BBC Việt ngữ đăng tin này rất thú vị : Bộ Tư bản của Marx hiện trở thành sách bán chạy trong giới thanh niên của Đức, những người tỏ ra mất niềm tin vào khả năng điều hành và giải quyết các vấn đề kinh tế của chính phủ hiện nay của họ và muốn đi tìm những kiến giải và giải pháp từ tác phẩm kinh điển của Marx.
Trong khi đó tạp chí Spiegel, bản tiếng Anh của Đức vừa thực hiện một bài phỏng vấn khá hay với giáo sư Muhammad Yunus (Bangladesh), người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ mô hình xóa đói giảm nghèo bằng các khoản tín dụng nhỏ. Theo ông Yunus, thị trường tài chính trong thời gian dài vừa qua với sự thiếu điều tiết chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tín dụng- kinh tế hiện nay. Câu nói nổi tiếng của ông đã trở thành cảm hứng cho hàng loạt các titres báo ở phương Tây trong những ngày qua : lòng tham tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách đã hủy hoại hệ thống tài chính thế giới, và rằng « chủ nghĩa tư bản đã suy đồi thành một sòng bạc ». Nói về nền kinh tế- tài chính Mỹ, ông Yunus nói, ở Mỹ hệ thống tài chính với hình thức cho vay thế chấp dành cho bất động sản đã bị tách rời ra khỏi nền kinh tế thực, cũng giống như người ta xây các lâu đài « trên mây », để rồi một ngày nào đó bỗng nhận ra rằng chẳng hề có những tòa lâu đài đó và thế là thị trường tài chính sụp đổ.
Cũng với lập trường đó, ông Yunus cho rằng kế hoạch cứu nguy hệ thống ngân hàng trị giá 700 tỉ đô la mà Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua, hay những kế hoạch giải cứu tương tự của Pháp, Đức là những biện pháp tuy cần thiết trong thời điểm hiện tại (đơn giản là vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác) nhưng lại không phải là một điều hay ho vì nó cho thấy một sự xói mòn nghiêm trọng về lòng tin đối với thị trường, sự bất lực, thậm chí biến mất của « bàn tay vô hình » trong lý thuyết của Adam Smith. Ông Yunus cho rằng, về lâu dài, chủ nghĩa tư bản với các cơ chế vận hành theo thị trường, phải sống lại và phải có khả năng tự giải quyết các vấn đề của mình. Chính phủ chỉ được phép can thiệp nhằm tăng cường cơ chế điều tiết, chứ không được phép điều khiển thị trường.
Cuối cùng, ông Yunus kêu gọi các doanh nghiệp, các tập đoàn tài chính hãy đề cao trách nhiệm xã hội của họ, bên cạnh mục tiêu chạy theo lợi nhuận. Nói cách khác, ông này cổ vũ cho mô hình tín dụng nhỏ mà Ngân hàng Grameen của ông đã và đang theo đuổi và nhờ nó mà ông đã được thưởng Giải Nobel Hòa bình.