu chuyện không quá lố bịch, mang tính chất chiều sâu về nghề nghiệp hơn là những thứ giật gân câu khách.
- Anh đang muốn hướng tới một hình ảnh sạch sẽ, “Mr Perfect”. Anh không sợ sẽ tẻ nhạt và đơn điệu trước công chúng sao?
- Tôi muốn xây dựng một hình ảnh đẹp trước công chúng. Tức là muốn báo chí đề cập nhiều đến công việc và sự nghiệp, tất nhiên vẫn có phần nói về đời sống nghệ sỹ.
- Kế hoạch gần nhất của anh là gì?
- Trước mắt tôi tập trung vào việc học vì năm tới sẽ tốt nghiệp đại học. Sau đó, tôi sẽ cố gắng ra một album.
- Thế còn kế hoạch đi châu Âu lưu diễn?
- Tôi sẽ đi lưu diễn vài tháng ở các nước châu Âu như Đức chẳng hạn…Chương trình này nằm trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt . Sau đó, tôi sẽ tập trung vào tập vở nhạc kịch Cây sáo thần.
- Xin cảm ơn anh.
Đào Gia Long (thực hiện)
***
Sao Mai Lê Anh Dũng tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Hà Nội
Sao Mai Lê Anh Dũng vừa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội với tấm bằng loại giỏi và đã chính thức được giữ lại trường giảng dạy.
Với số điểm tuyệt đối trong lễ bảo vệ tốt nghiệp: 10 điểm cho phần thể hiện 10 bài hát (4 bài hát Việt Nam và 6 bài hát nước ngoài), Dũng là một trong 3 sinh viên có số điểm bảo vệ cao nhất khoa. Với điểm bảo vệ tốt nghiệp này, điểm tổng kết toàn khoá của Dũng đạt trên 8 phẩy.
Ca sĩ Lê Anh Dũng |
Dũng đã chính thức được giữ lại làm giảng viên của trường Nhạc viện Hà Nội. “Chính vì dành thời gian cho lễ bảo vệ tốt nghiệp nên việc ra đĩa của Dũng có chậm hơn một chút. Giữa tháng sau (tháng 8 - PV), "Dương cầm thu không em" của Dũng chắc chắn sẽ ra mắt khán giả”, Lê Anh Dũng chia sẻ.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Lê Anh Dũng đã bắt tay hoàn thiện những khâu cuối cùng của CD "Dương Cầm Thu không em" sẽ có 9 ca khúc theo dòng thính phòng trữ tình, có chút bán cổ điển: Dương cầm thu không em (An Thuyên), Mơ về nơi xa lắm (Phú Quang - Thăng Long), Biển nỗi nhớ và em (Phú Quang), Em nghĩ gì khi mùa xuân đến (Trần Hoàn)…
Cau nay duoc ca thanh lan sac.
ReplyDeleteQuả thực là bài hát được LAD hát rất hay, và có lẽ càng hay hơn với những người con đang sống xa Hà Nội.:)
ReplyDeletePhần phối khí quá hay anh Hà nhỉ? Anh dùng từ "nền nã" rất chuẩn, nhưng em vẫn muốn thêm một loạt tính từ nữa mà không biết dùng những từ gì, nó cứ on the tip of my tongue mà nói ra thì lại thấy cái từ ấy nó không nói đúng cảm nhận của mình. :D
ReplyDeleteLAD hát quá mượt mà, nghe nao lòng quá. Đúng là khó có thể hát hay hơn. Nhưng có vài chỗ em thấy hơi "thủ thỉ", "nắn nót" quá, ví dụ như những chỗ luyến từ Hà Nội ở giữa bài. Tất nhiên, đây là một bài hát trữ tình, tự sự nhưng em vẫn muốn Dũng hát "mộc mạc", "thoải mái" hơn một chút nữa luồng hơi rộng hơn nữa, căng, vang hơn nữa, nhất là những đoạn lên cao để tạo cảm xúc không chỉ nhẹ nhàng mà thêm dào dạt. Có lẽ vì em vẫn hình dung người hát lên những người này là một người đàn ông từng trải.
Về giai điệu em thích nhất đoạn: "Những Thăng Long Đông Đô ngàn năm, cứ bên tôi đi trên đường quen, hồn nhiên nét riêng xưa Tràng An" và đoạn láy lại sau đó. Sao mà nó bình thản, trong sáng, xao xuyến mà giản dị thế! Cám ơn nhạc sỹ An Thuyên!
Và cám ơn Lê Anh Dũng. What a good lad LAD is :D