Đêm chung kết Sao Mai 2009 khu vực phía Bắc vừa khép lại. Vòng chung kết khu vực Miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam sẽ diễn ra trong hai tuần tới đây. Các thí sinh có may mắn được vào vòng chung kết toàn quốc sẽ gặp nhau tại thành phố Tuy Hòa trong một vài tuần tới.
Vẫn còn quá sớm để có những nhận xét tổng quát về giải Sao Mai năm nay. Tuy nhiên cảm giác “không đã cơn khát” hay “thiếu sự bùng nổ” trong dòng thính phòng của vòng thi vừa qua là cảm giác chung của nhiều khán, thính giả trung thành với dòng nhạc này. Việc lẫn lộn giữa thính phòng với nhạc nhẹ, cách hiểu hơi dễ dãi về cái gọi là bán cổ điển hay thính phòng trữ tình (semi-classic), sự thiếu vắng các ca khúc mang tính thính phòng đích thực trong khi lại giữ thái độ khắt khe thái quá với việc trình diễn những tác phẩm thính phòng kinh điển, đã đặt ra những vấn đề về xu hướng ứng xử với dòng nhạc này của tất cả các đối tượng liên quan, từ giới chuyên môn cho tới công chúng thưởng thức. Phải chăng chúng ta chưa định hình được một phép ứng xử phù hợp với dòng nhạc này trong khuôn khổ một cuộc thi?
Theo dõi giải Sao Mai trong những năm vừa qua, không ai có thể phủ nhận một điều là nhiều ca khúc được coi là các tác phẩm kinh điển của thanh nhạc Việt Nam, sau nhiều năm “đo ni đóng giày” với các giọng hát đi cùng năm tháng và làn sóng điện của đài Tiếng nói Việt Nam, đã có cơ hội được tái sinh và trở lại đời sống văn nghệ một cách tự nhiên và sống động như Tiếng đàn bầu, Tôi là người thợ lò, Người Hà Nội v.v. Nhưng sau đó không lâu, cảm giác nhàm chán bắt đầu xuất hiện trong những người theo dõi cuộc thi, nhất là khi cuộc thi này đã trở thành một sinh hoạt định kỳ với khoảng cách giữa hai cuộc thi không quá xa và với số lượng thí sinh tham dự không ngừng tăng lên. Không chỉ dừng lại ở đối tượng là công chúng thưởng thức, cảm giác nhàm chán này dường như lan sang cả giới chuyên môn, những theo dõi, đánh giá và bình luận về cuộc thi, khiến họ trở nên khắt khe với các thí sinh, thể hiện qua những nhận xét thiếu sự hào phóng, thiếu thỏa mãn và luôn so sánh, hoài cổ của họ.
Đối với các thí sinh, dường như họ cũng thấy “ngại” các ca khúc này và bắt đầu chuyển hướng, tìm kiếm sự thành công trên mảnh đất mới hơn với các tác phẩm rất mới mang tính bán cổ điển, cổ điển pha trữ tình. Mảnh đất mới ấy đã giúp Lê Anh Dũng đăng quang một cách ngoạn mục trong giải Sao Mai 2007. Tuy nhiên, đến vòng chung kết giải Sao Mai 2009 khu vực phía Bắc, khán giả bắt đầu lo ngại về sự bỏ bê dòng nhạc thính phòng kinh điển và việc lạm dụng dòng bán cổ điển, trữ tình. Việc không thể xác định nổi dòng nhạc mà hai trong số ba ca sỹ thuộc Top-3 của dòng thính phòng đã chọn trong đêm chung kết miền Bắc vừa qua là nhạc nhẹ hay thính phòng, và việc thí sinh Lê Xuân Hảo, một thí sinh hát thính phòng bằng giọng hát và phong cách hết sức chỉn chu và truyền thống tiếp tục nhận được những đánh giá hết sức khắt khe của các chuyên gia, càng cho thấy đã đến lúc cần xem lại cách chúng ta đang ứng xử với dòng nhạc này.
Có người cho rằng, Sao Mai và những người tổ chức cuộc thi này biết thích nghi với công chúng. Quả là trong một cuộc thi mà tính chất quảng bá với công chúng lớn như Sao Mai thì việc lắng nghe phản hồi của dư luận là việc làm cần thiết. Thực tế, ban tổ chức Sao Mai đã thể hiện sự nhạy bén và chú trọng của mình đối với thị hiếu của số đông khán thính giả qua việc phát triển thêm giải Sao Mai Điểm Hẹn, được tổ chức trong các năm chẵn, nhằm phục vụ nhu cầu dự thi và phát triển các phong cách khác nhau của riêng dòng nhạc nhẹ, cũng như tạo ra sự tương tác nhất định giữa cuộc thi và công chúng. Tuy vậy, với những dòng nhạc có tính chất học thuật, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao như dòng thính phòng thì những cuộc thi như Sao Mai còn có một vai trò khác rất quan trọng, đó là hướng dẫn thị hiếu, phát triển những xu hướng thẩm mỹ phù hợp cho công chúng. Nói cách khác, công chúng cũng cần được bổi bổ kiến thức và trở nên “chuyên nghiệp” hơn sau những cuộc thi như thế này. Khác với Sao Mai Điểm Hẹn, Ban tổ chức giải Sao Mai không nên chịu sự tác động bởi đòi hỏi của thị trường và càng không nên thỏa hiệp những giá trị đã được khẳng định, gắn liền với dòng nhạc kén người nghe như dòng nhạc truyền thống, thính phòng.
Có lẽ với các ca khúc đã được coi là tác phẩm kinh điển, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, thì không bao giờ có cái gọi là “nhàm chán”. Thậm chí việc “làm mới” vốn được nhiều người coi là một tiêu chí trong sáng tạo nghệ thuật nói chung thì cũng là một việc làm cần tính toán kỹ hơn khi ứng xử với dòng nhạc đã được coi là kinh điển, tương tự như việc người ta không nên khuyến khích “làm mới” các di tích lịch sử. Nghệ sỹ Nhân dân Trung Kiên, một trong ba khách mời tại trường quay S1 của VTV trong đêm chung kết vừa qua nhiều lần nhắc tới sự cần thiết phải có sự hội tụ đầy đủ cả giọng hát lẫn cách chọn bài, xử lý ca khúc và phong cách trình diễn dòng nhạc thính phòng. Âu đó cũng là tiêu chí chung cho sự thành công của bất kỳ tiết mục thanh nhạc nào. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, với dòng nhạc thính phòng thì tiêu chí giọng hát phải được chú trọng hàng đầu. Cùng với giọng hát là việc dàn dựng, hòa âm, phối khí, sử dụng dàn nhạc sao cho hợp lý, không thể để tình trạng “xập xình” quá đơn giản và lộ liễu như trong đêm chung kết miền Bắc vừa qua.
Với những ca khúc kinh điển của Việt Nam mà các thí sinh hay sử dụng để dự thi Sao Mai trong nhiều năm qua, có thể nói hát thế, chứ hát nữa, hát mãi cũng chưa thể coi là đủ, đơn giản là vì thời nào cũng cần tìm ra các nghệ sỹ tên tuổi gắn với dòng ca khúc đó. Người nghe và xem cũng không nên quan niệm cứng nhắc rằng các thế hệ sinh sau đẻ muộn không thể hát lại các ca khúc đó hay bằng các thế hệ trước. Nếu như thế hệ trước có lợi thế là được tận hưởng hơi thở của thời đại thổi vào từng lời ca tiếng hát, thì thế hệ ngày nay lại có lợi thế về cơ sở vật chất, có điều kiện học hành và luyện tập bài bản, khoa học. Chỉ cần thổi vào họ ngọn lửa đam mê với dòng nhạc hàn lâm này là họ có thể làm nên chuyện lớn. Trọng Tấn đã “cover” lại Tiếng đàn bầu, Những ánh sao đêm, Việt Hoàn và Anh Thơ với Gửi em ở cuối sông Hồng, Đăng Thuật và Thu Huyền với Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Tân Nhàn với Xa khơi, hay bộ CD Hoa lửa và Vinh Quang Việt Nam của Hồng Vy chẳng phải là những bằng chứng rất thuyết phục đó sao?
Cũng về cách ứng xử với dòng nhạc thính phòng, cần phải xem lại tình trạng “khoanh vùng” do vô thức hay cố ý (?) vẫn tồn tại bấy lâu nay trong giải Sao Mai. Trong kho tàng ca khúc của nền tân nhạc Việt Nam đâu chỉ có Tiếng đàn bầu, Tôi là người thợ lò, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát … mà còn những Hoa Mộc Miên (Huy Du), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Như sóng về trùng dương (Hoàng Dương) và hàng trăm ca khúc như thế. Chỉ riêng việc Lê Anh Dũng tìm ra Người con gái Việt của Lân Tuất và Nhớ đàn xe nước của Vân Đông để dự thi năm 2007 đã xứng đáng để thí sinh này vượt trội so các thí sinh khác. Việc tìm kiếm và chọn bài của Lê Anh Dũng lẽ ra cần được các bạn thí sinh năm nay tham khảo nhiều hơn nữa. Ngoài ra, cũng cần thay đổi nhận thức cho rằng dòng nhạc thính phòng kinh điển của Việt Nam chỉ bao gồm các ca khúc có tính tráng ca, anh hùng ca, và cần khuyến khích các thí sinh mạnh dạn khai thác các tác phẩm tiền chiến kinh điển đậm chất thính phòng như Thiên Thai của Văn Cao, hay một số tác phẩm của Phạm Duy, Cung Tiến, Hoàng Dương v.v.
Từ hơn mười năm nay, giải Sao Mai, được tổ chức hai năm một lần, đã và đang là một sân khấu chuyên nghiệp, có thương hiệu, nhất là có úy tín trong việc vực dậy, bảo tồn và phát triển nền ca khúc truyền thống của Việt Nam, đồng thời khám phá và nuôi dưỡng các tài năng thanh nhạc của nước nhà. Với sứ mạng vừa gìn giữ truyền thống, vừa bắt nhịp với hơi thở của thời đại, hy vọng Sao Mai sẽ không dễ dàng thỏa hiệp các giá trị vốn làm nên bản sắc của cuộc thi uy tín này.
TMH (2/11/2009)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment