Cái tên Lê Dung tôi nghe trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam rất nhiều từ lúc tôi còn nhỏ khi Đài phát các bài Mùa xuân trên TP HCM, Anh ở đầu sông tôi cuối sông, Chợ chờ em vẫn chờ ai … nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy Lê Dung hát trên các sân khấu, trên truyền hình vào cái thời mà Thu Hiền, Thanh Hoa, Ái Vân ngự trị hầu hết các chương trình phát sóng ca nhạc. Thế nên vào khoảng năm 87, 88, 89 tôi cứ ngỡ Lê Dung là một nghệ sỹ của thế hệ trước đó và không còn hoạt động sân khấu nữa. Thế rồi vào đầu những năm 90 lần đầu tiên tôi nhìn thấy Lê Dung trên truyền hình Việt Nam, cũng là lúc nhà tôi bắt đầu có TV màu! Đó là chương trình ca nhạc trước thời khắc giao thừa. VTV phát 3 bài hát đại diện cho 3 miền: Hồng Nhung hát Nhớ Hà Nội của Hoàng Hiệp; Kim Phúc hát Một mùa xuân của Trần Hoàn và Lê Dung hát Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh của Xuân Hồng. Cả ba bài đều lấy âm thanh của VOV và các ca sỹ chỉ quay ngoại cảnh rồi hát “đớp”. 3 bài hát quá tuyệt, tới mức cứ mỗi khi Tết về tôi lại nhớ lại chính 3 bài đó. Tôi cũng có ý định sẽ dựng lại 3 bài đó thành một clip rồi đưa lên Youtube!
Lần đó Lê Dung xuất hiện trên truyền hình với phong cách thật hiện đại: không phải với mái tóc một mất một còn như trong một khoảng thời gian sau này mà là một mái tóc ngắn hoàn toàn. Hình ảnh ấy thật sự rất sốc với phấn lớn người Việt Nam khi đó vì phải gần 10 năm sau người ta mới quen kiểu tóc ngắn như vậy với sự xuất hiện của Mỹ Linh. Tôi nói bạn đừng cười, tôi còn nhớ ông hàng xóm của tôi đã thốt lên “trông nó như … con bớp”. Không hiểu khi đó Lê Dung để tóc ngắn như vậy là do sự cố về sức khỏe hay do thời trang. Nếu là thời trang thì quả là cô ấy đã đi trước thời đại. Khổ, đi trước thời đại là như thế đấy.
Tuy vậy, tôi vẫn có ấn tượng rất tốt đẹp về hình ảnh Lê Dung trong lần xuất hiện lần đầu đó. Trong những lần tiếp theo, tiết mục của Lê Dung luôn là tâm điểm theo dõi của tôi. Có lẽ tới giờ tôi vẫn có thể nhớ đầy đủ các tiết mục của Lê Dung trên truyền hình. Đó là hình ảnh Lê Dung đội tóc giả hát Em ơi Hà Nội phố (vì lúc đó tóc ngắn chưa dài) trong tà áo dài trắng cách tân không được đẹp lắm. Nhưng Lê Dung đã thật đẹp với mái tóc dài hơn, hơi một mất một còn với chiếc áo dài xẫm màu trong một chương trình giới thiệu các tác phẩm của Phạm Tuyên mà trong đó Lê Dung hát Lời ru của đêm. Lê Dung vừa hoạt bát, vừa tươi tắn khi xuất hiện cùng Tường Vy, Tuyết Mai, Đàm Liên là những người cùng được phong NSND nhân dân vào năm 1993. Lần đó Lê Dung hát cùng Tường Vy một bài hát của Nga mà trong đó khán giả rất ấn tượng về một Lê Dung đang rất sung mãn còn Tường Vy thì rõ ràng đă ỏ bên kia đỉnh dốc. Rồi Lê Dung trở thành ca sỹ chủ lực trong các đêm nhạc của Phú Quang, Dương Thụ được VTV phát sóng. Tôi thích nghe Lê Dung hát Lang thang và Nỗi nhớ của Phú Quang, Họa mi hót trong mưa của Dương Thụ cùng với piano. Cách xử lý đầy chất phóng tác vì được hát cùng piano chứ không phải hát cùng dàn nhạc nhẹ như trong Album sau này. Tôi được biết Phú Quang vẫn giữ hết các tư liệu này.
Lê Dung ít hát trong các chương trình ca nhạc dựng hình trong trường quay của VTV như Thu Hiền hay Thanh Hoa. Nhưng có một lần Lê Dung ngồi hát Khúc mùa thu của Phú Quang- Hồng Thanh Quang trong trường quay của VTV một tiết mục đã chinh phục rất nhiều khán thính giả, trong đó có tôi. Trong các năm sau đó Lê Dung thực sự trở về với đời sống ca nhạc trong nước với sự xuất hiện liên tục trong các chương trình lớn, điều này thì bạn và tất cả khán giả truyền hình Việt Nam đều quá rõ. Nhưng tôi còn nhớ có lần thời sự còn trích đoạn Lê Dung phát biểu với tư cách là thành viên của hội nhạc sỹ hay sân khấu Việt Nam, trong đó Lê Dung đứng trên bục của Nhà hát lớn và phát biểu rất mạnh mẽ về “sự xâm lăng của các loài cỏ dại vào nền âm nhạc thời mở cửa của Việt Nam”. Hình như trong Đại hội đó của hội nhạc sỹ Lê Dung lại không được bầu vào ban chấp hành… Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Lê Dung trên truyền hình là một chương trình Lá thư âm nhạc hay Điểm hẹn âm nhạc truyền hình trực tiếp từ HCMC mà trong đó Lê Dung hát hai bài là Nụ cười sơn cước và Bóng cây K’nia. Có lẽ đây chính là chương trình mà bạn đã nói tới, chương trình truyền hình trực tiếp cuối cùng có sự xuất hiện của Lê Dung, trong đó Lê Dung hát quả là có phô và hơi yếu, mờ.
Tôi cũng có may mắn được xem Lê Dung hát trực tiếp một số lần. Lần đầu tiên là năm 1995 trong kỷ niệm 50 năm ngoại giao Việt Nam với sự có mặt của tất cả các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đương thời. Lê Dung hôm đó hát Người Hà Nội và Đêm đông. Sau đó một năm tôi được xem Lê Dung hát lần thứ 2 trong một chương trình nhạc cổ điển đặc sắc, đó là chiêu đãi văn nghệ dành cho đoàn ngoại giao tại Nhà hát lớn. Chương trình không quá 45 phút và chỉ có Đăng Dương và Lê Dung hát. Đăng Dương hát Tình ca và một trích đoạn opera rất hay, nhất là Tình ca với ngón đàn điêu luyện của Hàn Ngọc Thoa. Tuy nhiên Lê Dung đã thực sự khiến cả khán phòng ấn tượng khi cô ấy xuất hiện trong bộ đầm màu đen, tóc dài vắt sang một bên. Ngay sau khi cúi chào khán giả, cử chỉ đầu tiên của Lê Dung là nhấc cái chân mic bỏ sang một bên và bắt đầu hát không mic. Lê Dung hát Bài ca hy vọng, Sông Lô và sau đó là trích đoạn Pace pace. Thật không thể có phần trình diễn nào hoàn hảo và sang trọng hơn thế. Phải qua những lần như thế tôi mới thấy hết được đẳng cấp của Lê Dung.
Tôi không có may mắn được tiếp xúc với Lê Dung lúc còn sinh thời cô ấy. Nói chính xác là có một số dịp bị bỏ lỡ. Lê Dung có quan hệ khá mật thiết với nhiều đồng nghiệp của tôi. Một lần Lê Dung và Phú Quang đến trực tiếp cơ quan tôi để giao lưu với các anh chị trong cơ quan. Không hiểu lần đó tôi bận gì mà không có mặt. Nghe kể lại hôm đó Lê Dung hát nhạc Phú Quang và Phú Quang chỉ đệm bằng ghi-ta, rất lạ, tôi chưa bao giờ được nghe như thế. Đồng nghiệp của tôi cũng kể, có một lần, khi hát tại sứ quán Việt Nam tại Singapore trong chiêu đãi quốc khánh, giữa vài trăm khách mời, Lê Dung còn thẳng thắn nhắc nhở khán giả là hãy trật tự nếu muốn nghe hát! Lê Dung cũng đi cùng các sư phụ của tôi trong đó có Mme Tôn Nữ Thị Ninh, Mme Nguyễn Thị Hồi (cựu đại sứ VN tại Canada) sang Bắc Kinh dự Hội nghị thượng đỉnh về phụ nữ và mọi người càng trở nên những người bạn thân.
Trong mối quan hệ đó, vào năm 2000, khi bọn tôi đăng cai Hội nghị phụ nữa Quốc tế, trong danh sách đại biểu Việt Nam bọn tôi đã ghi tên Lê Dung. Tôi rất mong chờ sự kiện đó để có dịp gặp và trò chuyện cùng Lê Dung. Tuy nhiên, cơ hội đó đã không đến vì Nhạc viện đã làm thất lạc thư mời và Lê Dung sau đó cho biết là cô ấy cũng rất tiếc vì không được đến dự hội nghị. Cũng có lần khi đi học tôi đã nhìn thấy Lê Dung đi bộ ở gần khu tập thể Thành Công (chắc là đi chợ về, trông rất có vẻ thế). Khoảnh khắc mà tôi đứng gần Lê Dung nhất, thật buồn, lại là trước linh cữu của cô ấy. Vào đúng buổi đi làm đầu tiên sau Tết Nguyên Đán năm 2001, tôi và các đồng nghiệp đều bàng hoàng khi hay tin Lê Dung đã qua đời. Cả cơ quan đi viếng, nhìn Lê Dung nằm trong quan tài với nét mặt vẫn tươi tắn mà thật xót xa. Hôm đó Phú Quang cũng bay từ Sài Gòn ra, tóc bạc phơ và chú ấy nói bản thân đang chống chọi với ung thư! Trong đám tang của Lê Dung, người ta không mở nhạc hồn tử sỹ hay tiếng kèn bát âm, xuân nữ mà là tiếng hát Lê Dung trong bài Gửi người em gái: “Em tôi đi màu son trên đôi môi, khăn san bay lả lơi …”.
Tối hôm đó chương trình thời sự VTV cũng đưa về sự ra đi của Lê Dung. Ngay sau khi kết thúc thời sự là một chương trình ca nhạc tưởng nhớ NSND Lê Dung với các bài gắn liền với tên tuổi Lê Dung trên VTV1: Bài ca hy vọng, Người Hà Nội, Ave Maria, Mẹ yêu con… là các tác phẩm thuộc dòng nhạc chính thống và cổ điển. Trên VTV3, Kiều Chinh làm một chương trình đầy đủ hơn, gồm cả phỏng vấn các nhân chứng, giới thiệu cả bài hát thiếu nhi Em yêu đất mỏ quê em, các cuộc thi quốc tế của Lê Dung, bài ca hy vọng cũng như một số bài hát tiền chiến như Đêm đông (video của Truyền hình Cần Thơ mà trong đó Lê Dung có hát Ảo ảnh của Y Vân). Cùng thời gian đó, Mai Trung Kiên của VOV làm một chương trình tưởng nhớ Lê Dung rất xúc động trên VOV1, trong đó giới thiệu các bài: Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Anh ở đầu sông em cuối sông, Gửi anh đi đầu quân, Ngày mùa, Ba Vì năm xưa, Từ trên đỉnh núi, Tiếng đàn bầu, Mẹ yêu con và Đêm đông (bản thu thanh tại VOV ngay sau khi Lê Dung từ Pháp về nước). Thời gian đó tôi có gửi thư yêu cầu cho cả VOV1 của Ánh Quyên và VOV3 của Trang Công Tiến và yêu cầu được nghe hai bài Mùa xuân trên TPHCM và Chợ chờ em vẫn chờ ai. Ánh Quyên đã đáp ứng yêu cầu của tôi bằng cách cho phát Chợ chờ em vẫn chờ ai. Trang Công Tiến thì lại cho phát… Họa mi hót trong mưa. Tôi biết là Mùa xuân trên TPHCM do Lê Dung hát đang bị thất lạc và họ chỉ có thể phát bản của Tam ca Áo trắng hoặc Ngọc Lan.
Sau ngày Lê Dung qua đời, tôi rất chú ý theo dõi các chương trình ca nhạc trên VTV để hy vọng được xem lại những hình ảnh của Lê Dung. Quả thật đã có tới 3 chương trình giới thiệu những bài hát đi cùng năm tháng mà ca sỹ minh họa là Lê Dung: Người là niềm tin tất thắng- Lê Dung hát với phong cách opera đặc trưng, quay ngoại cảnh ngay phía sau Lăng Bác Hồ; Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người; và Người lá đò trên sông Pô Kô. Mặc dù VTV là nơi lưu trữ tư liệu hình ảnh tệ nhất trên thế giới nhưng hy vọng những video clips đó tương đối gần đây nên vẫn còn giữ lại được.
Tôi kể lể về những diễn biến ở trên quả là rất lan man và có lẽ những câu chuyện trên chẳng có ý nghĩa gì với nhiều người. Nhưng với tôi, sự ra đi của Lê Dung lại chính là sự kiện tác động rất lớn tới đam mê nhạc VOV của tôi. Kể từ sau sự kiện ấy, tôi tìm mọi cách để tập hợp lại các bài hát của Lê Dung. Tôi đã liên hệ được với Trang Công Tiến, Xuân Thọ, Xuân Kỳ của VOV và Kiều Chinh, Phương Liên của VTV. Đó cũng là sự khởi đầu cho việc tích lũy kho nhạc VOV của riêng tôi, một quá trình kéo dài tới nay cũng ngót 10 năm J Trong suốt một thời gian sau đó, dù đi đâu, làm gì thì trong ba lô của tôi cũng có chiếc Sony Walkman (hồi đó đâu đã có ipod) và mấy cuộn cassettes tiếng hát Lê Dung. Tôi đi Sài Gòn cũng mang theo, đi nước ngoài cũng mang theo. Tôi nghe và “bắt” những người thân và bạn bè của mình cùng nghe, cũng giống hệt như khi tôi nghe Khánh Ly- Trịnh Công Sơn, rồi Tiến Thành nữa. Cho đến vài tháng sau đó, đúng lúc tôi đang ở Sài Gòn, đang trọ ở đúng phố Phạm Ngọc Thạch, đang nghe nhạc ở Tiếng Tơ đồng vào tối 1/4 và được Quang Minh và Hồng Ngọc báo tin Trịnh Công Sơn vừa qua đời thì những người bạn và đồng nghiệp của tôi đã “tổng kết” rằng: mày cứ hâm mộ ai là người đó… đoản thọ!!! OMG, thiện tai!!!
Tôi không biết Lê Dung tu nghiệp ở Tchaikovski chính xác ở giai đoạn nào và cô ấy ở Pháp thời gian cụ thể nào. Tuy nhiên căn cứ vào tư liệu âm thbạn của tôi thì tôi thấy Lê Dung thu thanh khá liên tục từ năm 1974-75 (Tiếng đàn bầu, Xa khơi, Bạch Long Vĩ đảo quê hương … ) cho đến 1985-86 (Trở lại Cao Bằng) mặc dù có hai tư liệu sớm hơn, một là bài hát thiếu nhi Em yêu đất mỏ quê em từ năm 1964 (sang tác của Nguyễn Đức Huyên, hát cùng một thiếu nhi khác tên là Bích Ngọc, Lê Dung được biết với cái tên Kim Dung) và bài Nhanh tay lên chị em ơi mà Lê Dung hát cùng tốp nữ Văn công Tả ngạn từ năm 1971. Trong tư liệu của tôi không hề có bài hát nào được Lê Dung thu âm trong các năm 87, 88, 89 trong khi đây là thời kỳ nở rộ của Ái Vân, Thanh Hoa, Thu Hiền. Đến năm 90 mới bắt đầu tiếp tục có tư liệu của Lê Dung với Mẹ yêu con (1990), Lời ru của đêm của Phạm Tuyên, Đêm hương hồi của Vũ Hùng và Aria Sức mạnh số phận (la forja del destino) trong opera Pace pace được thu năm 1991. Năm 1992 thì Đài VOV và đài Hà Nội giới thiệu nhiều lần chùm ca khúc Việt Nam được Lê Dung hát kiểu semi-classic với Đêm đông (mà bạn đã đề cập), Em ơi Hà Nội phố, Tuyết rơi, Mặt trời bé thơ, O sole mio, Chiếc lá cuối cùng. VTV cũng dựng hình từ các băng âm thanh này, Lê Dung khi đó tóc chưa dài nên phải đội tóc giả. Sang năm 1993 thì Lê Dung được phong nghệ sỹ nhân dân và cho ra đời Album Họa mi hót trong mưa…
Như vậy thời gian 87,88,89 có thể là lúc Lê Dung không ở Việt Nam và nếu so sánh giọng hát Lê Dung ở thời điểm trước và sau khoảng thời gian thì thấy có sự khác biệt rất rõ về cách xử lý bài hát. Chủ yếu sự khác biệt được thể hiện ở chỗ Lê Dung lúc trước hát rất chỉn chu, mô phạm và lúc sau thì vô cùng tự tin, cách tự tin của một người đã làm chủ được toàn bộ nhưng gì thuộc về kỹ thuật thanh nhạc, một người đã nắm hết được phần hồn của bài hát và cũng là một người đang ở đỉnh cao của phong độ, của sự màu mỡ trong giọng hát và cả của sức khỏe nữa. Nhưng cái làm nên cái chất của Lê Dung, cái mà ta phân biệt Lê Dung với các giọng nữ khác thì dường như bất biến: giọng Lê Dung luôn trong vắt, tròn căng, đầy đặn, mượt mà, nghe không bao giờ chói tai. Để thấy rõ hơn cái này thì tôi đành phải so sánh. Chẳng hạn như ta không thể nói giọng Thu Hiền là trong vắt, không thể nói giọng Thúy Lan hay Kim Phúc hay thậm chí là Ái Vân, Thanh Hoa là căng tròn, là đầy đặn vì giọng của họ thực ra rất mảnh. Lê Dung có khẩu hình nhìn rất sang trọng, nhất là khi khép làn môi lại vừa như để mỉm cười trong lúc hát vừa để cho làn hơi được đẩy lên cao trong lúc ngân, và có thể là để lấy hơi qua mũi một cách khéo léo nữa.
Giọng hát của một ca sỹ trước hết và bắt buộc phải do thiên phú rồi sau đó mới tính chuyện được hoàn thiện nhờ học hành, rèn luyện chuyên nghiệp, và rồi lại phải được “Tổ đãi” nữa thì mới mong sống lâu với nghề. Lê Anh Dũng cũng đồng ý với tôi như thế với đại ý là “không có bột thì khó mà gột nên hồ”. Ở Lê Dung mấy yếu tố đó được thể hiện rõ ràng nhất. Nghe Lê Dung hát Em yêu đất mỏ quê em từ năm 1964 khi mới hơn 10 tuổi dù ta không thấy được rằng đó là một thần đồng nhưng cũng thừa sức để thấy được một tiềm năng rất mạnh. Lê Dung ngay từ khi xuất hiện trên sân khấu chuyên nghiệp của Đoàn Văn công Tả ngạn ắt hẳn đã bộc lộ tiềm năng của một soprano thứ thiệt của Việt Nam khi cô ấy lĩnh xướng trong Nhanh chân lên chị em ơi hay Hát mừng Việt Lào chiến thắng (đều trong năm 1971). Và từ 1974 Lê Dung bắt đầu có được chỗ đứng khá đĩnh đạc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam giữa thời kỳ đỉnh cao của nền ca khúc Việt Nam với cả một rừng các cây đa, cây đề thuộc thế hệ đó như Bích Liên, Thanh Huyền, Vũ Dậu và biết bao nhiêu tên tuổi nữa. Cho đến nay, những bài hát Lê Dung hát từ thời kỳ đó như Xa khơi, Tiếng đàn bầu, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Đất mỏ anh hùng … vẫn thường xuyên được phát sóng và được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, đúng như bạn và nhiều người nhận xét, giọng Lê Dung thời kỳ này có một nhược điểm rất rõ, đó là rung giọng. Khoảng cách vibrato quá ngắn và liên tục khiến có lúc ta tưởng Lê Dung hát chưa được bình tĩnh, hơi chưa đủ căng nên tiếng hát thành ra run rẩy. Nhược điểm này kéo dài trong suốt các năm 74,75,76 mà ta thấy trong các ca khúc thu thanh vừa kể trên. Nhạc sỹ Phú Quang trong đêm nhạc Con đường âm nhạc số đầu tiên của VTV3 khi tưởng nhớ Lê Dung cũng nói về nhược điểm này trong giọng hát thời kỳ đó của Lê Dung. Đại ý Phú Quang kể rằng ông đã có lần rất nghiêm khắc phê bình Lê Dung vì cái “tội” rung giọng “như dê kêu” khi ông tập cho Lê Dung bài Anh ở đầu sông em cuối sông cùng Dàn nhạc Mùa thu vào năm 1978 tới mức Lê Dung bưng mặt khóc và chạy ra khỏi phòng thu.
Sự rèn luyện nghiêm khắc đó quả là đã phát huy hiệu quả khi mà ta nghe Lê Dung trong các tư liệu thu thanh từ thời kỳ đó trở đi không còn nhược điểm này nữa. Từ Anh ở đầu sông em cuối sông cho đến Tình em biển cả mà Lê Dung thu trong năm 1978 người ta thấy có sự chuyển rất rõ rệt. Cho đến các năm 79, 80, 81 giọng hát Lê Dung đã thực sự bước vào thời kỳ đỉnh cao với sự hoàn thiện về kỹ thuật, của sự màu mỡ trong chất giọng, của sự chín muồi trong xúc cảm. Đã đành nhạc cảm của Lê Dung luôn luôn thường trực như một hằng số trong các ca khúc cô hát thời kỳ này, nhưng đồng thời những người làm nghề và khó tính cũng không thể nào tìm ra được những nhược điểm trong kỹ thuật và cách xử lý bài của Lê Dung khi cô hát Suối Lê Nin, Viếng Lăng Bác, Chào tôi cô gái Lam Hồng, Cảm xúc tháng Mười, Vui mùa chiến thắng, Tiếng hát trên đường quê hương hay các bài dân ca như Đò đưa, Chung lập chiến công (thu âm năm 1979).
Giọng hát hoàn hảo, nhạc cảm đặc biệt, sự nhập cuộc và làm chủ tác phẩm đến nhuần nhuyễn của Lê Dung trong thời kỳ này đã làm sản sinh ra những tác phẩm lưu danh giọng hát của cô cho mãi về sau, đó chính là Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng), Ba Vì năm xưa (Huy Du), Củ Chi yêu thương (Trương Quang Lục), Hát từ xóm biển Cà Mau (Văn Chung), Vầng trăng sáng (Thái Cơ), Vaxilo... Ta cũng cảm nhận rõ nhất sự hội tụ của tất cả các ưu điểm của Lê Dung khi cô hát Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp (năm 1983) với khả năng hát giọng cao mà rất dày, đầy và rõ tiếng, cũng như cách hát nảy âm staccato giả tiếng chim rừng ở đoạn interlude. Nhạc cảm mà Lê Dung thể hiện trong Trở lại Cao Bằng của Tân Huyền, (1985) chính là thứ vốn liếng của cảm xúc mà nhiều năm sau này ta gặp lại trong Lời ru của đêm của Phạm Tuyên (1990), hay Đêm hương hồi của Vũ Hùng (1991), thậm chí trong Chiều phủ Tây Hồ hay Khúc mùa thu của Phú Quang.
Các cụ nói “yêu nhau củ ấu cũng tròn”. Tôi vẫn tin tôi có lý trí chứ không để tình cảm làm mình mất khách quan. Không hiểu tôi hiểu bình luận của bạn về giọng hát Lê Dung với dòng nhạc tiền chiến có chính xác hay không. Tuy nhiên, nếu bạn cho rằng Lê Dung không hợp hay không thành công trong dòng nhạc tiền chiến thì tôi nhất định phản đối. Rõ ràng Lê Dung luôn đứng đầu bảng trong mảng opera ở Việt Nam vì ở giọng hát của cô vừa có sự hoàn thiện về kỹ thuật vừa có sự dồi dào của cảm xúc. Cứ nghe Lê Dung hát Pace pace của nước ngoài hay aria Cô Sao của Việt Nam hay phong cách opera trong Bài ca hy vọng, Người Hà Nội, Đường chúng ta đi, Trường ca Sông Lô, Du kích sông Thao thì sẽ thấy điều đó.
Nhưng tôi vẫn phải khẳng định rằng Lê Dung là một ca sỹ hiếm hoi của Việt Nam thành công với nhiều thể loại ca khúc. Cô có khả năng chuyển giọng để nó rất phù hợp với các thể loại ca khúc khác nhau, loại nào ra loại ấy chứ không lẫn lộn như như nhiều nghệ sỹ khác. Opera hay nhạc đỏ thì chúng ta nói rồi. Lê Dung hát dân ca vô cùng hay với Đò đưa, chung lập chiến công như tôi đã kể hay âm hưởng dân ca trong Chợ chờ em vẫn chờ ai của Huy Du. Trong nhạc nhẹ thì ai có thể hát các ca khúc của Phú Quang, Dương Thụ như Chiều phủ Tây Hồ, Khúc mùa thu, Ngày mai, Nỗi nhớ, Họa mi hót trong mưa hay được như Lê Dung.
Với nhạc tiền chiến và nhạc Trịnh, nhạc miền Nam thì quả là tôi cũng không đánh giá cao Album Họa mi hót trong mưa nhưng chủ yếu do chất lượng phòng thu không được tốt. Còn bộ CD Những tình khúc bất tử mà Lê Dung làm ở Pháp và Thụy Sỹ với những Đêm đông, Buồn tàn thu, hay CD Tiếng thời gian, CD Màu nắng có bao giờ phai đâu với nhạc Đoàn Chuẩn, CD Tình nghệ sỹ … theo tôi là những sản phẩm hoàn hảo cả về nghệ thuật và thị trường. Tôi cũng có một băng cassette Lê Dung thu khi cô ở Pháp gồm các bài Quê hương, Mưa rơi (Trần Hoàn), một số bài của Ngô Thụy Miên, Đỗ Dũng do một người bạn tặng. Cũng từ các CD trên thị trường mà tôi tìm thấy bài Biển hát chiều nay, một bài theo tôi phải tới bản thu của Lê Dung thì Hồng Đăng mới thực sự tìm được chủ nhân cho bài hát của ông. Và chắc chắn nhiều nhạc sỹ cũng tìm thấy tri âm tri kỷ cho các tác phẩm của họ từ giọng hát Lê Dung. Nhiều nghệ sỹ thanh nhạc lừng danh của Việt Nam cũng thần tượng giọng hát Lê Dung. Nghệ sỹ Nhân dân Thanh Huyền nói trên một tờ báo rằng trong các giọng hát của thế hệ sau bà thì Lê Dung là người mà bà khâm phục nhất. Nữ danh ca Khánh Ly cũng coi giọng hát Lê Dung là một trong những giọng hát đẹp nhất của Việt Nam. Chỉ có một Lê Dung.
Yêu Lê Dung lây mất, nếu Hồng Thanh Quang đọc được bài này thì sao nhỉ?
ReplyDeleteCái gì đẹp nó sẽ cũng lung linh đặc biệt gấp nhiều lần khi nó đã mất.
Ôi tình yêu
Chưa thấy ai viết về Lê Dung hay như tác giả của blog này. Xin phép cho tôi đăng lại bài này trên blog của tôi. Xin cảm ơn.
ReplyDeleteCam on ve bai viet le dung,mot nguoi dan ba da doan!
ReplyDeleteHay quá, bài viết rất sâu sắc. Cám ơn tác giả rất nhiều.
ReplyDelete