Monday, 11 December 2006

Nhặt sạn trong âm nhạc (December 11, 2006)

CHUYỆN VUI GIỜ MỚI KỂ

Còn nhớ phiên bản đầu tiên của Trò chơi âm nhạc trên truyền hình có tiết mục ‘Nhặt sạn trong âm nhạc » do GS Tô Ngọc Thanh phụ trách.. Đừng hiểu nhặt sạn ở đây là soi mói, bới bèo ra bọ. Đơn giản, đó chỉ là một trò chơi. Nhưng công nhận, cứ nhặt mãi thì lấy đâu ra sạn mà nhặt nữa !Chắc vì lý do đó mà tiết mục này tuy khá vui nhưng tồn tại không được lâu.

Cách đây chừng một năm, trong một buổi tán gẫu với NSND Thanh Hoa và CS Đức Long ở Paris, mọi người cũng thi nhau « nhặt sạn » trong các ca khúc Việt Nam. Những hạn sạn quả thực đem đến cho mọi người những trận cười vỡ bụng, thâu đêm. Nay xin liệt kê lại để quý bác, quý cô, quý anh, quý chị khi đi karaoke hay hội diễn « văn nghê quần chùng » thì để ý một tí nhé :

  1. Mặc cho nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu nỗ lực gìn giữ nguyên tác, NSƯT Măng Thị Hội vẫn nhất định không chịu hát « BUỔI sáng em làm rẫy, thấy bóng cây K’nia » mà tự ý đổi thành « TRỜI sáng, em làm rẫy… » .
  2. Trong bài hát « Tình ca mùa xuân » của nhạc sỹ Trần Hoàn, bản gốc có câu « Nghe đâu từ sâu thẳm, đất CỰA mình sinh sôi ». Về cách dùng từ thì CỰA MÌNH là một từ rất đắt. Tuy thế khi tập bài này, Trọng Tấn không làm sao phát âm được từ CỰA mà không biến dấu nặng thành dấu hỏi. Hoảng quá, Thanh Hoa xin phép Trần Hoàn thay từ CỰA thành từ CỦA để hát cho chắc ăn.
  3. Trong bản gốc của « Con kênh ta đào », nghe nói Phạm Tuyên không đặt dấu luyến ở từ « BUỔI » trong câu « ngay buổi đầu anh đã thấy cả đồng xanh ». Tuy nhiên khi Ngọc Tân xướng câu này lên trong phòng thu Đài TNVN, mọi người bỗng phì cười, còn Ngọc Tân thì ngơ ngác chẳng hiểu sao. Hỏi ra mới biết, khi hát lên thì dấu HỎI trong từ này lại bị thay ngay thành dấu HUYỀN giống hệt trường hợp « Bóng cây K’nia ». Ngay lập tức dấu luyến được thêm vào từ này để đảm bảo an toàn cho Ngọc Tân.
  4. Còn trường hợp này thì nhạy cảm quá vì đây là bài hát ca ngợi Đảng. Khi tập « Màu cờ tôi yêu » của Phạm Tuyên, Lê Dung mới chân ướt chân ráo từ Đoàn văn công tả ngạn về Hà Nội. Giọng hát của cô khi đó cực kỳ bản năng, chứ không phô diễn kỹ thuật nhiều như sau khi cô đi học Liên Xô về. Vừa xướng lên câu đầu tiên, cặp song ca Lê Dung- Thanh Hoa đã làm cho mấy ông trong ban biên tập đỏ hết cả mặt. Chả là câu đó thế này « Hồng như màu của bình minh, đỏ như MÀU MÁU CỦA MÌNH em ơi». Từ CỦA ở đây mà phát âm không chuẩn thì bằng giết nhau còn gì. Cái này có khi còn có thể bị liệt vào tội « khi quân » !!!
  5. Lại có những chi tiết phải chờ đến sự xuất hiện của ngôn ngữ 8x, 9x thì mới trở thành … sạn. Bây giờ các bạn 8x, 9x hay dùng từ « bó tay ». Nghe đâu có cả bài hát tên là « Bó tay » và bài này bị công kích dữ dội lắm. Thực ra cách đây 30 năm nhạc sỹ An Thuyên đã dùng từ này trong bài hát của mình một cách hết sức tự nhiên và bài hát này cũng đã trở thành một bài hát đi cùng năm tháng. Đó là bài « Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác » với câu « …mà trước cuộc đời đành BÓ TAY ». Không ai có thể vượt được NSND Thanh Hoa trong việc thể hiện ca khúc này. Nhưng có lẽ do người phối khí và cũng có thể do tuổi tác mà NSND Thanh Hoa đã không thể vượt được chính cái bóng của mình khi thể hiện lại ca khúc này trong CD Vol.4 « Bác Hồ tình yêu bao la » mới phát hành gần đây. Khi xưa, từ « bó tay » được hát liền với cụm từ « mà trước cuộc đời đành » nên nó không là điểm nhấn. Nhưng nay, nốt nhạc ở từ « đành » được kéo dài ra, tạo thành một khoảng ngân, rồi sau đó bất chợt nhấn vào từ « BÓ TAY ». Nghe đến đây, một cô bạn 8x thốt lên : « Ôi nghe TH hát BÓ TAY kìa ! ». Bó tay !

Chuyện vui giờ mới kể./.

2 comments:

  1. Boc tem cai cho may man nhe hehehe. Dao nay co ve thong the nhi heheheh. Nhat tiep de hehehee.

    ReplyDelete
  2. Em đọc xong cũng thử hắng giọng ngân nga "BUỔI SÁNG EM LÀM RẪY..."? thì đúng, công nhận không thể là dấu hỏi được!!!
    Mấy vụ "của mình, của bác" thì em miễn bình luận rồi, của...ai cũng thế thôi.

    ReplyDelete