Friday 6 February 2009

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (February 07, 2009)



Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cả thế giới biết đến như một vị anh hùng dân tộc Việt Nam và được quân đội Pháp rất nể phục. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại cường quốc thế giới.


Võ Nguyên Giáp (25 tháng 8, 1911 – ) là đại tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, người chỉ huy chiến thắng trận Điện Biên Phủ. Ông được nhiều người xem như một huyền thoại quân sự thế giới khi chỉ huy một đội quân nhược tiểu đánh bại cường quốc thế giới.


Những năm đầu
Võ Nguyên Giáp sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình trí thức nghèo. Thân sinh ông là cụ Võ Nguyên Thân, một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, dòng dõi khoa bảng. Năm 1924, ông bắt đầu tham gia hoạt động trong hàng ngũ những người yêu nước khi đang học ở trường Quốc học Huế. Hai năm sau, ông bị đuổi học sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam.
Năm 1926, ông được trở lại trường Quốc học Huế và tiếp tục đấu tranh. Do hoạt động quá giới hạn cho phép nên ông bị bắt khi đang điều hành một cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên và bị cầm tù 2 năm. Tuy nhiên, sau 3 tháng thì được thả ra vì thiếu chứng cớ buộc tội.

Sau đó ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ tú tài. Ông tốt nghiệp đại học ngành Luật và Kinh tế chính trị năm 1937.

Năm 1934, ông lấy bà Nguyễn Thị Quang Thái (1915-1943), bạn học tại Quốc Học Huế và là một đồng chí của ông (bà cũng là em ruột của Nguyễn Thị Minh Khai). Năm 1943, bà Thái chết trong nhà giam Hỏa Lò, Hà Nội.

Tháng 5 năm 1939, ông nhận dạy sử học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm Giám đốc nhà trường (tức Hiệu trưởng).


Hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Pháp

Từ 1936 đến 1939, ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm này và bắt đầu các hoạt động của mình dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông Hồ trong một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam có tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội gọi tắt là Việt Minh. Ông tham gia gây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.
Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, đội quân này đã tiến công thắng lợi hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1946, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi). Cũng trong năm 1946, ông lập gia đình với bà Đặng Bích Hà (con gái giáo sư Đặng Thai Mai).

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) với cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (gọi tắt là Quân ủy Trung ương). Ông được phong Đại tướng ngày 25 tháng 1 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, cùng đợt có Nguyễn Bình được phong Trung tướng, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.

Ông là một nhà vận dụng tài giỏi chiến thuật Chiến tranh du kích. Ông cũng là người lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy trận đánh Trận Điện Biên Phủ và thắng Pháp năm 1954.

Các chiến dịch ông đã tham gia với tư cách là Tư lệnh chiến dịch - Bí thư Đảng ủy trong kháng chiến chống Pháp:

Chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947)
Chiến dịch Biên giới (tháng 6 - 1950)
Chiến dịch Trung Du (tháng 12 - 1950)
Chiến dịch Đồng Bằng (tháng 5 - 1951)
Chiến dịch Đông Bắc (tháng ?? - 195?)
Chiến dịch Hòa Bình (tháng 12 - 1951)
Chiến dịch Tây Bắc (tháng 9 - 1952)
Chiến dịch Thượng Lào (tháng 4 - 1953)
Chiến dịch Điện Biên Phủ (tháng 1 - 1954)
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ mang đậm dấu ấn của ông trong việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.

Từ năm 1955, ông là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông trở thành ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.



Sau Điện Biên Phủ
Từ năm 1954 đến năm 1976, Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó thủ tướng Chính phủ, sau là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (đến năm 1991). Trong 21 năm (1954-1975) của cuộc chiến tranh Việt Nam, ông thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia xây dựng chiến lược chiến tranh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động của Quân đội Nhân dân trong chiến tranh. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động Đảng Cộng sản và Nhà nước khác.

Trong một thời gian ngắn từ tháng 7 năm 1960 đến tháng 1 năm 1963 ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.

Năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội, một trong những cộng sự lâu năm nhất của ông. Năm 1983 ông được phân công làm Chủ tịch Ủy ban sinh đẻ có kế hoạch. Ông đã rời bỏ vũ đài chính trị năm đó, nhưng vẫn giữ một vai trò làm cố vấn.

Năm 1991, ông nghỉ hưu ở tuổi 80.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (1992), 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.




Đánh giá
Là một người có tài tổ chức và kiên nhẫn, Võ Nguyên Giáp đã từng bước xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam từ 34 người vào tháng 12 năm 1944 thành một đội quân với hơn một triệu người năm 1975. Là một nhà chiến lược - chiến thuật bậc thầy, ông đã lãnh đạo quân đội đó giành thắng lợi trong cả hai cuộc chiến tranh. Tên tuổi của Võ Nguyên Giáp gắn liền với một chiến thắng có ý nghĩa quốc tế của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong trận Điện Biên Phủ - lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh bại trên chiến trường quân đội của một cường quốc châu Âu. Với hơn 50 năm tham gia hoạt động chính trị ở cấp cao nhất, trong đó có 30 năm là Tổng tư lệnh quân đội, ông có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quân đội và trong nhân dân, được coi là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và là Người anh cả của Quân đội Nhân dân. Ông đã nhận được rất nhiều Huân và huy chương cao quí nhất của Việt Nam. Ông được cả thế giới biết đến như một vị anh hùng dân tộc Việt Nam và được quân đội Pháp rất nể phục.


Các tác phẩm

Vấn đề dân cày (đồng tác giả với Trường Chinh), 1938
Đội quân giải phóng, 1947
Từ nhân dân mà ra, 1964
Điện Biên Phủ, 1964
Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng, 1970
Những năm tháng không thể nào quên, 1972
Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân, 1972
Những chặng đường lịch sử (gồm 2 tác phẩm đã in trước đó là Từ nhân dân mà ra và Những năm tháng không thể nào quên, 1977
Chiến đấu trong vòng vây, 1995
Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, 1979
Đường tới Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử
Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng, 2000

7 comments:

  1. Ngoài cụ Giáp ra trong bộ máy lãnh đạo nhà nước chẳng ai dám lên tiếng về những sai trái bất công cả . Tất cả những người như vậy nếu mất đi liệu đất nước này sẽ ra sao ?

    ReplyDelete
  2. em đọc mỗi một quyển của cụ Giáp nhưng ko có trong danh sách, quyển "Chiến đấu rong vòng vây".

    ReplyDelete
  3. hình như anh mới thêm vào =.=

    ReplyDelete
  4. Hoan hô đồng chí Võ Nguyên
    Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng. (BT)

    ReplyDelete
  5. bọn tây gọi tướng Giáp là Red Napoleon

    ReplyDelete