Wednesday, 13 August 2008

Theo chân những tiếng hát (August 14, 2008)



Khánh Ly hát "Tình cuối tình đầu" của Trầm Tử Thiêng trước 1975 (Băng nhạc Premier 1)

Khu00e1nh Ly hu00e1t "Tu00ecnh cuu1ed1i tu00ecnh u0111u1ea7u" trong CD Kinh khu1ed5 (1995)

:::Hồ Trường An :::

Theo Chân Những Tiếng Hát: KHÁNH LY

Năm 1967, Trịnh Công Sơn để thay thế Lệ Thu đã từ chối không theo anh dấn bước du ca nên đã tìm gặp một giọng hát độc đáo ở Ðà Lạt. Ðó là Khánh Ly, ái nữ của một cựu hoa khôi đầu tiên ở Hà Nội. Khánh Ly không hưởng được cái quốc sắc của mẹ, nhưng vẫn làm khuynh đảo cả một thế hệ qua tiếng hát cực kỳ say đắm của cô. Hơn nữa, tuy cô không đẹp lắm, nhưng cô có cái duyên nồng mặn. Khuôn mặt cô khi xuất hiện trên Tivi thì ăn ảnh kỳ diệu. Khánh Ly không hề phủ nhận rằng mình đã nhờ khoa giải phẩu thẩm mỹ để khoét cho cặp mắt thêm rộng. Nhưng dù gì thì dù, cặp mắt một mí của cô khi chưa cần tới mỹ viện dù hơi nhỏ, nhưng cái nhìn cô bao la, cực kỳ niềm nở thân tình. Cặp môi Khánh Ly khi ngậm im thì thanh tú và có vẻ nũng nịu. Nhưng khi cô cười, cặp môi cô tươi sáng hẳn lên, khóe mắt và thần thái cô cũng sáng nữa. Tôi rất thích ngắm cô trong những chiếc áo dài mini bằng tơ lụa nội hóa dệt mặt nguyệt màu thúy ngọc, màu nguyệt bạch, màu vảy kim ngư, màu “boọc-đô”, màu beige hơn là chiếc áo dài surat vẽ những bông hoa choáng lộn màu sắc như hoa trong các bức tranh dã thú của Matisse.


Tôi gặp Khánh Ly vào năm 1968, vào dịp tôi viếng Trịnh Công Sơn tại quán Văn lúc trời mới rựng sáng. Ở đó, cuộc sinh hoạt vừa bắt đầu. Sơn nhờ tôi xem chỉ tay cho Khánh Ly. Ai chứ Sơn rất tin tưởng khoa nầy, nhất là cái tài tiên tri của tôi. Hôm đó, tôi nói gì với Khánh Ly mà cô chỉ cười chấm câu, tỏ vẻ không mấy nhiệt thành như Sơn. Số là, trước đó nửa năm, Trịnh Công Sơn có nhờ tôi xem chỉ tay cho anh. Tôi ngắm nghía hình ngôi sao trên gò Thái Dương ở bàn tay phải của anh, quả quyết bảo:


- Ông có ngôi sao năm cánh rực rỡ như thế nầy mà không nổi tiếng được thì lạ thật. Thôi từ đây tới ba năm nữa nếu ông không nổi tiếng thì đem con dao lại đây vanh hết hai bàn tay tôi đi.

Trịnh Công Sơn không cần đợi ba năm. Chỉ có nửa năm thôi mà tên tuổi anh và tên tuổi Khánh Ly nổi như cồn, làm bàng hoàng ngây ngất một thế hệ.


Năm 1970, tôi nhảy vào nghề lính văn phòng, viết truyện ngắn lai rai cho tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Năm. Tôi thường tháp tùng nhà thơ Phổ Ðức tới quán Cây Tre thăm Khánh Ly và nhất là thăm nữ ca sĩ Uyên Phương, một giọng ca mà tôi hằng mến mộ. Thuở đó, Khánh Ly cùng Uyên Phương và Phương Hồng Hạnh lập ban Tam ca Ba Trái Xí Mụi. Tôi không hiểu vì sao có một dạo Khánh Ly tỏ ra lạnh nhạt và có vẻ hầm hừ với tôi. Truy ra, tôi có giỡn nhột Trịnh Công Sơn trong một bài báo khi anh tuyên bố rằng giọng anh sẽ thu vào dĩa vàng để hát chung với Joan Baez, Bob Dylan và Judy Garland. Trong bài ấy hình như tôi có chê anh hát hơi sai (faux) khi lên tới nốt cao, như thế thì làm sao anh hát chung với một danh ca cừ khôi kiêm minh tinh màn bạc lẫy lừng như Judy Garland được? Khánh Ly binh Trịnh Công Sơn mắng vói tôi qua ký giả Trần Quân:


- Cái thằng H.T.A là lính sữa Babylac, đã làm được gì chưa mà phách lối, xấc xược!


Kể từ đó, cô và tôi hễ chạm mặt nhau thì cô làm cái mặt nặng chầm vầm như cái cối đá, còn tôi làm cái mặt lạnh ngắt như khứa cá thu ướp muối nước đá. Rồi đó, sau 1975, tôi còn kẹt ở Việt Nam. Một hôm Trịnh Công Sơn lên Làng Báo Chí để viếng nhà họa sĩ Trương Ðình Quế, có đi ngang qua nhà tôi. Tôi kêu anh vào chơi. Nhân dịp đó tôi mắng:


- Ông không biết dạy cô đệ tử của ông. Tôi lớn hơn ông một tuổi, tức là lớn hơn anh chồng Nguyễn Hoàng Ðoan của cô ta ít nhất 3 hay 4 tuổi. Vậy mà cô mắng tôi còn con nít mà đã xấc xược.


Vật đổi sao dời, thấm thoát mà chỉ còn 5 năm, tôi bước vào tuổi 60. Vào năm 1992, nhân dịp đi Paris trình diễn, Khánh Ly có phone cho tôi để cám ơn tôi, rằng dù có chánh kiến bất đồng với Trịnh Công Sơn, nhưng tôi vẫn viết tốt cho Trịnh Công Sơn trong quyển ký sự văn học Cõi Ký Ức Trăng Xanh. Cả hai, sau 21 năm (từ 1972 cho tới 1993) mới tái ngộ nên mừng thôi là mừng. Tôi cảm động đến rưng rưng nước mắt. Qua cuộc điện đàm, tôi không dè cô lại thích đọc tiểu thuyết của tôi và mua khá nhiều những quyển của tôi do Ðại Nam xuất bản. Cô dặn:


- Anh nên viết chuyện đồng quê ở cố hương cho Mai đọc. Ðừng viết mấy chuyện bên Tây, đọc chán thấy mồ! Nhứt là anh nên mô tả các món ăn cho thiệt nhiều, thiệt ngon.


Hôm đó, tôi có nhắc lại lời cô nhiếc mắng tôi hồi 21 năm về trước, cô bảo rằng cô quên hết rồi, chẳng biết có nói lời thô, lời ác ấy hay không. Và cả hai cười xòa thông cảm. Tôi có bảo cô rằng vào năm 1975, tôi không ra trình diện với chế độ Quân quản của Cộng Sản để khỏi đi học tập cải tạo. Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn làm ngơ không vì bài báo giỡn nhột cũ của tôi mà tố cáo tôi với chính quyền cộng Sản.


Nói có Trời làm chứng, thuở xưa tuy ghét Khánh Ly nhưng tôi chưa hề viết bài báo nào để đánh gục cô ta, nếu không bảo là khen giọng hát đặc biệt của cô ta. Vả lại lúc đó ngôi sao danh vọng cô ta đang lên ngự đỉnh vòm trời ca nhạc, tôi dại gì chơi cái trò dã tràng xe cát Biển Ðông, dại gì đem một cái khăn mu-soa để mong che một vùng nắng sáng bao la hay đem một gáo nước để mong dập tắt một đám hỏa hoạn hay sao?


Giọng Khánh Ly đặc sánh như cao hổ cốt, như mật ong, đôi lúc nẩy lóe những âm vang giòn và sang sảng . Một giọng kỳ lạ, khàn khàn như phưởng phất hơi khói thuốc lá mà vẫn trơn ngọt khỏe khoắn làm cho tâm trí thính giả trôi lênh đênh vào cơn mơ mòng ngây ngất. Giọng Khánh Ly là giọng alto, nhưng cô có thể xuống trầm đòi hỏi ở một giọng contralto được, tuy nhiên âm lượng của giọng cô ở những nốt nhạc thật trầm ấy không dũng mãnh và không thừa làn hơi để ngân nga. Cũng như Lệ Thu, Khánh Ly hát không chút õng ẹo. Nhưng giọng cô vẫn đẹp, vẽ nên cảnh hoang vu chìm trong sương mù, vẽ nên cảnh đêm trăng mờ ảo ở chốn mạn rợ thời khuyết sử. Chuỗi ngân của Khánh Ly óng ả, trơn ngọt, gờn gợn sóng thu. Chuỗi ngân ấy điêu luyện và đẹp hơn chuỗi ngân của Lệ Thu nhiều. Giọng hát cô đen và đắng nhưng pha ngọt có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến hương vị ngon tuyệt vời của ly cà phê phin. Tiếng hát đó trên sân khấu có thể lan rộng khắp hí viện một âm vọng vừa huyền hoặc vừa ma quái làm cho ý tình trong những bài Phận Ca của Trịnh Công Sơn được bộc lộ gần như trọn vẹn.


Từ năm 1975, Khánh Ly là vợ của Nguyễn Hoàng Ðoan, ký giả kiêm nhà văn viết tiểu thuyết phóng sự. Ðộc giả thuộc thế hệ tôi chắc không quên Ðoan viết phóng sự rất lỗi lạc (như quyển Bà Lớn chẳng hạn). Khi làm thơ, anh ký tên Triều Sao Ðại. Thơ, văn , nghệ thuật làm báo của anh đều có bản lĩnh cả. Về báo chí và chuyện đi và sống, tôi kém anh rất xa. Vì rằng trước 1975, tôi chỉ là con mọt sách, chứ đi và sống rất ít. Giờ đây, tôi nằm khèo dưới mái Cổ Nguyệt Ðường, ngại đi xa lắm. Biết được Khánh Ly hạnh phúc với Ðoan tôi rất mừng. Tuy là nhà báo mà anh vẫn có tâm hồn nghệ sĩ, tôi tin rằng hai vợ chồng anh luôn tâm đầu ý hiệp với nhau.


(Trích Theo Chân Những Tiếng Hát . Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ 1998)

3 comments:

  1. Bác H có biết bài Jen aimis du témp của Patrick Fiori 0?

    ReplyDelete
  2. Hi em!
    Ma ko hieu co phai la em ko nua. Doc blog cua em rat hay va nhieu thong tin. Cam on vi da la ban tren blog :D

    ReplyDelete
  3. Hi em!
    Ma ko hieu co phai la em ko nua. Doc blog cua em rat hay va nhieu thong tin. Cam on vi da la ban tren blog :D

    ReplyDelete