Thursday 31 July 2008

TIẾN THÀNH (August 01, 2008)



(Mu01b0u1ee3n cu1ea3m hu1ee9ng tu1eeb su1ef1 kiu1ec7n Hu00e0 Nu1ed9i mu1edf ru1ed9ng)

“Không ai là không thể thay thế, nhưng chắc chắn có những người khó thay thế hơn những người khác ».

Câu nói trên dường như rất chính xác để nói về Nghệ sỹ Tiến Thành (1950-1984), giọng hát chủ lực trong các chương trình ca nhạc trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam, một viên ngọc sáng trong nền thanh nhạc Việt Nam kể từ cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Ngày nay, có thể nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x không còn biết nhiều về cái tên Tiến Thành bởi người nghệ sỹ tài hoa ấy đã mãi mãi đi xa từ ngót một phần tư thế kỷ nay. Tuy vậy, một điều chắc chắn là bất kỳ ai, hễ có chút yêu mến, quan tâm tới dòng nhạc mà tạm gọi là nhạc Đỏ thì đều biết đến, thuộc nằm lòng, thậm chí say mê những bài hát như Nơi đảo xa (Thế Song), Tiếng gọi sông Đà (Trần Chung), chùm ca khúc của Hoàng Vân gồm các bài Tình yêu Hà Nội, Tình ca Tây Nguyên, Tình yêu người thợ mỏ, hay những ca khúc song ca kinh điển như Gửi em ở cuối sông Hồng (Dương Soái & Thuận Yến), Dòng sông quê anh dòng sông quê em (Lai Vu & Đoàn Bổng) ... Đó là một số trong rất nhiều ca khúc đi vào lòng thính giả và còn mãi với thời gian nhờ giọng hát « rất khó thay thế » của nghệ sỹ Tiến Thành.

Sinh năm 1950 tại Nam Định, Nghệ sỹ Tiến Thành là ca sỹ cùng thời với các nữ nghệ sỹ Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa, Ái Vân, Vân Khánh, Thúy Lan, Bích Việt ..., các nam nghệ sỹ như Ngọc Tân, Dương Minh Đức, Huy Hùng, Trọng Nghĩa, Hữu Nội..., là thế hệ tiếp nối của thế hệ thứ hai với những Tường Vy, Bích Liên, Tuyết Thanh, Vũ Dậu, Trung Kiên, Quý Dương, Trần Hiếu..., và xa hơn nữa là thế hệ đầu đàn với những Thương Huyền, Khánh Vân, Kim Oanh, Tân Nhân, Mai Khanh, Trần Thụ, Quốc Hương, Văn Hanh ... Nếu hệ thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai đã xây dựng nên những tượng đài của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam với những bản anh hùng ca và tình ca bất hủ trong suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc thì thế hệ ca sỹ thứ ba mà Tiến Thành là đại diện tiêu biểu là thế hệ kế thừa, phát huy những giá trị âm nhạc của của các thế hệ đi trước, đồng thời là thế hệ cất lên những tiếng hát ngợi ca non sông đã thu về một mối, tiếng hát của thời kỳ dựng xây lại đất nước với biết bao đam mê, kỳ vọng và cũng đầy rẫy những khó khăn thách thức lòng người.

Trong bài Đất nước, Tạ Hữu Yên viết Mẹ Việt Nam « ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ ». Rất có thể con số 3 và số 2 ở đây là những con số có tính tượng trưng vì trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc mình, Mẹ Việt Nam đã nhiều hơn ba lần tiễn con đi và cũng nhiều lần khóc thầm lặng lẽ. Nhưng nếu đó là hình ảnh Mẹ Việt Nam của thế kỷ 20 thì lần thứ 3 Mẹ khóc chính là lúc những đứa con của Mẹ phải ra đi để bảo vệ những miền biên ải ở hai đầu đất nước. Và nếu như thế hệ thứ nhất của Quốc Hương, Mai Khanh là thế hệ của Điện Biên, của 9 năm, thế hệ thứ hai của Bích Liên, Vũ Dậu, Trung Kiên là thế hệ của những « giải phóng quân xẻ dọc Trường Sơn» thì thế hệ nghệ sỹ thứ 3 của Tiến Thành chính là thế hệ cất tiếng hát và trưởng thành từ cuộc chiến đấu vì lý tưởng « độc lập, tự do » của cả dân tộc.

Ngày nay, bạn trẻ yêu nhạc cách mạng nào cũng có thể dễ dàng liệt kê hàng chục, thậm chí hàng trăm ca khúc ra đời trong hai cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng nếu có điều kiện nghe lại hoặc được cha anh kể chuyện các bạn cũng có thể kể ra cả trăm ca khúc ra đời giữa những ngày nóng bỏng nhất của « cuộc chiến giữa những người anh em Đỏ ». Đó là những bản tráng ca cũng rực lửa hờn căm, ngập tràn hào khí như « Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới » (lời trong ca khúc của Phạm Tuyên), Đường lên biên giới (Lê Mây), Bài ca biên giới anh hùng, Chiến thắng vinh quang (Nguyễn Đức Toàn), Ý chí Diên Hồng (Lưu Hữu Phước), Không được đụng đến Việt Nam (Phan Nhân), Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận (Hồng Đăng), Bảy Núi (Hoàng Hiệp) ... đến những bản tình ca lay động lòng người như Gửi em ở cuối sông Hồng (Thuận Yến), Chiều biên giới (Trần Chung), Tình ca tuổi trẻ (Tôn Thất Lập), Tiếng đàn bên bờ sông biên giới (Phạm Tuyên)... Và có một điều hết sức đặc biệt là rất nhiều trong số hàng trăm ca khúc giai đoạn này đều gắn liền với tiếng hát của nghệ sỹ Tiến Thành. Tiến Thành là người lĩnh xướng hoặc nam ca sỹ hát song ca hầu hết các ca khúc của giai đoạn này. Vì thế, hoàn toàn không quá lời nếu ai đó nói Tiến Thành là « ca sỹ thế hệ chống bành trướng ». Nhưng cũng chính vì thế nhiều người nói Tiến Thành ... thiệt thòi bởi sau này, do điều kiện lịch sử, hầu hết các ca khúc ra đời trong thời kỳ này không còn được phổ biến nữa.

Là ca sỹ của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, cái nôi nuôi dưỡng lớp lớp các nghệ sỹ hàng đầu của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, nếu theo cách nói tương đối mang tính phê phán hiện nay thì sẽ có người gọi Tiến Thành là một « công chức đi hát ». Bởi lẽ trong một thời kỳ mọi thứ đều được thực hiện theo kế hoạch, theo phân công công tác và đều được bao cấp từ vật chất đến tinh thần thì ngoài những cảm xúc xuất thần, vô tư, trong sáng và cao cả, thì cũng có cả những cảm xúc được tạo ra theo tem phiếu, theo lịch công tác và bảng chấm công, hoàn toàn đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử. Nếu có dịp nghe lại các băng tư liệu của Tiến Thành, chúng ta sẽ không khỏi tủm tỉm cười khi nghe ca từ của những bài như « Mùa tôm gọi », « Em về hồ nuôi cá», « Nói với em về Đảng », « Đảng dệt mùa xuân » ...

Ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, con đường ca hát chuyên nghiệp theo kiểu công chức của Tiến Thành không phải là con đường bằng phẳng ngay từ đầu. Trong những năm đầu (từ khoảng 1976 đến 1978) Tiến Thành hầu như chỉ được đứng trong dàn đồng ca, hợp xướng. Phải từ năm 1979-80 người ta mới thấy Tiến Thành hát lĩnh xướng và song ca, rồi mới đến đơn ca. Đặc biệt, những năm đầu 80, các bạn nhỏ cả nước không thể quên giọng nói và tiếng hát của thầy giáo Tiến Thành trong các chương trình dạy nhạc, dạy hát trên đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Nghe Tiến Thành hát từ những bản tráng ca, lĩnh xướng trong dàn hợp xướng, với dàn nhạc giao hưởng, những bản tình ca hát cùng dàn nhạc nhẹ, cho đến những « ngành ca, địa phương ca » thuần túy theo phân công công tác, người ta đều cảm nhận được một giọng hát hết chỉn chu, chuẩn mực có nền tảng thanh nhạc vững chắc. Tiến Thành có làn hơi khỏe, chắc, đầy đặn, âm vực rộng. Có những nghệ sỹ mà đẳng cấp của họ thể hiện ở khả năng chuyển giọng, có kỹ thuật vững vàng nhưng lại không bị gò bó bởi kỹ thuật. Ở các nữ nghệ sỹ thì Lê Dung là một trường hợp điển hình. Còn Tiến Thành là trường hợp điển hình trong các nam nghệ sỹ. Tiến Thành có thể hát hết sức kinh viện trong Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Hồ Chí Minh giai điệu bốn mùa (Trần Chung),Lá xanh (Hoàng Việt). Nhưng rồi Tiến Thành ngay lập tức lại có thể thiết tha, nồng nàn, trải rộng cảm xúc đến độ mênh mang như sóng biển như trong bài Nơi đảo xa (Thế Song), Hát cùng trời nước Hạ Long (Tân Huyền).... Giọng Tiến Thành đằm thắm, nồng đượm trong các bản tình ca như Hương thầm (nhạc Thanh Phúc, thơ Phan thị Thanh Nhàn), Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân). Rồi Tiến Thành lại rất sôi nổi, trẻ trung trong những ca khúc nhạc nhẹ như Hà Nội những công trình (Quốc Trường), Tình yêu người thợ mỏ (Hoàng Vân). Tiến Thành còn hát rất nhiều làn điệu dân ca của các vùng miền khác nhau. Tiến Thành hát quan họ đặc biệt hay. Thỏa nỗi nhớ mong mà ông song ca cùng liền chị Thanh Hiếu là một làn điệu quan họ mẫu mực.

Để thành công trong xử lý ca khúc, ngoài giọng hát, điều tối quan trọng là nghệ sỹ có khả năng tiết chế cảm xúc và tạo ra những mảng sắc thái khác nhau (nuance) giữa các phần của một ca khúc, thắt, mở, cao trào... Tiến Thành hết sức xuất sắc trong việc làm này, khiến người nghe luôn giữ được cảm giác hào hứng khi đón nhận những bài hát do nghệ sỹ này thể hiện. Đặc biệt, Tiến Thành có thể hát bằng cả giọng tenor (nam cao) rất hùng tráng, khoáng đạt hoặc baritone (nam trung) rất đằm thắm, êm ái . Ở cả hai giọng Tiến Thành đều mang đến cho người nghe cảm giác về một giọng hát hết sức vừa vặn với từng ca khúc. Tiến Thành cũng hát giả thanh (fausette) rất hoàn hảo. Đây là một kỹ thuật khó trong thanh nhạc đối với nam ca sỹ vì nếu không xử lý tốt giọng sẽ bị biến thành « giọng mái ». Tựu chung lại, những người yêu ca hát cảm nhận ở Tiến Thành không chỉ một giọng hát đẹp, có sức truyền cảm đặt biệt mà còn ở cảm xúc lãng mạn, tinh khôi. Tuy vậy, ở một số ca khúc, Tiến Thành cũng thể hiện một ‘tật’ nhỏ đó là việc dồn hơi lên mũi hơi sớm ở cuối câu hát, tạo ra cảm giác « hát đóng âm cuối ». Nhưng nhiều người lại coi đó là nét đặc biệt của Tiến Thành.

...

Một ngày cuối năm 1984, công chúng yêu văn nghệ bàng hoàng hay tin về một vụ tai nạn giao thông thảm khốc mà nạn nhân là các nghệ sỹ của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam đi trên một chiếc xe ca trên đường lưu diễn phục vụ đồng bào tại một địa phương phía Bắc. Nghệ sỹ hát Chèo lừng danh Như Hoa đã qua đời ngay khi chiếc xe nạn. Nghệ sỹ Thúy Lan khi đó bị bất tỉnh. Những người chứng kiến vụ tai nạn thấy Nghệ sỹ Tiến Thành tuy bị thương nhưng vẫn rất cố gắng đỡ các bạn đồng nghiệp bị thương lên băng-ca đi cấp cứu. Tuy nhiên chỉ sau đó vài giờ, Tiến Thành đã quỵ xuống và rồi người nghệ sỹ ấy đã ra đi mãi mãi... « Người nghệ sỹ lãng mạn ấy đã vĩnh biệt chúng ta quá sớm... Anh để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhưng người yêu ca hát » (Dihavina). Chắc chắn còn quá nhiều kế hoạch Tiến Thành chưa kịp thực hiện và những người yêu ca hát hoàn toàn có quyền nói về nhiều tốt lành cho nền âm nhạc nước nhà mà Tiến Thành có thể còn tiếp tục cống hiến « giá như, giá như, và giá như »...

Cũng may, năm 1984 là năm kỷ niệm 30 giải phóng thủ đô, Đài tiếng nói Việt Nam tổ chức remix và phát động sáng tác hàng các ca khúc mới về Hà Nội. Những tác phẩm cuối của Tiến Thành, có thể vì lý do đó hoăc có thể hoàn toàn ngẫu nhiên, đều là các bài hát về Hà Nội. Và như thường lệ, Tiến Thành lại trở thành người hát nhiều nhất và hay nhất về Hà Nội thời kỳ đó với Người Hà Nội (hát cùng Tuyết Nhung và Hợp xướng Đài) ; Tình yêu Hà Nội (Hoàng Vân-hai versions với hai cách phối khí khác nhau) ; Hà Nội bài ca năm tháng (Cát Vận) ; Hà Nội những công trình (Quốc Trường, lĩnh xướng cùng Thúy Lan) ; Hà Nội những tầng cao (Văn An, song ca cùng Quỳnh Liên) ... Cho đến nay các ca khúc này đã được nhiều ca sỹ thể hiện lại với nhiều phong cách khác nhau nhưng với nhiều người bản Người Hà Nội do Tiến Thành thể hiện là bản hay nhất từ xưa đến nay. Còn Tình yêu Hà Nội thì đúng là tác phẩm mà Hoàng Vân viết riêng cho Tiến Thành. Và như thế, Tiến Thành còn được coi là một « Người Hà Nội » đích thực.

Tiến Thành ra đi để lại gần 300 ca khúc thuộc nhiều thể loại hiện còn lưu trữ trong Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như bộ sưu tập cá nhân của nhiều người mộ điệu. Nhưng người nghệ sỹ ấy cũng để lại một khoảng trống không dễ bù lấp trong lớp đồng nghiệp cùng thời và cả những lớp sau đó. Có lẽ thanh nhạc là như vậy, dù cho có khuôn mẫu, có bàn bản, thì đây vẫn chủ yếu là thứ nghệ thuật gần như vô hình của làn hơi, của âm thanh, của cảm xúc mà trời cho người này nhưng chẳng cho người khác, thậm chí cho một lần và không bao giờ cho lại, cũng giống như người ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông vậy. Sau này bạn yêu nhạc thấy Trung Đức hát lại nhiều bài hát Tiến Thành đã thể hiện, cũng rất thành công nhưng vẫn là Trung Đức mà không phải là Tiến Thành. Trong số các ca sỹ trẻ thì Trọng Tấn cũng hát nhiều ca khúc gắn với tên tuổi của Tiến Thành và cũng được thính giả đón nhận nồng nhiệt. Nhưng Trọng Tấn khác xa Tiến Thành vì nhiều lẽ. Gần đây, trong giải Sao Mai 2007, giới chuyên môn cũng liên hệ giọng hát của quán quân Lê Anh Dũng với Tiến Thành. Họ thật có lý. Tuy nhiên, những sự liên hệ như vậy cũng chỉ để khẳng định thêm một lần và nhiều lần khác nữa, rằng « có những người khó thay thế hơn những người khác ».

(TMH, 1-8-2008)

6 comments:

  1. Sáng nay ngủ dậy chợt nhớ ra là mình "lại" trở thành người Hà Nội. Chẳng có cảm xúc giề. Mờ giờ này còn để hoa gạo làm giề?

    ReplyDelete
  2. Anh làm nhà lí luận phê bình âm nhạc VN được đấy .

    ReplyDelete
  3. chau cho bai nay cua chu lau lem

    ReplyDelete
  4. chau cho bai nay cua chu lau lem roi

    ReplyDelete
  5. @ a Thọ: chúc mừng anh "lại" trở thành người Hà Nội (sau 15 năm nhỉ?)

    @ Enter Life: Mình không dám nhận, việc đó đã có nhiều nhà chuyên môn. Mình chỉ muốn tiếp tục theo dõi thời sự âm nhạc Việt Nam và làm đầy thêm bộ sưu tập thôi.

    @ Dr_son: cảm ơn "cháu" đã kiên nhẫn chờ đợi.

    ReplyDelete