Monday, 3 December 2007

Đoàn Chuẩn - Màu nắng có bao giờ phai (December 03, 2007)



1. Đoàn Chuẩn là một công tử Hà Thành. Nhạc của ông giống nhạc của Cung Tiến ở chỗ người ta cảm nhận được đầy đủ hỉnh ảnh Hà Nội hào hoa, phong nhã, thậm chí rất Tây, rất Paris. Người ta nói Hà Nội qua "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao hay "Người Hà Nội" của Nguyễn Đình Thi thì là Hà Nội của bom đạn trận mạc với máu và lửa; Hà Nội qua Nhớ Hà Nội của Hoàng Hiệp thì là Hà Nội vất vả nhọc nhằn của thời bao cấp; Hà Nội qua nhạc của Trần Tiến (Hà Nội những năm 2000) thì là Hà Nội của dân nghèo thành thị; Hà Nội qua Khúc hát người Hà Nội của Trần Hoàn thì hừng hực khí thế tiến lên CNXH . Nhưng Hà Nội trong Nhạc Đoàn Chuẩn đích thị là Hà Nội của giới thượng lưu quý tộc. Cũng vì thế mà suốt gần 1 nửa thế kỷ sau khi ra đời, các bài hát của Đoàn Chuẩn bị cấm lưu hành ở miền Bắc. Tài tử Ngọc Bảo sống ở miền Bắc và gắn bó nhiều với các bài hát của Đoàn Chuẩn nhưng hình như ông hoàn toàn không có chỗ dứng trong làng biểu diễn của miền Bắc suốt ngần ấy năm.


2. Đoàn Chuẩn là người Hà Nội, viết về Hà Nội, nhưng công gìn giữ và phổ biến các tác phẩm của ông lại là Sài Gòn và các nghệ sỹ hát nhạc thính phòng của Sài Gòn- Lệ Thu, Khánh Ly, Anh Ngọc, Duy Trác (cũng là gốc Hà Nội, Bắc Kỳ cả), Tuấn Ngọc, Quang Tuấn, Trần Thái Hòa... Sau này khi đất nước thay đổi, thì nghệ sỹ “bên cách mạng” đầu tiên hát và hết sức thành công với các ca khúc của Đoàn Chuẩn là NSND Lê Dung. Sau hoặc cùng thời với Lê Dung có Ánh Tuyết ATB hát cũng rất hay, nhưng có phần copy phong cách và giọng hát “lả lướt” của bà Thái Thanh.


3. Đoàn Chuẩn sáng tác không nhiều, hình như không quá 20 bài. Những năm từ 60 đến tận 2000, ông chỉ dạy đàn guitar và làm biên tập âm nhạc cho Đài TNVN. Chương trình CĐAN hôm vừa rồi nói chung đã sử dụng hết các bài hát của Đoàn Chuẩn, cá nhân tôi chỉ thấy thiếu bài "Màu nắng có bao giờ phai đâu". Bạn gì ở phần comments trên (trong Blog của Khoang Lang) nói rằng bạn tiếc là chương trình hôm vừa rồi không phát nhiều bài mà bạn thích, thì tôi nghĩ là bạn ấy nhầm, có khi lại nhầm bài hát của Đoàn Chuẩn với bài của các nhạc sỹ khác. Cũng phải nói thêm, theo tôi cảm nhận, các bài hát của Đoàn Chuẩn cũng có đặc điểm (không biết là điểm mạnh hay điểm yếu) là giai điệu và ca từ nhiều khi na ná nhau, tới mức khi bất chợt nghe một bài hát của ông tôi thường phải định thần mấy chục giây để xác định xem đó là “Lá thư” hay “Chuyển bến” hay “Lá đổ muôn chiều”. Đại khái nó cũng dễ lẫn lộn, giống như cảm giác khi nghe nhạc Ngô Thụy Miên, hay nghe “phần phối khí” của Phú Quang cho các bài hát của ông.


4. Có một số bài hát của Đoàn Chuẩn được các bên theo các trường phái chính trị khác nhau "tự ý sửa sang" cho phù hợp với niềm tin chính trị của mình. Ví dụ bài "Đường về Việt Bắc", Đoàn Chuẩn viết về Việt Bắc ở nơi đó có vợ con ông (hình như đi tản cư) và lên Việt Bắc thì phải qua đồi núi, sông suối, đại ý là đi lại khó khăn, đó là thực tế địa lý. Thế nhưng các ca sỹ của Sài Gòn ngày xưa và hải ngoại sau này thì không biết cố tình hay vô ý lại cứ hát là "Đường về MIỀN Bắc xa xôi núi đồi...", khiến cho câu hát mang nặng tính chính trị, không khác nào "Miền Bắc điêu tàn nên đời nó khổ" (Nó- Anh Bằng). Tương tự như vậy bài "Gửi người em gái" (tên đầy đủ là Gửi người em gái miền Nam), trong CD Lá đổ muôn chiều, Khánh Ly (ca sỹ mà tôi cho là hát Đoàn Chuẩn lâu nhất và hay nhất) đã bổ sung một đoạn lời biến nội dung của một thông điệp của một người miền Bắc gửi người em đang sống ở miền Nam (hình như là bà Mộc Lan- ca sỹ Mộc Lan) thành nội dung của một lời than van của một người vượt biển, vượt biên!!!

Tất nhiên, số phận của bài Gửi người em gái cũng rất lạ. Bản thân Đoàn Chuẩn cũng viết lời 2 cho bài hát này sau khi đất nước thống nhất. Thế nên mới có câu "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ, cầu chia giới tuyến... đến bên cầu Hiền Lương", thậm chí có cả cụm từ “lớp người Đổi Mới”... Tất nhiên chỉ có các ca sỹ trong nước mới hát lời hai như thế.


5. À, tên của Đoàn Chuẩn còn trở thành một tính từ trong ngôn ngữ “dân gian”: cái này hơi bị “Đoàn Chuẩn” (giống như cách nói: sao mày “Hà Văn Lâu” thế; kiểu này thì chỉ có “Lưu Trần Tiêu”). Sặc!

4 comments:

  1. EL đọc trên báo Đoàn Chuẩn cả đời có 16 bài hát . Bài cuối cùng ông sáng tác tựa đề là Bài ca vĩnh biệt viết tặng người tình cũ ông đưa cô này xem và cô xem xong rồi xé nát sau ông đổi tên thành Bài Ca bị xé bài này hình như chưa có thâu âm chỉ có Ánh Tuyết hát tại phòng trà thôi .

    EL cũng có mấy tấm ảnh hình Đoàn Chuẩn - Từ linh hồi trẻ trông 2 vị rất quí tộc

    ReplyDelete
  2. @ EL: có, Lê Dung có thu âm ở Thụy Sỹ bài đó, lấy tên là Vàng phai mấy lá.

    ReplyDelete
  3. Oài thu âm ở Thụy Sĩ thì chỉ có anh biết hehe

    ReplyDelete
  4. Cậu cảm nhận nhạc Đòan Chuẩn sắc nét thật.
    Có 1 hôm, mình đã bỏ cả buổi để nghe những tác phẩm của ông, đúng là ca từ và âm điệu cứ đều đều và giống nhau thật. Không biết đây là ưu hay nhược nữa.

    ReplyDelete