Trò chuyện với nhà ngoại giao "ít nói dối" | ||
00:44' 22/02/2007 (GMT+7) | ||
(VietNamNet) - Trong năm 2006 vừa rồi, cùng với một số nhân vật nổi tiếng, bà Tôn Nữ Thị Ninh xuất hiện nhiều trên truyền thông trong chùm sự kiện liên quan đến việc Việt Nam gia nhập WTO. Đã có những cách nhìn nhận đánh giá khác nhau về vai trò của bà, cũng như của những người này, trong dòng thời sự của cuộc vận động. Nhưng, tựu trung, bà vẫn được coi là một nhà ngoại giao, và trước hết là một phụ nữ, thông minh, sắc sảo, và, đặc biệt, rất có chính kiến, cũng như dám công khai bộc lộ chính kiến của mình. Cũng với một cách nhìn thẳng vào vấn đề như vậy, bà đã nói với VietNamNet về quan niệm làm ngoại giao, và quan niệm về phụ nữ, trong thời đại hội nhập.
Tôi không hợp kiểu phát ngôn bài vở sẵn Cựu Đại sứ Mỹ tại VN "Pete" Douglas Peterson có nói rằng rất ấn tượng với lần Bà lên phát biểu trên truyền hình ở New York hồi cuối năm 2004. Bà có thể kể lại đôi chút về kỷ niệm đó không? Tôi không nhớ đâu. Cứ ở đâu tôi quảng bá được cho Việt Nam thì tôi nhận lời tất. Có nhiều người ngại. Tôi từng nói rằng thời chiến tranh mình dũng cảm tiến công như thế, sao bây giờ thời bình mình lại phòng ngự thế. Tôi không hợp với kiểu phát ngôn của Bộ Ngoại giao, tức là bài vở sẵn hết rồi, chắc nịch từng câu chữ, không được thêm nửa lời. Anh theo dõi thì thấy người phát ngôn Nhà Trắng cũng chỉ phát biểu những câu cộc lốc đã chuẩn bị trước, còn ai hỏi thêm nói: “Tôi chỉ có quyền nói đến thế.” Rồi quay phắt lưng đi. Ý bà là... Ý tôi là nếu cho công tác thông tin đối ngoại của mình chỉ bó gọn vào người phát ngôn BNG, và nay có thêm người phát ngôn của Thủ tướng, là đủ, thì hoàn toàn là ngộ nhận. Đó chỉ là một trong nhiều binh chủng cùng tham gia một mặt trận. Tôi nghĩ tôi thuộc "lực lượng triển khai linh hoạt", như người ta thường gọi. Và như vậy, có thể coi việc Bà chuyển sang Quốc hội là một sự may mắn với Bà? Cũng có một vài bạn bè cứ tiếc rằng giá mà tôi cứ tiếp tục trụ trong ngành ngoại giao. Về đây, tôi vẫn làm công tác đối ngoại, nhưng cái thú vị ở đây là nhiệm vụ đàm phán ký kết thoả thuận gì gì đó thì hầu như không còn nữa. Cái mà tôi cho là mình được phát triển nhiều hơn là công tác thông tin đối ngoại. Trên thực tế, khi nước ngoài họ được giới thiệu rằng trước mặt họ là một nhà ngoại giao thì họ không chờ đợi gì nhiều từ sự đổi mới, hay một bộ mặt mới. Còn quốc hội qua lăng kính của họ là một định chế khá mới mẻ, và thú vị. Khi thì bà đi với tư cách là một nghị sĩ, Phó Ban Đối ngoại Quốc hội, khi thì với tư cách một học giả. Bà đánh giá mình hiện giờ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, hay là một nhà ngoại giao nhân dân? Nhà nước bao gồm chính phủ và quốc hội, cho nên đối ngoại của quốc hội là một binh chủng, nhỏ thôi, bên cạnh cái binh chủng lớn là ngoại giao của chính phủ. Ngoại giao chính phủ nó rất gò ép, còn ngoại giao nhân dân thì thoải mái hơn nhiều. Ngoại giao quốc hội có cái gì đó nằm giữa hai cái đó. Tôi đã từng nói với một thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, rằng "các ông cứ trách việc VN phản đối việc Mỹ vào Iraq. Ông mới nghe chính phủ thôi, chứ ông có muốn nghe cử tri của tôi nói gì không về hành vi của Mỹ không?" "Tháng 3 Mỹ đánh, thì tháng 4 tôi đi tiếp xúc cử tri, và có một cựu chiến binh đã thắc mắc rằng Chính phủ VN phản đối không đủ mạnh", tôi trả lời luôn. Như vậy, làm đối ngoại quốc hội dễ nói hơn, vì có thể truyền đạt lại ý kiến cử tri, nhân danh cử tri, nên đỡ gò ép, hay phải cân nhắc quá mức. Nói tóm lại, đối ngoại quốc hội làm cho đối ngoại của VN nhiều màu sắc, uyển chuyển hơn. Hơn nữa, chúng tôi cũng dễ kết hợp hơn với ngoại giao nhân dân, tức là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, hay các đoàn thể quần chúng khác. Từ khi về phụ trách Quốc hội Bắc Mỹ, tôi tự đặt cho mình một câu hỏi: Về đây tôi sẽ là cái gì? Quốc hội cần làm gì để đổi mới, và tôi có thể tham gia như thế nào? Trong công cuộc Đổi Mới của VN, người ngoài thường đánh giá nhiều ở quá trình dân chủ hoá, và quốc hội có thể là minh chứng cho điều đó một cách thuyết phục và sinh động nhất. Nhưng thực chất mình phải làm hay thì mới nói hay được, chứ mình làm dở thì nói hay cũng khó, chỉ nguỵ biện thôi. Ai cũng công nhận rằng những người làm thông tin trên thế giới này cũng sử dụng một phần nguỵ biện, nhưng nguỵ biện có nghệ thuật. Tôi đã từng nói với sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế rằng một nhà ngoại giao giỏi, cũng như là một nhà truyền thông giỏi, phải ít nói dối, càng ít càng tốt. Quan điểm ngoại giao "truyền thống" đã lỗi thời Điều đó khác hẳn với định nghĩa rất "classic" về nhà ngoại giao, tức là “nhà ngoại giao là người trung thực, được cử ra nước ngoài nói dối, vì lợi ích quốc gia”? Nhà ngoại giao, theo quan điểm của tôi, phải cố gắng trung thực tối đa, như mọi con người lành mạnh và tốt đẹp. Nhưng sự khác nhau giữa nhà ngoại giao và những người làm công việc khác như thống kê, hay bán hàng, là nhà ngoại giao phải thể hiện sự trung thực của mình một cách toàn diện, sâu sắc, chứ không phải trung thực một cách hồn nhiên. Hay như cánh truyền thông các anh hay nói: Một nửa sự thật không phải là sự thật. Sự trung thực một cách sâu sắc đó đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phương pháp, nghệ thuật và một phần năng khiếu bẩm sinh nữa. Như vậy, sự ý thức đó trở thành phản xạ, rất tự nhiên. Lần đó Bà tự nói, hay sinh viên họ chủ động hỏi Bà? Họ hỏi chứ. Câu hỏi như sau: “Trong đời làm ngoại giao của bà, đã bao giờ bà nói dối chưa?” Tôi trả lời: "Đương nhiên. Nhà ngoại giao cũng là con người, mà đã là con người, liệu có ai trên thế gian này dám vỗ ngực bảo mình chưa từng nói dối không?" Tuy vậy, tôi vẫn cho nói dối là hạ sách. Tôi tránh ở mức tối đa, mà thay vào đó bằng việc nói ít, nếu không thể nói hết sự thật. Còn nếu hoàn toàn không thể nói sự thật thì tôi làm thinh hoặc tránh. Lúc đó, phải có nghệ thuật lách. Bà có nhớ trường hợp nào người ta dồn bà, khiến bà không thể "lách" được? Người ta thắc mắc là tại sao VN chưa quan hệ với Vatican, một nhà nước có quan hệ với hơn 100 nước trên thế giới. Tôi trả lời rằng các thứ trưởng, bộ trưởng của Vatican hàng năm vẫn đến VN, và các giám mục của VN vẫn đi dự hội nghị của Vatican ở Rome đấy thôi. "Thế còn TQ thậm chí không có bất cứ quan hệ gì với Vatican thì sao?", tôi hỏi lại họ, trong sự so sánh. Tôi thường chọn cách đi vào lịch sử, nói về bối cảnh xã hội, hay nhân tố văn hoá để lý giải một vấn đề mà tôi không thừa nhận là hay, hoặc không hay, đúng hoặc không đúng. Chủ yếu là giúp cho người ta hiểu hoàn cảnh của nó để bớt bức xúc đi, hoặc để người ta hiểu rằng cách làm của VN cũng có cơ sở riêng của mình. Hay, chẳng hạn, họ hỏi về vấn đề Vatican phong giám mục phải được sự chấp thuận của Chính phủ VN, và gần đây khá hơn là sự thoả thuận với Chính phủ. Họ bảo đó là chuyện nội bộ của Nhà thờ, chứ dính dáng gì đến nhà nước. Tôi nói rằng quan hệ giữa nhà nước và tín ngưỡng là quan hệ giữa nhà nước và một tổ chức xã hội, bởi nhà thờ cũng là một lực lượng xã hội có tổ chức. Mối quan hệ này phải được xác lập trên một số qui tắc rõ ràng theo luật lệ và luật pháp của từng nước. Rồi tôi lấy luôn ví dụ ở Bỉ, địa bàn tôi làm việc. Hoá ra mấy ông linh mục ăn lương của nhà nước, còn VN thì linh mục thì không. Đã chấp nhận thực tế của Bỉ, tại sao lại không chấp nhận thực tế ở VN, bởi nước nào cũng có quá trình lịch sử riêng? Thậm chí có những nước quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo đầy đẫm máu, như châu Âu chiến tranh cả trăm năm về tôn giáo. Ối giời ơi, thiếu gì những vụ đẫm máu, như Thập tự chinh chẳng hạn. Phản ứng của họ ra sao? Mình cũng đừng ảo tưởng đến mức là mọi câu trả lời của mình với chất vấn của họ là thuyết phục được họ ngay đâu. Nhưng chí ít mình cũng cũng tranh thủ thiện cảm của họ về sự cởi mở, thái độ thẳng thắn, không né tránh của người VN. Tất nhiên, VN ta cũng có những cái không thể cởi mở như phương Tây. Cách đây mười mấy năm tôi cũng bị bạn bè Mỹ hỏi về vấn đề đồng tính luyến ái. “Cu Ba thì kinh lắm, trong luật cấm đoán rất chặt, còn VN thế nào nhỉ?”, họ hỏi. Tôi nói rằng việc này chưa phổ biến để trở thành một vấn đề mà cả xã hội phải bận tâm, bức xúc. Còn nếu rằng ai đó mà bảo VN đưa vấn đề này ra bàn để đưa vào trong luật, thì tôi e rằng VN cũng hơi giống Cu Ba. Người ta cười rất thú vị, mặc dù người hỏi là người chủ trương theo kiểu phương Tây. Tôi hiểu vai trò của tôi là giúp cho họ có một cách nhìn khách quan hơn, đỡ định kiến hơn, sát với thực tế VN hơn, và dần dần có thiện cảm hơn với VN. Chứ tôi kém về số học lắm, không nhớ nổi các con số thống kê, hay tài giỏi như đồng chí Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng KHĐT) nhớ từng con số cụ thể. Nhưng luôn cố gắng nắm được ý lớn của vấn đề. Nhiều đàn ông trên 55 có hơn gì phụ nữ đâu Trong cuộc vận động để phụ nữ tham gia lãnh đạo, VN đã có không ít thứ, bộ trưởng, thậm chí cao hơn, là nữ. Trong khi đó ngành ngoại giao lại không có. Có những ý kiến cho rằng phụ nữ VN rất có năng khiếu về ngoại giao. Một minh chứng rõ nhất là trước năm 1976 ta đã có một Bộ trưởng Ngoại giao (Chính phủ Lâm thời CHMNVN) lừng lẫy. Như Bà chẳng hạn, hiểu biết, kinh nghiệm, và uy tín quốc tế đâu có kém cạnh gì ai? Xin cám ơn anh. Nhưng đừng hỏi tôi, khó nói cho tôi, mà phải hỏi các cấp lãnh đạo cao hơn chứ. Anh biết rồi đấy, ở một vị trí cao nhất định, có nhiều nhân tố lắm, chứ đâu phải chỉ làm việc hết mình, làm đúng chuyên môn, và đóng góp nhiều. Nhưng tôi rất thoải mái vì tôi tin rằng ở đâu tôi cũng làm được việc. Ngày mai nếu người ta bố trí tôi ở vị trí thấp hơn mà tôi thấy làm việc tốt hơn, chủ động hơn, thì tôi cũng chấp nhận luôn. Còn cao hơn mà tôi thấy không nên thì tôi cũng không nhận lời. Đó là vấn đề của cá nhân bà. Nhưng với tư cách là đại diện cho phụ nữ, những người đang cố gắng đấu tranh để có được sự đánh giá và đối xử công bằng hơn so với nam giới trong xã hội, bà nghĩ thế nào. Nếu tự mình cảm thấy xứng đáng ở một cương vị nào đó bà có dám "lobby", theo nghĩa tích cực của từ này, để có thể có được vị trí mà, theo bà, bà sẽ làm tốt hơn người khác không? Câu trả lời của tôi là chưa bao giờ tôi lobby cho tôi để có vị trí này hay vị trí khác. Công việc cứ tới, thấy hợp thì tôi nhận, không hợp thì thôi. Tôi luôn sẵn sàng lobby cho công việc, cho cái chung của phụ nữ, còn tự lobby cho mình thì chịu. Chẳng hạn mười mấy năm nay rồi, không phải là vận động đâu mà tôi đấu tranh hẳn hoi cho việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của các nhà khoa học, nhà quản lý và trí thức nữ. Tôi hiện nay lại có một thuận lợi nữa là đã qua cái tuổi hưu hành chính rồi, ở Quốc hội người ta không áp dụng cái tuổi hưu hành chính theo kiểu “máy chém”), nên tôi có thể phát biểu thoải mái. Ta cũng phải hiểu là qui định này được ban hành thời chiến tranh, lúc đó nữ trí thức, khoa học và quản lý không được nhiều, mà số đông là chị em lao động chân tay. Tôi nghĩ chị em lao động chân tay vất vả hơn, sức khoẻ suy giảm nhanh hơn, thì việc được nghỉ hưu sớm hơn với tỷ lệ lương hưu như đàn ông là hợp lý. Tôi đã đề nghị ở các hội thảo, diễn đàn công thức sau đây: Về mặt pháp lý, ta hãy làm như thế giới là nam và nữ bình đẳng về tuổi hưu, còn ưu ái quan tâm đến phụ nữ là cho phép những chị em vì lý do sức khoẻ, hay riêng tư nào đó, muốn nghỉ thì làm đơn. Cái ưu ái lúc đó sẽ được thể hiện, mà không xúc phạm chị em trí thức, và cũng không áp đặt với chị em lao động chân tay. Có ý kiến phản biện cho rằng như vậy thì tốn kém. Tôi cho rằng sự tiết kiệm về lương đấy nhỏ nhặt lắm, theo kiểu “cây kim sợi chỉ”, so với bao nhiêu cái phung phí khác, trong khi đó người phụ nữ trí thức đó lại đóng góp được rất nhiều trong 5 năm đỉnh cao về kinh nghiệm và trí tuệ của mình. Còn nếu nhà nước muốn tiết kiệm, tôi đề nghị một cách tiết kiệm rất hay, rất bình đẳng: Cả nam và nữ nghỉ hưu ở tuổi 58! Tốt chưa? Chứ tại sao chị em phải hy sinh để tiết kiệm một chút ngân sách cho nhà nước, đàn ông cũng phải đóng góp vào đó chứ. Tôi thấy nhiều người đàn ông trên 55 mà năng lực có hơn gì phụ nữ đâu. Xin cảm ơn bà!
|
Thursday, 22 February 2007
Cô Ninh (February 23, 2007)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
ReplyDeleteHình như đây là thần tượng của anh Hà hay sao ấy nhể?
:D
oh, bai nay hay qua. Minh cung rat thich co Ninh. Nhung minh cung thich co Thanh nua. Cai minh thich nhat o ngoai giao co le la Ngoai giao Tam Cong. Thu gui ban mot bai xem sao duoc khong?
ReplyDelete