Sunday 1 June 2008

SẠCH & SUNG TÚC (June 02, 2008)



Tôn N Th Ninh: ng h sng "sch và sung túc"!

01/06/2008 08:01 (GMT + 7)

“Một tiếng nói gây ngạc nhiên của Việt Nam mới”. Đó là nhận xét của nhà báo Mỹ Daniel Sneider về bà. Không chỉ là gương mặt thông minh bặt thiệp của đối ngoại, bà Tôn Nữ Thị Ninh còn được ngưỡng mộ như là một đại diện cho trí tuệ và sắc đẹp quý phái (những điều khó đi đôi) của giới phụ nữ.


Cuộc trò chuyện với bà tại văn phòng của dự án Đại học Trí Việt, TP.HCM.

Sạch = khổ là chiến thắng nửa vời

- Thưa bà, rời công việc phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, có tới 30 năm làm đối ngoại, vì sao bà chọn giáo dục làm công việc tiếp theo?

- Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Đây là điều tôi ấp ủ bao năm qua khi còn làm đại sứ châu Âu. Con người Á Đông chúng ta luôn có ý thức để lại cái gì cho hậu thế. Những đóng góp nho nhỏ của tôi trong đối ngoại còn đọng được những gì, để con cháu đánh giá. Còn giáo dục là một khát vọng làm ra sản phẩm dở, hay đều thấy được. Làm đối ngoại, kết quả là tương đối, khó “sờ” thấy được.


- Nhưng tôi sẽ nói làm giáo dục cũng như thế?

- Giáo dục được kiểm nghiệm liên tục từng năm, con người đào tạo ra làm gì, số đông nối tiếp trong cuộc sống. Xã hội tiếp nhận, đánh giá sản phẩm giáo dục dễ khách quan hơn. Sự thừa nhận rộng rãi, khó chối cãi.

Tôi hiện dành thời gian 100% cho dự án Đại học Trí Việt. Muốn quay lại sự nghiệp giáo dục trong tư thế khác. Đóng góp giáo dục là nối tiếp đối ngoại.

- Đã từng học Đại học Sorbonne (Pháp) và Cambridge (Anh), đi dạy học ở đại học trong, ngoài nước và cả đời giao tiếp, có rất nhiều mối quan hệ. Đây có phải là dấu ấn của bà để làm giáo dục đại học trong giai đoạn mới?

- Dấu ấn đầu tiên là ý tưởng của tôi - rồi rủ bạn bè tham gia. Đầu tiên là người bạn thân Kim Hạnh và bạn bè thân thiết có cùng nhân sinh quan gần gũi.

- Nhân sinh quan đó là gì?

- Theo nghĩa cả đời sống cho sạch sẽ. Nói liêm khiết nghe to quá nhưng tiền không bao giờ là động lực chính, quan trọng của cuộc đời. Không ai sống mà không cần tiền, nhưng đó không là động lực chính yếu cho hành động. Không vì chức vụ. Nhóm sáng lập Đại học Trí Việt có nhân sinh quan như nhau: sống đàng hoàng.

Chữ đàng hoàng có nghĩa là sống với lương tâm, bản lĩnh, chính quy hiện đại. Không phải liêm khiết nghĩa là sống khổ. Tôi không ủng hộ quan niệm sống sạch = khổ. Như vậy là chiến thắng nửa vời. Chúng tôi ủng hộ: sạch và sung túc.

Đàng hoàng mới thành công đầy đủ. Có mẫu số chung làm chất gắn kết. Coi trọng giáo dục. Đất nước này muốn đi xa, bay cao, cơ bản là con người được đào tạo như thế nào.


- Giáo dục phải từ móng, từ cấp cơ sở. Sao bà chỉ tập trung cho bậc đại học?

- Đúng như vậy, giáo dục phải từ móng. Nhưng chúng tôi không ôm hết được, mà có phân vai trong xã hội. Chúng tôi tập trung đại học, hy vọng người khác lo cơ sở, xoáy hai mũi giáp công quan trọng: những lớp thấp nhất và cao nhất, dưới thấm lên, trên thấm xuống.

- Trong tình hình của nền giáo dục có quá nhiều vấn đề hiện nay, niềm tin của bà để dự án thành công là gì?

- Tôi tiếp cận nền văn hóa, văn minh, tư duy xã hội khác, cách tổ chức khác của thế giới, rút ra được những phương châm, kinh nghiệm. Vốn lớn nhất của tôi đi vào giáo dục là kinh nghiệm và mối quan hệ rộng rãi. Một nghĩa nào đó là sự tiếp nối làm giáo dục của tôi, trong tư thế mới.

Hơn 6 tháng qua, tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở nhiều nước, được thấy có một sự hưởng ứng nhiệt tình mạnh mẽ đã củng cố niềm tin của tôi. Gặp gỡ Việt kiều tôi không hề hé miệng hỏi tiền.

Họ dự hội thảo chuyên môn, tư vấn lập làng đại học cho Trí Việt, giới trí thức Việt kiều tha thiết muốn đóng góp cho lợi ích chung của đất nước. Dự án của chúng tôi như là một nơi cụ thể. Nghị quyết 36 là đường lối chung, phải có dự án, có chỗ để người ta tham gia.

- Bây giờ trong hoạt động có gì tiếp nối công việc đối ngoại vốn có rất nhiều kinh nghiệm của bà?

- Tôi có dành một phần nhỏ cho CLB Phụ nữ Việt Nam hoạt động quốc tế. Tập hợp chị em ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có không gian tiếp cận.

Tôi phát hiện nhiều phụ nữ làm những chuyện hay mà không biết nhau. Sẽ có hội thảo chuyên đề, đi du lịch, phải có đi chơi. Như các ông chơi golf cũng thành thân thiết, hội bạn bè, thư giãn. Chúng tôi cũng sẽ làm từ thiện qua hai quỹ nhỏ “CLB Vòng tay ấm” và “Tài năng nữ” cho các em gái nghèo.

Một xã hội dân sự có nhiều tổ chức hoạt động bên cạnh tổ chức nhà nước. Hội nhập quốc tế có đóng góp của phụ nữ.

Chúng tôi giao lưu với các đoàn quốc tế, đón đoàn phụ nữ ngân hàng Mỹ, đoàn bộ trưởng và nghị sĩ Singapore, đoàn viên chức doanh nghiệp công nghệ cao Thung lũng Silicon... Kết nối qua net, để nhân lên các mối quan hệ cá nhân.

Tôi học ở gia đình chữ lễ nghĩa

- Trong lần đi 8 bang, 12 thành phố ở Mỹ thực hiện đối thoại và giới thiệu Việt Nam, bà đã thành công và cũng gây kết quả bất ngờ khi tranh luận thẳng thừng. Có người cho rằng khác lạ với hình ảnh dịu dàng của một phụ nữ dòng dõi quý phái? Bà nghĩ sao?

- Tôi sinh ra trong một gia đình Huế truyền thống. Ông cụ làm tri huyện. Bà cụ điển hình thế hệ đó: nội trợ. Nội trợ xuất sắc cũng chỉ là nội trợ. Cái tôi lĩnh hội được từ gia đình hơi phong kiến đó là không coi trọng vật chất tiền bạc, mà lễ nghĩa nhiều hơn. Tính khí khái tự trọng tôi thừa kế từ gia đình.

Phương châm của tôi là kết hợp Đông - Tây, cương - nhu. Tôi sinh ra ở Việt Nam, sống ở châu Âu, về Việt Nam hoạt động cũng liên tục giao tiếp với phương Tây nên vận dụng cả hai.


- Cụ thể thế nào?

- Tây thích thẳng thừng, mở. Đông theo nhìn nhận phổ biến: mềm mại, tinh tế, đôi khi khó hiểu, không trực diện. Việt Nam chăm sóc khách chu đáo, Tây không sánh kịp.

Tây chỉ chuyên nghiệp khi làm việc chính thức thôi. Ta thì làm việc xong còn xem họ thích gì, dẫn đi chơi. Họ chẳng tiễn khách bao giờ, trừ nghi thức ngoại giao lớn.

Trong đối thoại, tôi thấy khi nào cần thẳng, phải nói thẳng. Cần nói cả cái không hay của họ, trong khi nhiều người thấy khó chịu, không dám nói, nhịn tức.

Khi tranh luận vấn đề nhân quyền chẳng hạn, tôi thẳng thắn lấy ngay các thí dụ của xã hội Mỹ. Khi tranh thủ thì lấy cách phương Đông, khi đấu tranh thì lấy cách phương Tây trực diện hai chiều.

Cốt lõi là cái thiện

- Chương trình truyền hình có bà làm giám khảo - bao nhiêu cô gái trẻ đẹp “Phụ nữ thế kỷ 21” nhưng hút người xem lại là bà. Đẹp hiện đại, thành công, tài giỏi, hạnh phúc. Nếu muốn được hoàn hảo như bà thì phải làm sao?

- Nhiều bạn trẻ quan tâm tới tôi, tôi được động viên. Họ thích những gì tôi làm, thích cái thiện, đẹp, giỏi. Theo tôi, cốt lõi là cái thiện trước. Nó là cơ bản trước hết, rồi mới tới tài, mỹ. Thiện là phải tự xác định cho mình lẽ sống.

Làm giàu có là lẽ sống không? Trả lời điều đó chỉ là nhất thời, ngắn hạn (có thể 20 năm chứ không phải 3 phút) nhưng nếu là chính yếu, suốt đời sẽ không trọn vẹn, thiếu chiều sâu.

Không thể trách có người đến với mình là do muốn hưởng một phần tiền của mình, đến chỉ muốn nghe mình cho học bài học làm giàu.

Tôi không coi thường làm giàu. Ở Mỹ, nói huyền thoại “Giấc mơ Mỹ” thì tất cả tỉ phú kết thúc đều trả lại xã hội cái xã hội đã cho. Không ai ôm của cải giàu có để chết.

Xã hội, nền kinh tế, cá nhân phải làm giàu nhưng không là lẽ sống. Yêu cầu và lẽ sống khác nhau. Lẽ sống phải cao hơn, rộng hơn, sâu hơn. Như thế nào? Mỗi người tự trả lời.

Với tôi, đó là: đất nước, dân tộc, xã hội, người Việt Nam, làm người; đồng thời phải có tài. Vì muốn đất nước đi lên, chỉ có người tốt không đủ. Phải có tài.

Có lần tôi đi phục vụ, được chứng kiến cuộc nói chuyện của ông cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu với ông Võ Văn Kiệt. Ông Diệu nói: đương nhiên tối ưu có cả đức - tài.

Nhưng lỡ phải bắt ưu tiên chọn thì chọn đức. Người cha đẻ dựng lên đất nước Singapore hiệu quả làm ăn, tài giỏi về tổ chức mà nói như vậy. Thật đáng suy nghĩ.

- Vậy còn đẹp thì sao? Các bạn trẻ có hay hỏi bà điều này không?

- Cái mỹ bao gồm nhiều mặt. Từ cái thiện mà ra. Xã hội đức độ thể hiện lối sống đẹp, văn hóa cao, trình độ phát triển văn minh. Thanh niên rất hay hỏi tôi làm sao hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình.

Tôi nói luôn tìm sự cân bằng một cách linh hoạt, được xác định từng bối cảnh cụ thể. Có lúc bối cảnh nào thì ưu tiên cái gì. Giữ được hạnh phúc nhờ vào điều gì chính yếu nhất? Các bạn trẻ thường cho là: Tình yêu.

Tôi nghĩ quy luật con người là tình yêu có giảm, pha với thói quen. Cái chính yếu giữ cho hôn nhân suốt đời là sự tôn trọng nhau. Đó là nền tảng vững bền nhất.

Tôi còn dự án đời tôi

- Bà thấy các cô gái trẻ thế nào?

- Trí tuệ Việt Nam không thua ai, rất xuất sắc, ai cũng biết rồi. Nhưng họ còn có những say mê và ý tưởng. Tôi rất tin vào thanh niên. Có người ngộ nhận, cho thanh niên chỉ chạy theo tiền. Nhưng tôi đã từng thấy nhiều mẫu thanh niên đáng nể.

Không ai sống mà không cần tiền, nhưng đó không là động lực chính yếu cho hành động

Thí dụ một em gái quê ở Tây Ninh, sống ở mãi miền quê nghèo, lên Sài Gòn trọ học - tức là không thuộc thành phần cao, giàu có. Vậy mà làm tiến sĩ ở Pháp, giành tiếp học bổng ở một trong những trường hàng đầu thế giới. Xem xong chương trình dự án, cô xung phong sẽ về làm cho Trí Việt mặc dù tôi không mời gì. Họ có lý tưởng.

Sau 30 năm làm đối ngoại, tạm đủ sau này viết hồi ký. Tôi rất muốn chia sẻ với thanh niên. Đó cũng là giáo dục. Phải 5, 7 năm nữa sẽ viết, sau khi hoàn thành dự án giáo dục, thì cuối cùng là dự án đời tôi.

- Trong cuốn hồi ký sẽ viết đó, bà muốn cho xuất hiện một bà Ninh như thế nào?

- Một bà Ninh sản phẩm của thời đại Việt Nam, đất nước Việt Nam, một đất nước đặc biệt. Tôi rất tin tưởng chất đặc biệt này. Tất nhiên, đặc biệt đây không nghĩa là chỉ có tốt. Nhưng đặc biệt. Tôi sẽ cố gắng làm rõ điều đó.


Người phụ nữ tài - sắc vẹn toàn

Tôn Nữ Thị Ninh (sinh 30/10/1947) từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại một số quốc gia như Bỉ, Hà Lan,... và hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam... Bà có vai trò tích cực trong lĩnh vực đối ngoại của Việt Nam.

Tôn Nữ Thị Ninh sinh ra tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, là hậu duệ của hoàng tộc Huế. Năm 1950 bà theo gia đình sang Pháp và sau đó lại cùng gia đình trở về Sài Gòn.

Vào năm 1964, bà sang Pháp du học ở Đại học Sorbonne (Pháp) và Đại học Cambridge (Anh), bà đã tham gia hoạt động với Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Bà còn dạy Anh văn và văn học Anh ở Đại học Paris 1, École Normale Supérieure, Fontenay-aux-Roses và Université des Droits. Sau đó, khi về nước, bà dạy ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Cho đến năm 1975, tình cờ bà gặp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Xuân Thuỷ - người đã từng biết bà trong thời gian hội nghị Paris (1968-1972) và theo lời khuyên của ông, bà về làm việc tại Ban Đối ngoại Trung ương.

Bà trở thành nhà ngoại giao bắt đầu bằng công việc phiên dịch và bà đã học được nhiều kinh nghiệm khi đi dịch cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Xuân Thuỷ, ông Nguyễn Cơ Thạch...
Ông Jean-Pierre Debris, khi nghe bà dịch cho Tổng thống Pháp François Mitterrand trong chuyến thăm Việt Nam năm 1993 đã ví bà như người thợ kim hoàn lành nghề.

Bà đã làm đại sứ ở ba nước Bỉ, Hà Lan và Luxembourg và Liên minh châu Âu (EU). Bà còn giữ cương vị là người đứng đầu đại diện của phái đoàn Việt Nam ở Liên minh châu Âu tại Brussel (Bỉ) và đã từng giữ một nhiệm kỳ trong Ủy ban Trung ương của Hội Phụ nữ Việt Nam.

Cương vị gần đây nhất mà bà nắm giữ là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội. Trên cương vị đó bà đã có một số những phản bác tương đối mạnh mẽ trước một số cáo buộc về vấn đề nhân quyền từ phía Hoa Kỳ và quốc hội Hoa Kỳ. Tháng 8 năm 2007, bà đã thôi giữ chức tại quốc hội và tham gia vào lĩnh vực giáo dục với tư cách Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH tư thục Trí Việt.

(Theo Wikipedia)

Theo Nguyễn Thị Ngọc Hải (Tạp chí Người đô thị)

4 comments:

  1. A nhận được msg của em về bài này nhưng chưa có thời gian đọc, bữa nay mới vào xem được. Anh chịu nhất là nhận xét dưới đây. Ngừ VN được giáo dục theo kiểu phong kiến và ảnh hưởng văn hóa tam giáo cả ngàn năm nên có nhìu ngừ sợ nói thẳng. Nhưng bà Ninh nói rất đúng rằng chúng ta phải tùy đối tượng mà nói chuyện. không việc gì phải nhẫn nhịn ngậm cục tức khi họ tát nước vào mặt mình không cần khách sáo. Cám ơn em đã moi ra bài này cho a xem. :)

    <<<- Tây thích thẳng thừng, mở. Đông theo nhìn nhận phổ biến: mềm mại, tinh tế, đôi khi khó hiểu, không trực diện. Việt Nam chăm sóc khách chu đáo, Tây không sánh kịp.

    Tây chỉ chuyên nghiệp khi làm việc chính thức thôi. Ta thì làm việc xong còn xem họ thích gì, dẫn đi chơi. Họ chẳng tiễn khách bao giờ, trừ nghi thức ngoại giao lớn.

    Trong đối thoại, tôi thấy khi nào cần thẳng, phải nói thẳng. Cần nói cả cái không hay của họ, trong khi nhiều người thấy khó chịu, không dám nói, nhịn tức.

    Khi tranh luận vấn đề nhân quyền chẳng hạn, tôi thẳng thắn lấy ngay các thí dụ của xã hội Mỹ. Khi tranh thủ thì lấy cách phương Đông, khi đấu tranh thì lấy cách phương Tây trực diện hai chiều.>>>

    ReplyDelete
  2. chú nghĩ gì vè bà Ninh và bài viết này. riêng cháu thì thấy đây là một trong những nguòi phụ nữ Việt Nam Đẹp.

    ReplyDelete
  3. Bà Ninh mặt đàn ông. Không đẹp. Những thứ khác khôngbàn.

    ReplyDelete