Wednesday, 27 February 2008

Nghề hấp dẫn giới trẻ (February 28, 2008)



Công chức ngoại giao: Hấp dẫn giới trẻ

Gia nhập WTO, trở thành thành viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc... hình ảnh Việt Nam càng trở nên nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế và có nhiều bạn trẻ lựa chọn ngoại giao làm sự nghiệp.

img
Lễ trao bằng cho các sinh viên - Ảnh minh họa
Kỳ thi tuyển công chức vào Bộ Ngoại giao năm 2007, tiêu chuẩn đầu tiên đối với thí sinh dự thi là tuổi đời không quá 40.

Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - UNESCO Bộ Ngoại giao có niềm tin mãnh liệt vào đội ngũ công chức ngoại giao trẻ tuổi thuộc thế hệ 7X, 8X.

"Họ rất giỏi, năng động và tràn đầy nhiệt huyết với công việc. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào các cán bộ trẻ hiện nay", ông nhận xét.

30% - 50% là người trẻ

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, anh Phạm Hùng Tâm nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức Bộ Ngoại giao. Thi đỗ, anh được phân về Vụ Châu Á II và công tác ở đó đến nay đã được 14 năm.

Anh Tâm đánh giá: "Các cán bộ trẻ được đào tạo bài bản hơn, kiến thức cập nhật hơn và trình độ ngoại ngữ cũng cao hơn so với lớp cán bộ kỳ cựu. Họ tiếp thu, thích ứng nhanh với công việc và rất đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Làm việc với họ đã giúp tôi có những cách nghĩ mới, buộc tôi phải tự phấn đấu để theo kịp họ".

Hiện tỷ lệ cán bộ trẻ từ 40 tuổi trở xuống đang ngày càng tăng trong cơ cấu cán bộ của Bộ Ngoại giao. Vụ Châu Mỹ có 40 cán bộ công chức thì hơn 1/3 trong số đó là những cán bộ trẻ.

Ở Cục Lãnh sự, tỷ lệ cán bộ trẻ cũng là hơn 1/3 và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Vụ Châu Á II có trên dưới 50 cán bộ thì hơn 50% trong số đó là những người trẻ.

Cũng như ở các ngành nghề khác trong xã hội, những cán bộ ngoại giao trẻ mới vào nghề không tránh khỏi bỡ ngỡ khi làm quen với công việc. Những chuyên viên tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế có lợi thế là được đào tạo cơ bản về quan hệ quốc tế và nghiệp vụ ngoại giao nên hoà nhập nhanh hơn vào môi trường đối ngoại cấp nhà nước.

Tuy nhiên, công tác ngoại giao đa dạng, phong phú với rất nhiều công việc không tên và có tên nên để đảm bảo hiệu quả hoạt động, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển công chức, Bộ Ngoại giao tổ chức một khoá bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn kéo dài 2 tháng dành cho các thí sinh trúng tuyển.

Nhiều cơ hội trưởng thành

Trải qua một thời gian công tác, nhiều cán bộ ngoại giao trẻ đã tìm thấy cho mình sự hứng thú đối với công việc và một môi trường phát huy những kiến thức đã được học. Họ lựa chọn con đường ngoại giao trước hết xuất phát từ sự đam mê và cảm thấy công việc phù hợp với mình.

Anh Nguyễn Đức Tiến, đỗ kỳ thi tuyển công chức Bộ Ngoại giao 2006 và đang công tác tại Ban Nghiên cứu tâm sự:

"Tôi chọn ngoại giao vì cảm thấy mình phù hợp với ngành này. Môi trường nghiên cứu giúp tôi phát huy tối đa những kiến thức và khả năng của bản thân. Nói chung công tác ngoại giao khó khăn và vất vả, đòi hỏi có sự đam mê. Nếu chỉ để biết thôi thì tốt nhất đừng nên vào ngành ngoại giao làm gì".

Phạm Thùy Trang đã đỗ kỳ thi tuyển công chức Bộ Ngoại giao năm 2006 và hiện đang là chuyên viên Vụ Châu Mỹ. Sau gần một năm làm việc, Trang cho biết công việc hiện tại của cô khá tốt, gần đúng như những gì đã tưởng tưởng khi còn là sinh viên Học viện Quan hệ quốc tế.

"Làm việc ở đây, tôi có điều kiện phát huy nhiều nhất những gì mình đã được học trong trường", Trang bộc bạch.

Cùng đỗ kỳ thi tuyển công chức năm 2006 với Phạm Thùy Trang còn có Nguyễn Thị Thu Thủy. Cũng giống như Trang, Thủy khá hài lòng với công việc của một chuyên viên Vụ Châu Á II.

Thủy cho biết so với nhiều cơ quan nhà nước khác, môi trường làm việc trong Bộ Ngoại giao khá năng động, có tính cạnh tranh cao nhưng không quá căng thẳng.

Sau gần một năm làm việc, Thủy đã thu nhận được khá nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm cần thiết để trở thành một nhà ngoại giao trong tương lai.

Nguyễn Tiến Cường cũng đỗ kỳ thi tuyển công chức cùng đợt với Thuỷ và Trang và đang công tác tại Học viện Quan hệ quốc tế. Cường cho biết anh rất thích công việc hiện nay vì được làm đúng ngành đúng nghề.

Anh cũng không giấu mơ ước được theo đuổi nghiệp ngoại giao: "Được tham gia các hoạt động đối ngoại đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Tôi mong muốn sẽ tiếp tục được cống hiến cho ngành ngoại giao".

Còn anh Tâm tâm sự: "Kể từ khi trở thành công chức ngoại giao, tôi đã thu nhận được nhiều kiến thức về nghiệp vụ, học được phương pháp phân tích vấn đề, trình độ ngoại ngữ ngày càng nâng cao và đi đây đi đó. Sau 14 năm gắn bó, tôi càng yêu công việc của mình".

Theo Minh Dương
Lao động

11 comments:

  1. Đọc mãi không thấy ý kiến của a Hà nhỉ :)

    ReplyDelete
  2. @ Hippo: Anh chờ ý kiến của Hiệp :D

    ReplyDelete
  3. Sao đọc cái này lại cứ liên tưởng tới phim Ngọt ngào và man trá nhỉ, anh Hà nhỉ?

    ReplyDelete
  4. @ Hanna: Một sự liên tưởng ... hehe

    ReplyDelete
  5. Không hiểu sao em lại có ác cảm với 3 phía, một là Đoàn, 2 là bộ ngoại giao, 3 là <cái anh to nhất> không thể nói ra, nói công khai là bị thịt ngay.

    ReplyDelete
  6. I shook Bill Clinton's hand last night, anh Khoa :D

    ReplyDelete
  7. Sry anh, somehow em dinh comment tren blog ban em ma lai click nham vao yours :(( Sry :
    ((

    ReplyDelete
  8. @ Patriot: Anh cũng không hiểu tại sao, :)

    @ VT: How warm was Bill's "hand" on that night ;) ?

    ReplyDelete
  9. Hah,
    Đã phải marketing đến mức này thì không hiểu actual value added được bao nhiêu, anh Hà nhỉ? :D
    Bác có cao kiến gì ko? (hờ hờ)

    ReplyDelete
  10. Toàn dân khoá em (lớp em)... Chắc Mai Phượng cũng biết. Minh Dương này là lớp trưởng, đang làm ở "Ban việc làm" gì gì đó Báo Lao Động ^^
    Dân nhà báo, nói...
    Mà rốt cuộc, đúng hay sai thì phải để những người đã từng kinh qua nhận xét thôi hehe

    ReplyDelete