Monday, 14 January 2008

DVD Một thời & Mãi mãi (January 14, 2008)



1. NSND Lê Dung & solo Du kích sông Thao- Live Concert

2. NSND Lê Dung & NSND Quang Thọ & duo Du kích sông Thao

NSND Quang Thọ: "Một thời và mãi mãi" với cố NSND Lê Dung
Thứ hai, 14/1/2008, 09:20 GMT+7
Kỷ niệm 50 năm Hội Nhạc sỹ Việt Nam, đĩa nhạc giới thiệu hai giọng hát opera thính phòng: NSND Quang Thọ và cố NSND Lê Dung - một chương trình được thu trực tiếp, đã được gửi tới các thế hệ nhạc sỹ của Hội. Đây là đêm diễn chung cuối cùng của hai nghệ sỹ này. Hai nghệ sỹ vùng mỏ này đã đồng hành suốt nhiều thập kỷ, tạo nên những dấu ấn mãi mãi với thời gian...

img
NSND Quang Thọ và cố NSND Lê Dung.

Nhớ về những ngày tháng đó, NSND Quang Thọ thực sự xúc động:

- Năm1994, anh em tôi thực hiện chương trình "Một thời và mãi mãi", đây là một trong những live show đầu tiên tại Việt Nam và mùa đông năm đó được biểu diễn tại Paris. Còn nhiều đêm nhạc khá của hai anh em tại TPHCM, Hạ Long và đêm diễn cuối năm 1999 là đêm diễn cuối cùng.

Tất cả đã được ghi lại. Có thể nói đó là sự giao cảm gần như là tuyệt đỉnh nhất trong việc biểu diễn chung giữa tôi và Dung cùng với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam dưới sự chỉ huy của nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân. Với nhiều người làm nghề, đây là chương trình giao hưởng thính phòng lớn và thành công nhất từ trước đến nay. Dung hát say sưa, cuồng nhiệt.

Và đó cũng là tính cách của cô ấy trong cuộc sống. Khi Dung bước vào những ngày nguy cấp, tôi đang ở Paris, nhưng được vợ thông báo tin tức từng giờ. Gia đình tôi với Lê Dung như anh em trong nhà, Dung bị tai biến là vợ tôi đưa cô ấy vào viện. Nhưng rồi Dung không ở lại được.

Tôi gửi một lời điếu từ Paris về để tiễn đưa Dung. Rất nhiều dự định lớn trong cuộc đời âm nhạc Dung bỏ dở. Và rất nhiều học sinh Dung đang trực tiếp giảng dạy cũng phải bỏ lại. Mất mát thực sự cho thanh nhạc khi Lê Dung không còn cất tiếng hát nữa. Nhưng đó là định mệnh, là số phận.

- Mỗi khi nghe lại những bản thu âm cũ, có bao giờ anh nghĩ rằng, nếu được hát lại thì hai người sẽ còn hát hay hơn nữa?

- Âm nhạc không phải là sự làm lại mà là sự thăng hoa cảm xúc. Có những khoảnh khắc duy nhất rồi lụi tắt mãi mãi. Thế nên đời mình hát hàng ngàn lần một ca khúc, nhưng mỗi lần hát lại một lần cảm xúc không nhàm cũ.

- Anh có tin vào định mệnh không? Còn tôi thì tin. Như anh và chị Lê Dung, hai người cùng đến từ vùng mỏ, cùng hát hết mình. Nhưng chị Lê Dung đến sau, tỏa sáng rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu nhanh hơn anh. Và rồi đột ngột ra đi vào lúc không ngờ nhất. Còn anh, mọi chuyện đến từ từ và rồi đến giờ, anh vẫn may mắn được hát với công chúng của mình trên sân khấu...

img
Bìa DVD Tiếng hát Lê Dung - Quang Thọ.

- Cái đó cũng đúng. Dung may mắn hơn tôi, đạt được những thành công lớn ở những cuộc thi hát chính thống về opera trên thế giới như Concourt Traiskopski, được đóng vai chính trong vở opera lừng danh của thế giới. Còn tôi thì thành công không vang dội như thế. Có lẽ Dung là một ca sỹ luôn dồn hết sức mình cho từng ca khúc. Và cô bộc lộ mình trọn vẹn trong những ca khúc ấy, không giữ lại gì làm của riêng.

Khi cô ấy mất, tôi thấy, rất lâu sau người ta chưa tìm ra một giọng ca đẹp nhường vậy. Tôi được may mắn sống nhiều hơn nên hát được nhiều hơn. Nhưng chính vì cái "đặc ân" của cuộc sống này, mà mình biết mình cần phải tâm huyết hơn và hát hết mình hơn...

- Điều đầu tiên và sau cùng khi anh nghĩ về người bạn diễn này?

- Đó là những kỷ niệm. Cuối năm 1967, khi Mỹ bắn phá Quảng Ninh, có rất nhiều cuộc biểu diễn ở những nơi sơ tán, trong hầm mỏ. Tôi hơn Dung 4 tuổi, khi tôi là ca sỹ vùng mỏ thì cô ấy mới đang học lớp 9, nhưng đã bắt đầu theo chúng tôi đi diễn. Hồi đó chúng tôi đi bộ là chính, hai chục cây số là chuyện thường. May lắm mới có xe đạp.

Có lần tôi chở Dung đi diễn, xa nhà mấy chục cây số. Đi dọc đường, đến Nhà máy điện cọc 5 thì bị một trận oanh tạc, vội vàng nhảy xuống hầm, xe đạp bị bom cày nát. Tôi vác chiếc xe đạp nát và hai anh em đi bộ suốt đêm về nhà. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên giữa hai anh em.

Ngày đó chúng tôi đi hát vì yêu thích và được phục vụ công nhân mỏ thế thôi chứ không nghĩ mình sẽ theo con đường này, cũng không nghĩ mình phải trở thành người nổi tiếng. Nhưng rồi mỗi đứa đi một hành trình khác nhau, rồi gặp nhau trong từng thời điểm của sự nghiệp. Dung và tiếng hát trong trẻo của cô ấy là điều không chỉ tôi mà nhiều người yêu nhạc Việt Nam luôn nhớ đến.

- Anh có cho rằng, theo dòng nhạc cổ điển - thính phòng để được thành công như NSND Quang Thọ là con đường khổ nạn và hiếm hoi? Và phải chăng nhạc cổ điển - thính phòng không thực sự phù hợp với số đông công chúng Việt Nam?

- Thành công nào cũng khó khăn cả. Tôi đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm mới có được một chút thành quả. Thời gian qua, các phương tiện truyền thông phát triển ồ ạt và họ phần nào đó tuyên truyền quá rầm rộ dòng nhạc trẻ và tuyên dương những gương mặt nghệ sỹ của dòng nhạc ấy khiến nhiều người cho rằng nhạc cổ điển - thính phòng không có chỗ đứng trong lòng khán giả.

Thực ra không phải vậy. Chỉ có cái nào ồn ào hơn mà thôi. Các ngôi sao nhạc nhẹ thường nổi rất nhanh nhưng họ cũng phải chạy đua với thời gian trước khi bị... thay thế bởi một gương mặt khác và tuổi thọ nghề rất ngắn. Còn các nghệ sỹ opera - thính phòng thì hát dài hơi hơn, đến với công chúng cũng bình tĩnh hơn.

- Nhưng chính anh cũng được biết đến nhiều ở những bài hát chính ca, chứ đâu phải những vở opera? Anh có nghĩ rằng, nếu dũng cảm theo opera thì phải biết chấp nhận nghèo và thậm chí là... vô danh trong nhiều năm?

- Tôi hát nhiều thể loại nhưng đúng là khán giả nhớ tới mình nhiều từ những bản chính ca hào hùng. Nhưng nghệ sỹ hát dòng cổ điển thính phòng họ cũng không đến mức vất vả như anh nói. Trọng Tấn là một ví dụ. Anh ấy có những thứ hạng cao nhất trong các cuộc thi hát. Anh ấy có lượng khán giả riêng của mình. Và anh ấy không nghèo...

- Anh hát cả ngàn ca khúc, anh dạy mấy trăm học trò, sự nghiệp ấy là một con đường không ngắn và không dễ dàng. Có khi nào anh nghĩ mình sẽ làm một con đường âm nhạc, như một tuyển tập riêng?

- Năm 2007 tính ra tôi cũng làm được nhiều việc, làm được đêm nhạc riêng, phát hành được đĩa nhạc, ra đĩa chung được với Lê Dung, rồi tham dự nhiều chương trình lớn. Năm 2008, tôi bước vào tuổi 60, cũng là năm tôi nghĩ có nhiều kỷ niệm. Tôi sẽ phát hành bộ 5 DVD tiếng hát Quang Thọ và 5 CD những ca khúc gắn liền với tên tuổi của mình. Và sau Tết Nguyên đán Mậu Tý, tôi và một số anh em sẽ cùng lên kế hoạch phát hành trở lại những ca khúc do Lê Dung hát dưới nhiều hình thức. Tiếng hát ấy không bao giờ có thể bị lãng quên.

- Cảm ơn NSND Quang Thọ!

1 comment:

  1. Bài phỏng vấn này của tác giả Dương Bình Nguyên. Nhà báo, nhà văn trẻ có tập Giày đỏ em rất thích

    ReplyDelete