Tuesday 12 August 2008

Chợt nghe mùa thu... (August 13, 2008)



Xin còn gọi tên nhau- Trường Sa viết tặng Lệ Thu năm 1972- Giọng hát Lệ Thu trong Asia Video "Đêm Sài Gòn 1" (1992)

Bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng (Đặc Trưng):

.....Không một dân tộc nào thiếu tiếng hát của riêng mình. Không một người nào thiếu tiếng hát của cá nhân mình. Tuổi trẻ chúng ta đi qua, nhưng những tiếng hát vẫn còn y nguyên trong những chiếc dĩa nhạc cũ kỹ của mỗi người.


Tôi nghĩ, đôi khi nỗi buồn trong âm nhạc cũng là một sức mạnh. Sự khốn cùng có thể làm người ta đứng dậy như nỗi đau tận cùng của một âm điệu cũng làm người ta vùng lên làm nên giông bão.

Trong ý nghĩ đó tôi muốn viết về một tiếng hát của tôi: Lệ Thu, một trong số ít tiếng hát không ngừng chinh phục người nghe.

Từ hơn ba thập niên qua, tiếng hát của cô mỗi lần cất lên đều khiến người nghe phải dừng lại. Tiếng hát trời cho ấy phát ra từ một trái tim và đi thẳng vào trái tim người nghe để trở thành kỷ niệm. Dù bài hát ấy được nghe ở một phòng trà giữa một Sài Gòn tưởng chừng như không có bóng dáng của chiến tranh, hay trong một nơi trú quân xa gần biên giới, tiếng hát ấy luôn mang theo cái không khí lãng mạn mà không bi thảm, buồn bã mà không sướt mướt.

Trong tiếng hát của cô, người nghe khám phá ra sự quyến rũ của âm thanh, sự sáng tạo của âm điệu và lòng tự tin. Tiếng hát của cô chuyên chở một hơi thở mới trong nhịp và nhấn, trong luyến láy và gợi cảm.


Lệ Thu hát say mê như thể quanh cô không còn ai ngoài cô và chính tiếng hát của mình. Cô không hát chỉ như một ca sĩ, cô hát như một nghệ sĩ.


Nghe Lệ Thu trình bày Tình Khúc Thứ Nhất của Vũ Thành An, hay Ngậm Ngùi của Phạm Duy, người nghe biết rằng sau cô, những tiếng hát khác sẽ không hát như thế, không hát được như thế.


Phát âm rất chuẩn, giọng vang và rõ, tiếng hát của Lệ Thu thoát ra từ một lồng ngực khỏe mạnh và một trái tim đam mê. Lệ Thu không hát từ cổ họng.


Chúng ta hiểu vì sao cô không nhận hát bất cứ một ca khúc nào. Cô chọn bài hát, cô đọc từng ca từ, cô dạo nhạc để nghe tiết tấu của âm điệu. Và cô hát trước hết vì cô yêu ca khúc cô đã chọn.


Ở Sài Gòn hồi đó, cái thời chiến tranh còn mấp mé ở ven biên, nhưng lựu đan cay đã "xuống đường" tràn ngập phố phường, vào một tối thứ Năm, qua chương trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách, tôi nghe Lệ Thu hát. Những tình khúc xót xa hay đam mê cất lên giữa một cuộc chiến buồn bã. Thời đất nước không có một niềm vui. Tiếng hát Lệ Thu, dù sao rất ngậm ngùi.


Trước Hạ Trắng, trước cả Lời Buồn Thánh, ca khúc Việt Nam đầu tiên mà Lệ Thu hát là Xin Mặt Trời Ngủ Yên của Trịnh Công Sơn. Chắc cô hiểu vì sao mình đã chọn ca khúc đó, tôi nghĩ như vậy.


Bước chân đầu đời dẫn cô nữ sinh Bùi thị Oanh, trường Les Lauriers đến gần chiếc micro ở nhà hàng Bồng Lai với bài Tà Áo Xanh năm 1960 thoáng chốc trở thành ca sĩ Lệ Thu của những ca khúc Serenade, Smoke Gets In Your Eyes, La Vie En Rose, Les Feuilles Mortes.....


Đó là thời gian Sài Gòn nổi lên các tiếng hát Bạch Yến, Bích Chiêu, những tiếng hát đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng, nhưng Lệ Thu bằng nhân dáng và nhân cách của mình, cô đã vẽ được quanh cô một vầng sáng khác biệt. Tiếng hát của cô vượt lên một khoảng trời khác, như một ngôi sao giữa những ngôi sao, mà ánh sáng của nó thu hút ngay khi lần đầu ta nhìn thấy nó.


Lệ Thu trở thành ca sĩ đắt giá nhất trong những năm 70. Cái mức lương một triệu đồng một tháng khi cô hát cho phòng trà Tự Do của ông Cường là cái giá kỷ lục của một ca sĩ vào thời điểm đó. Trước đó, khi bước vào phòng trà Queen Bee của Jo Marcel, - và sau đó là Ritz - tiếng hát của cô đã làm Tiny Young - một giọng hát lẫy lừng từ Pháp sang phải gẫy hợp đồng trở lại Paris.


Đó là thời gian người ta khám phá ra một Lệ Thu đầy ấn tượng. Lệ Thu hoàn toàn làm chủ sân khấu của mình. Người nghe đòi hỏi tiếng hát của cô, phải có tiếng hát của cô. Và cô biết tại sao mình phải chọn ca khúc nào cho người nghe của mình.


Khác với Thái Thanh, tiếng hát gắn liền với nhạc Phạm Duy; hay Khánh Ly, gần gũi nhạc Trịnh Công Sơn, Lệ Thu không ngã về một nhạc sĩ nào. Cô hát những ca khúc cô yêu thích. Cái thế giới âm nhạc của cô rộng hơn, đa dạng hơn, phong phú hơn. Cô hát nhạc Cung Tiến, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Trường Sa, Trần Trịnh, Đoàn Chuẩn - Từ Linh.....


Từ Ngậm Ngùi, Bên Cầu Biên Giới, Đường Em Đi, Lệ Đá, Hương Xưa, Tà Áo Xanh, đến... Nước Mắt Mùa Thu,... Lệ Thu như một người giữ bảo tàng những tình khúc của âm nhạc Việt Nam. Mặc dù cô khiêm tốn cho rằng những bài cô không chọn để hát không phải những bài ấy không hay, nhưng rõ ràng những ca khúc mà cô quyết định chọn trong nhạc lịch của mình, cô đã mang hơi thở cho đời sống của tác phẩm và tác giả. Phải nói những ca từ của một bài nhạc đã thu hút cô, trước khi âm điệu của nó quyến rũ cô.


Người ta không ngạc nhiên khi nghe cô trả lời phỏng vấn bằng ngôn ngữ trí tuệ.


Lệ Thu thuộc lớp ca sĩ kiểu như Juliette Greco của Pháp với những ca khúc như Sous Le Ciel de Paris, Je Hais Les Dimanches, Si Tu T'Imagines,... Cái khác là trong khi Juliette Greco với y phục toàn đen, đôi mắt đen, mái tóc dài đen, hát trong hầm tối, thì Lệ Thu tươi tắn hơn, hồng hào hơn, sống động hơn. Cô hát trong phòng trà nơi người ta đến để khiêu vũ, nhưng khi Lệ Thu cất tiếng, những điệu luân vũ đã ngừng lại. Người ta ngừng chân để lắng nghe cô hát.


Giờ đây đang bước vào một thiên niên kỷ mới, thế giới âm nhạc đã mang nhiều âm điệu mới, phong cách trình diễn cũng đã khác xa cái phong cách mà Lệ Thu trước đây từng chinh phục chúng ta. Người ca sĩ ngày nay mang theo hình ảnh một vũ công: tiếng hát của họ đòi hỏi một phối hợp nhịp nhàng với các động tác múa và đôi khi rất tuồng trên sân khấu. Người nghe bị chinh phục không phải chỉ bằng tiếng hát, mà bằng âm thanh, ánh sáng, màu sắc, và động tác.


Nhưng kỳ lạ thay, nghe Lệ Thu hát với một phong cách tĩnh như cách đây hàng mấy thập niên, người ta không thấy mình bị ép giữa những trang giấy cũ, những trang thư tình viết trên giấy kẻ với cây bút mực - mà tiếng hát ấy vang vọng lên như những tiếng động phát ra từ cái printer đặt dưới chân bàn.


Lệ Thu vẫn mới trong một phong cách điềm đạm. Trước đây, cô đã hát bằng hơi thở của thế hệ cô, liệu giờ đây giữa những cái mới trong nghệ thuật trình diễn, Lệ Thu có chinh phục được người nghe của thế hệ đương đại?

Dù sao với tôi, bao giờ cũng vậy, nghe Lệ Thu hát là một hạnh phúc. Hãy nghe cô hát, chúng ta sẽ thấy vì sao Lệ Thu không ngừng chinh phục chúng ta

2 comments:

  1. hì, vẫn khoái cái giọng khàn khàn của Khánh Ly hơn giọng nghẹn nghẹn của Lệ Thu.

    ReplyDelete