Thursday, 27 December 2007

Lời ru mùa đông (December 28, 2007)



Voice recording

1. Nhạc hiệu (Phần prelude của Quê hương)

Chương trình ca nhạc Giai điệu quê hương

Kết thúc nhạc hiệu

2. Chào các bạn

Trong chương trình ca nhạc này, chúng ta cùng đến với tiếng hát của Nghệ sỹ Ái Vân.

(Nghe Tiếng mùa xuân, lời 1& ref.)

3. Các bạn vừa nghe Ái Vân trình bày bài hát Tiếng Mùa xuân. Đây là bài hát nằm trong chùm ca khúc mà nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc viết riêng cho giọng hát Ái Vân vào năm 1988.

Trong chùm ca khúc này Ái Vân hát: Tiếng mùa xuân; Hai phía dòng sông; Bên cây trúc đào, Biển mưa, Trăng chiều, và đặc biệt là bài hát Ru con mùa đông, hay còn gọi là Lời ru Mùa đông.

Ái Vân đã hát ca khúc này trong các chương trình ca nhạc trên truyền hình Việt Nam, trong Gala 88, 90, cùng với các ca khúc như Tình ca mùa xuân của Quốc Trung; Khúc ca tuổi trẻ của Lương Minh (song ca cùng Hồng Nhung) và nhiều ca khúc nước ngoài như Triệu đóa hồng, Địa chỉ chúng tôi Liên bang Xô Viết, Đàn sếu, Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế.

Bây giờ chúng ta cũng nghe Ái Vân hát Ru con mùa đông

(nghe nửa đầu)

4. Thực ra khi bắt đầu xuất hiện trước công chúng, Ái Vân thường hát dân ca. Đặc biệt giọng hát của Cô có vẻ phù hợp với các điệu lý Nam Bộ và các trích đoạn cải lương.

Ái Vân thường trình diễn các tiết mục này cùng với các nghệ sỹ như nghệ sỹ Hương Loan, Ái Xuân, Lệ Quyên. Và bây giờ chúng ta cùng nghe một giai điệu như vậy….

(Nghe Tiếng hát quê hương gửi người chiến sỹ)

(Chèn lời giới thiệu: Các bạn đang nghe Ái Vân trình bày Tiếng hát quê hương gửi người chiến sỹ, Dân ca Nam Bộ, nhạc sỹ Dân Huyền viết lời mới)

5. Ái Vân đã bắt đầu nghiệp dĩ bằng những làn điệu đậm đà chất dân ca. Tuy nhiên, khi học thanh nhạc chuyên nghiệp, Ái Vân đã được đào tạo theo dòng thính phòng cổ điển. Ở dòng nhạc này, với giọng nữ cao (soprano) trong sáng và đặc biệt rất nồng nàn, trong những năm 77, 78, 79, Ái Vân đã trở thành ca sỹ không có đối thủ với các ca khúc như: Tổ quốc yêu thương (1977) của Hồ Bắc; Những cánh buồm (1979) của Hoàng Vân, Tình đất đỏ miền Đông của Trần Long Ẩn. Đặc biệt, bài Nha Trang mùa thu lại về của nhạc sỹ Văn Ký đã đi liền với tên tuổi của Nghệ sỹ Ái Vân:

(Nghe Nha Trang mùa thu lại về: nửa đầu)

6. Bạn yêu nhạc cũng như giới chuyên môn như NSND Thanh Hoa, NSƯT Đức Long đều cho rằng giọng hát Ái Vân đặc biệt phù hợp với ca khúc Dâng Người tiếng hát mùa xuân (thu thanh vào tháng 9-1979) của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương.

Nhạc sỹ Trần Đức trong lời bình bài hát này ở video "Giới thiệu giọng hát NSƯT Ái Vân" trên VTV vào năm 1990 đã nói đại ý rằng “trong suốt những năm tháng tuổi thơ, Ái Vân đã được sống trong vòng tay yêu thương của Bác Hồ, vì thế chỉ có Cô mới có thể hát Dâng Người tiếng hát mùa xuân hay đến như vậy.

Trước và sau Ái Vân giường như không có ai hát bài hát này thành công bằng Cô . Gần đây, giọng hát Hồng Vy trong CD Vinh quang Việt Nam cũng được đánh giá tốt.

(Nghe Hồng Vy hát Dâng Người tiếng hát mùa xuân)

Thật không công bằng khi đem giọng hát Ái Vân ra để so sánh với giọng hát Hồng Vy. Hai người thuộc hai thế hệ khác nhau và đẳng cấp thanh nhạc cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu như đã từng nghe Ái Vân hát bài này và nghe phần phối khí đi kèm theo thì sẽ thấy Hồng Vy mới chỉ dừng lại ở một giọng hát có kỹ thuật, trau truốt. Hồng Vy cũng có giọng nữ cao nhưng giọng của Cô còn mảnh, yếu và hát giả thanh không sắc. Hơn nữa, Hồng Vy thiệt thòi hơn Ái Vân vì không có hoàn cảnh lịch sử cụ thể để thổi hồn vào bài hát.

Với giọng hát Ái Vân, người ta thấy được sự trong sáng, tinh khôi, và rất thiết tha, nồng nàn. NSND Thanh Hoa đã nói, "Ái Vân hát Dâng Người tiếng hát mùa xuân rất đúng chất con gái Hà Nội, rất đáng yêu".

(Nghe Ái Vân hát nửa cuối Nha Trang mùa thu lại về, bắt đầu từ “Mùa thu sang anh cùng em lên đường…”)

7. Những thanh niên, sinh viên thuộc thế hệ chống xâm lược trong chiến tranh biên giới phía Bắc thì lại thấy Ái Vân hết sức đặc biệt với bài hát Hãy cho tôi lên đường của nhạc sỹ Thuận Yến.

Nghe lại băng thu thanh mà Ái Vân thực hiện đúng vào năm 1979, các anh chị thanh niên của thời kỳ đó (giờ đã ở vào tuổi 50) đã bồi hồi nhớ lại thời tuổi trẻ tràn đầy hoài bão và lý tưởng của họ.

(Nghe Hãy cho tôi lên đường; từ đoạn 2, chế độ âm thanh background):

Theo các anh chị ấy, trong suốt những năm tháng căng thẳng đó, giọng hát Ái Vân với Hãy cho tôi lên đường, cùng với các giọng hát như Vân Khánh, Ngọc Tân, Tiến Thành, Huy Hùng, Đăng Khoa, Phan Huấn, Huy Giảng với hàng trăm ca khúc như: Mẹ ơi con lên đường, Tiếng đàn bên bờ sông biên giới, Chiến đấu vì độc lập tự do, Bài ca biên giới anh hùng, Đường lên biên giới v.v đã truyền lửa cho cả một thế hệ thanh niên, sinh viên, và động viên họ hăng hái xung phong ra mặt trận tiêu diệt quân thù, bảo vệ biên cương Tổ quốc...

( kết thúc bài Hãy cho tôi lên đường, tăng volume của background: “Hãy cho tôi lên đường, cho tôi lên đường”)

8. Từ nền tảng thính phòng- cổ điển, Ái Vân đã chuyển sang hát theo phong cách nhạc nhẹ, trở thành thế hệ tiếp nối của những Vũ Dậu, Thúy Hà, Mạnh Hà và là thế hệ đầu đàn của Đoàn Ca nhạc nhẹ trung ương.

Ở dòng nhạc này, với ca khúc Bài ca xây dựng (thực chất là phong cách semi-classic) của Hoàng Vân và Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế (bài hát Đức), Ái Vân đã giành Giải thưởng lớn tại Liên hoan Âm nhạc quốc tế Dresden tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1984, Ái Vân trở thành ca sỹ đầu tiên của dòng nhạc nhẹ được phong danh hiệu Nghệ sỹ ưu tú. Năm đó Cô vừa tròn 30 tuổi.

Bây giờ chúng ta cũng nghe giọng hát Ái Vân trong phong cách nhạc nhẹ:

(Nghe Địa chỉ chúng tôi,nửa bài)

9. Lời ru mùa đông có thể không phải là ca khúc xuất sắc nhất của Ái Vân. Tuy nhiên bài hát đó, cũng như chùm ca khúc của Đặng Hữu Phúc đã được Ái Vân hát vào lúc đỉnh cao của Cô ở phong cách nhạc nhẹ. Vì thế cho tới nay nó là bài hát được nhiều thính giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau biết đến hơn cả.

Lời ru mùa đông cũng được hát vào lúc có những biến cố trong đời sống riêng tư và sự nghiệp của Ái Vân. Có lẽ vì thế mà Ái Vân đã rất gắn bó với bài hát này.

Sau này khi sang định cư ở Đức, rồi Hoa Kỳ, cộng tác với các trung tâm băng nhạc hải ngoại, Ái Vân đã chuyển sang hát nhiều ca khúc trữ tình phổ biến trước đây ở miền Nam. Đồng thời Cô cũng trở lại với nhiều làn điệu dân ca và ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Do hoàn cảnh thay đổi nên có nhiều ca khúc Ái Vân đã không hát lại nữa. Tuy nhiên người ta vẫn thấy Ái Vân thủy chung với Lời ru mùa đông. Cô đã hát bài này trên sân khấu hải ngoại. Cô đã hát cho bạn bè nghe trong những cuộc hội ngộ. Khi trở lại Việt Nam và tái ngộ với khán giả truyền hình quê nhà trong dịp Tết Nguyên Đán Đinh Hợi , Cô cũng hát lại Lời ru mùa đông.

"Nào ngủ đi con, mùa đông đang tới ngoài hiên..."

Sau ngần ấy năm trời, với biết bao thăng trầm của đời sống, của thời cuộc, người ta thấy giọng hát Ái Vân vẫn còn tha thiết lắm, vẫn sáng trong như pha lê, vẫn dịu dàng, đằm thắm, và vẫn rất Hà Nội.

Để kết thúc chương trình ca nhạc này, mời các bạn nghe lại một lần nữa “Lời ru mùa đông” của Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc với tiếng hát Ái Vân. Băng âm thanh được thực hiện tại Hà Nội, tháng 3 năm 1988.

Xin chào tạm biệt.

(Nghe đoạn 2 từ chỗ: Nào ngủ đi con … cho đến hết bài)

7 comments:

  1. Ai vay ta??? ban cung phong co quan diem cua ban cung phong...

    ReplyDelete
  2. ah...Giờ mới biết anh Hà :D...Mà sao hôm đi biểu tình ko thấy anh nhỉ??? Tinh thần khí thế hừng hực cơ mà???

    ReplyDelete
  3. @ MTH: "Mặt trời chưa bao giờ mọc như thế" bây giờ còn kiếm được ở đâu ko nhỉ? Hồi ấy xem TV, thấy AV hát, rồi có lúc còn ngồi xuống thềm, là bốc lắm rồi :)

    ReplyDelete
  4. @ Anh Linh: Cái băng hình thì trong VTV vẫn còn, em nghĩ thế. Nhưng cái bản mà Ái Vân hát ở Dresden thì Ái Vân tìm cũng chưa ra, nhưng em nghĩ tây họ lưu tốt mặc dù sau 89 thì cũng khó khăn hơn. Bao giờ có nhất định em gửi bác nghe :)

    ReplyDelete
  5. Em mới chỉ nghe Ái Vân hát Ru con mùa đông một lần trên TV, và cũng chỉ biết có Trăng chiều với Ru con mùa đông của bác Phúc (chắc 2 bài này là nổi tiếng nhất).

    Không biết bây giờ Ái Vân có còn là NSUT không nhỉ

    ReplyDelete
  6. AV ko làm gì quá... xằng bậy, nên chắc vẫn là NSƯT chứ nhỉ? :)

    ReplyDelete