- Một thành phố "Làng lúa làng hoa" qua giọng hát ngọt ngào của Thanh Hoa làm người nghe chợt nhớ về Hà Nội thuở nào. "Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng ven đê//Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều//Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa//Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng". Thế mà cư dân thành phố ấy từng ăn bo bo, nay tuy thừa gạo, nhưng lại "đói" hoa, mặt nước Hồ Tây không còn xanh nữa, đồng lúa cũng biến đi. Mới hiểu tại sao, vài cành hoa anh đào Nhật Bản mà thu hút mấy trăm ngàn người tới xem. | Hoa anh đào - Ảnh: Hiệu Minh | Tôi nhớ thời Hà Nội đi sơ tán, rất nhớ chi tiết trong một bài báo. Hồi đó không có điện thoại, internet, thư từ trong nước đi cả tháng mới đến. Bố mẹ đi khỏi thành phố, sợ con trai đi bộ đội về thăm bất chợt, để mẩu giấy trên cửa: “Bố mẹ và em sơ tán về Hưng Yên. Nếu con về, tìm chìa khóa dưới thảm chùi chân”. Ba tháng sau, gia đình quay về, trong nhà không mất mát thứ gì.
Hòa bình, nhà cao tầng lắp ghép được xây cao, soi bóng diễm lệ bên hồ Thành Công hay Giảng Võ. Những ban công xinh xắn để cư dân nhìn hoàng hôn buông xuống hay ngắm trăng lên.
Nhưng rồi sự bất an do những vụ ăn cắp ngày đêm gây ra. Khi cái áo, khi cái quần, rồi có kẻ ngang nhiên trèo qua ban công vào lấy hết đồ đạc quí. Những căn hộ sang trọng ấy phải thêm “chuồng cọp”. Sau này dân ta sáng kiến hơn, biến thành những gác xép, phòng nhô ra, thò thụt làm cho khu nhà lắp ghép nhếch nhác và bẩn thỉu.
Ngày nay, những ngôi nhà trên khu phố mới, càng giầu thì càng kín cổng cao tường. Kẽm gai mấy vòng tua tủa, mác nhọn hoắt trên các bờ tường, cắm mảnh chai sắc như dao cũng không ngoài mục đích ngăn trộm đột nhập mà trong ngôi nhà đó có thể là một thế giới riêng đẹp như mơ.
Tường cao che chắn những villa cho thấy quốc gia đang đi lên về kinh tế nhưng văn hóa có thể đã thụt lùi. Xã hội văn minh được đánh giá qua hàng rào sơ sài quanh nhà ở mang tính trang trí nhiều hơn là chống trộm. | Hồ Tidal Basin (Washington DC) vào mùa hoa anh đào - Ảnh: Hiệu Minh | Mấy hôm nay, “chuồng cọp” lại xuất hiện cả trong những sự kiện văn hóa. Tâm điểm lễ hội Nhật Bản ngày 12-4-2009 là 6 cây anh đào thật từ xứ Phù Tang cho dân ta chiêm ngưỡng. Người ta phải rào hoa, huy động tới 500 người bảo vệ. Nhìn sắc phục cảnh sát dưới bóng hoa anh đào thấy lo lắng thay cho một nền văn hóa đang xuống cấp.
Năm ngoái đã có chuyện cướp ở hội hoa. Năm nay rút kinh nghiệm, rào “mềm” và cảnh sát dầy đặc. Rất may, hoa héo, lá tàn và sắc phục nhà chức trách nên không thấy ai dám thò tay. Một người khiếm thị lấy tay thử, nhưng tội cho anh lại sờ vào hoa giả và bị lôi đi.
Thành phố no ăn nhưng lại “đói hoa” dù tiềm năng ấy có thừa. So sánh anh đào Nhật Bản và đào Nhật Tân, mỗi loài có một vẻ đẹp riêng và khó mà nói rằng hoa xứ người rực rỡ hơn ta. Tại sao hoa của họ lôi cuốn được hàng triệu người.
Ở nhiều nước, vườn hoa, phố hoa, công viên hoa hay kể cả hồ hoa trong thành phố được thiết kế tổng thể trong một môi trường kiến trúc chan hòa với thiên nhiên. Thêm vào đó là pháp luật chặt chẽ và văn hóa lâu đời được dung dưỡng, phát triển cùng với thế giới hiện đại. Mỗi cây mang đi trồng hay cánh hoa gửi đi triển lãm nước ngoài được nền văn hóa ngoại giao thâm trầm của quốc gia đó gửi gắm, được họ biến thành một thứ hoa đạo.
Hà Nội rất đẹp với những hàng cây cổ thụ xanh bốn mùa. Lò Đúc có hàng lim cao chót vót, cò về làm tổ, hàng Bông, hàng Nhuộm hoa bằng lăng tím, rồi dãy phượng vĩ đường Thanh Niên đỏ thắm mùa hè. | Đào núi Sapa - Ảnh: Photo.com.vn | Vườn đào Nhật Tân, nếu được giữ nguyên, không bị biến thành chung cư cao tầng thì vẻ đẹp không kém bất kỳ vườn hoa nào trên thế giới. Nếu xung quanh Hồ Tây được trồng đào, phượng vĩ, bằng lăng hay liễu rủ trên mặt nước trong xanh với không gian kiến trúc hài hòa ven bờ thì du khách cũng đến đông hàng triệu, không kém do với mùa anh đào bên Thượng Hải hay hồ Tidal Basin (Washington DC).
Hàng cây hoa lá ấy được trồng trong một thành phố có tổ chức, đường sạch đẹp thì người dân sẽ sống có văn hóa. Có lẽ đến lượt chúng ta mang hoa đi triển lãm. Biết đâu cũng có người “thèm” và vặt hoa Nhật Tân như dân ta bẻ đào Phú Sỹ năm ngoái.
Còn tiếp tục những dự án biến đường phố làm trung tâm thương mại, chiếm đất công viên xây khách sạn dưới danh nghĩa “cam kết quốc tế”, xây sân chơi thành chợ, hay cuộc săn lùng những "tấc đất vàng" cuối cùng đang âm thầm tiến hành thì không còn chỗ nào cho vườn hoa, đường hoa hay hồ hoa. Tệ nạn đói “hoa” vẫn còn tồn tại.
Ai đã từng sang Seoul, Thượng Hải, hay Tokyo về mùa hoa anh đào nở thì sẽ không ra sân Quần Ngựa để thưởng ngoạn hoa và nắng. Dù hoa đẹp đến đâu nhưng không ở trong một ngữ cảnh với thiên nhiên giao hòa thì cũng chỉ như cành đào Sapa mang về căn hộ cao cấp Ciputra, để rồi hoa trở nên đơn độc và lãng xoẹt, như thiếu nữ xinh đẹp múa trước đám dân làng đang đói hoa mắt.
Ngày xưa “đói nghèo sinh nghịch tặc” dễ hiểu. Thời nay, nhiều kẻ giầu nhưng có quyền vẫn tiếp tục ăn cắp do tham nhũng vì “đói” luật pháp. Trộm cây, vặt hoa liên quan đến thứ đói khác, đó là “đói văn hóa”, một căn bệnh không kịp chữa trị, xã tắc sẽ lâm nguy. Tệ nạn này từ nhiều hệ lụy, do nền giáo dục trong gia đình, nhà trường, ngoài xã hội kể cả luật pháp không được thượng tôn. Tham nhũng tràn lan không bị trừng phạt nghiêm khắc cũng là nguyên nhân khác. Người ta ăn cắp nhiều thế thì mình bắt chước với bông hoa có làm sao.
Nhìn xa trông rộng để phát triển đất nước, dân sẽ không đói hoa, cảnh kín cổng cao tường và "chuồng cọp" cũng mất đi. Ngôi nhà rất đẹp nhưng lại rào như trại giam thì khó nuôi dưỡng những tâm hồn lớn bên trong. Cảnh sát nên đi tuần tra bảo vệ cho khu phố không cần khóa cửa khi đi vắng thay vì ngồi gốc cây để bắt kẻ vặt hoa. Hôm nào đó, ta có thể yên tâm để lại lời nhắn bạn như 40 năm trước “Chìa khóa để dưới thảm". Lời hát xưa "tình yêu hoa lúa rộn ràng" thuở nào có thể tìm lại được. |
Công nhận anh Hà chọn ảnh quá hợp. Gần như ứng hoàn toàn với từng câu hát. Nhưng em thấy gần đây anh hay để hiệu ứng chữ rất to ở các clip (chắc để vừa gthiệu về ca khúc vừa giữ bản quyền :D). Nhưng người xem sẽ rất khá buồn vì nó làm cản trở việc thưởng thức những bức ảnh rất đẹp. Anh có thể vẫn để chữ nhưng cho xuống phía dưới và nhỏ hơn được không? :) Cám ơn anh nhiều!
ReplyDeleteGiọng hát Thanh Hoa thời ấy và bây giờ có khác nhưng lúc nào cũng mượt mà và tràn đầy cảm xúc nhỉ?
ReplyDeleteNghe bản thu năm 81 thấy gợi lại không khí mỗi lần tết đến VOV phát cùng với bài " em ơi mùa xuân đến rồi đó....." Còn đọc xong bài báo kia thì thấy chạnh lòng.
ReplyDeleteNao gui cho e may bai hat cua co Thanh Hoa voi co Le Dung di anh ^^
ReplyDelete