Friday, 12 March 2010

Sự trở lại của Mùa xuân

Tản mạn về lịch sử nhạc Việt, đặc biệt là "nhạc đỏ"

1. Vào khoảng những năm cuối của thập niên 1990, báo chí Việt Nam có những bình luận rất thú vị về sự khởi sắc của dòng ca khúc « nhạc đỏ », « nhạc cách mạng », « nhạc VOV », ca khúc Việt Nam mang phong cách thính phòng cổ điển, dân gian thính phòng v.v. Tên gọi dành cho dòng ca khúc này thay đổi tùy theo quan niệm và góc độ tiếp cận, thậm chí theo thói quen của từng cá nhân nghe nhạc. Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nơi góp phần sản sinh và chắp cánh cho hàng ngàn, hàng vạn ca khúc của dòng nhạc này hiện vẫn phát sóng tập trung các ca khúc này trên hai chương trình thường nhật với hai tên gọi « Giai điệu Tổ quốc » và « Những bài ca đi cùng năm tháng » cộng với nhiều chuyên mục hàng tuần, hàng tháng. Bài viết này tạm dùng tên gọi « ca khúc nhạc đỏ » hoặc « nhạc đỏ » để nói tới dòng ca khúc nói trên.

2. Nhìn lại lịch sử ra đời và phát triển của nó, có thể thấy ca khúc nhạc đỏ là dòng ca khúc Việt Nam được sáng tác chủ yếu từ thời kỳ cách mạng tháng Tám cho tới những năm đầu thập niên 80. Dòng ca khúc này có chủ đề tương đối đa dạng, song nổi bật nhất vẫn là mảng đề tài liên quan tới 3 cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam trong thế kỷ 20, tới phong trào xây dựng Chủ nghĩa Xã hội tại miền Bắc trong những năm 60 và tái thiết trên toàn đất nước sau chiến tranh. Các ca khúc này được phổ biến rộng rãi và công khai ở miền bắc trước năm 1975 và trên cả nước từ 1975 tới nay trên khắp các phương tiện biểu diễn, từ đại chúng cho tới hàn lâm, trong đó tiêu biểu là làn sóng điện và trang web của VOV.

3. Sở dĩ báo chí khi đó nói tới sự khởi sắc vì quả thật trước đó đã có một giai đoạn chững lại của dòng ca khúc nhạc đỏ, kéo dài từ khoảng giữa thập niên 80 cho tới suốt thập niên 90. Ra đời và phát triển trong suốt gần nửa thế kỷ trước đó và chiếm vị trí độc tôn ở miền Bắc trong một khoảng thời gian không dưới 30 năm, ca khúc nhạc đỏ đã đạt tới đỉnh cao chói lọi trong thập niên 70, từ sự hoàn thiện trong chất lượng sáng tác, trong kỹ thuật thanh nhạc của các ca sỹ biểu diễn, trong trình độ phối khí, hòa âm, thu âm, cho tới vai trò và giá trị của của các ca khúc này trong đời sống xã hội. Nhưng sau đỉnh cao bao giờ cũng là sự thoái trào. Sự bão hòa trong số lượng sáng tác và thiếu bứt phá trong chất lượng của ca khúc nhạc đỏ không chỉ là cảm nhận của công chúng mà ngay cả của giới chuyên môn từ giữa những năm 80. Lý do thì có nhiều và cách giải thích cũng hết sức phong phú, nhưng tựu chung lại, đó là sự phản ứng hết sức phổ biến của toàn xã hội lúc bấy giờ trước cái gọi là « phở mậu dịch, kịch truyền hình ».

4. Còn nhớ, vào đúng lúc nhạc đỏ đang « lúng túng » đã diễn ra sự áp đảo « thị phần » trên khắp cả nước của « nhạc vàng » và nhạc Việt hải ngoại. Dòng ca khúc này, với tên gọi cũng chưa có sự thống nhất, bao gồm ca khúc tân nhạc theo phong cách tình cảm lãng mạn, phong cách thính phòng hoặc dân gian, đại chúng, ra đời cả ở hai miền Nam, Bắc, chủ yếu là miền Bắc trước hoặc trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất; các ca khúc ra đời và phổ biến tại miền Nam từ 1954 tới 1975 ; và các ca khúc do các nhạc sỹ Việt Nam tại hải ngoại sáng tác từ sau 1975. Đây là một phần rất đáng kể của kho tàng ca khúc Việt Nam xét về số lượng, chất lượng nghệ thuật và nhất là sức phổ biến và khả năng trường tồn với thời gian. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng dòng nhạc này có bản sắc riêng giúp phân biệt âm nhạc Việt Nam với các nước xung quanh và phần còn lại của thế giới. Mặc dù cho tới cuối những năm 80 (và cho tới cả ngày nay), việc lưu hành công khai trong nước phần lớn các ca khúc của dòng nhạc này vẫn bị coi là ‘bất hợp pháp, nhưng sự thâm nhập của ca khúc đó vào đời sống âm nhạc của quần chúng thì là điều không ai dám phủ nhận. Tuy thế, dòng nhạc này vẫn chưa đủ để lấp đầy nhu cầu tinh thần của xã hội lúc bấy giờ vì dù sao người ta vẫn gọi dòng nhạc đó là « nhạc xưa ». Ấy là chưa kể có những người do bẩm sinh hoặc do giáo dưỡng mà không có khả năng hoặc không muốn tiếp thu dòng nhạc này.

5. Cảm giác trước những lối mòn, thậm chí nhàm chán luôn đi đôi với ham muốn tiếp cận một cái gì mới mẻ hơn, nhất là trong bối cảnh cả xã hội thời kỳ đó đang quay cuồng vận động trong đêm trước của công cuộc canh tân đất nước. Bản thân trong đời sống âm nhạc, sự vận động đó thể hiện sinh động ở việc các ca sỹ, các sân khấu biểu diễn ở Miền Bắc, các chương trình phát thanh, truyền hình, đang chủ yếu sử dụng nhạc đỏ đã dần chuyển sang nhạc nhẹ. Ở Miền Nam thì không hẳn là sự chuyển đổi mà nói chính xác là sự trở lại của nhạc nhẹ/nhạc trẻ, một dòng nhạc vốn đã rất thịnh hành trước 1975. Tuy nhiên, ngay tại miền Nam, trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất, người ta còn nhớ rất rõ và còn lưu truyền tới ngày nay các bài hát nhạc đỏ do Duy Khánh, Lệ Thu, Thanh Tuyền, Họa Mi, Thái Châu … hát.

6. Nhạc đỏ khác nhạc nhẹ, nhạc trẻ ở nhiều khía cạnh, từ chủ đề tác phẩm, cho tới cách phối khí hòa âm và cách thể hiện của ca sỹ. Có lẽ do hoàn cảnh của từng giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước, chủ đề của các ca khúc nhạc đỏ và nhạc nhẹ khác nhau ở chỗ, một bên nhấn mạnh cái « chúng ta », còn một bên nhấn mạnh đến cái « tôi », cho dù nhiều khi « nhớ tới một người để nhớ mọi người ». Ca khúc nhạc đỏ, với tính chất anh hùng ca, chất tráng ca và sử thi trong nội dung, khuôn phép, quy phạm và trong bố cục tác phẩm, phát huy hiệu quả âm thanh và cảm xúc tốt nhất khi được dàn dựng với dàn nhạc giao hưởng, và đó chính là một trong những yếu tố làm nên phong cách nhạc đỏ VOV. Trong khi đó, nhạc trẻ vốn đề cao cá tính, sự sáng tạo, linh hoạt sẽ phù hợp hơn với dàn nhạc nhẹ.

7. Tương tự như vậy, ca sỹ biểu diễn ca khúc nhạc đỏ đòi hỏi áp dụng lối hát cộng minh khuôn phép, hát « bel canto », phổ biến với giọng nam cao, nam trung và nữ cao. Trong khi đó ca sỹ hát nhạc nhẹ lại phải thể hiện được cá tính của mình trong giọng hát và xử lý tác phẩm, thường phải hát với giọng thật của mình, nhất là giọng ngực. Như đã có lần nói, có ca sỹ có khả năng hát chuyển đổi cả hai dòng nhạc như Lê Dung, Ái Vân đã hát song song cả thính phòng và nhạc nhẹ, hay sau này có ca sỹ nhạc trẻ Đức Tuấn với nhiều tham vọng và nỗ lực vươn tới âm nhạc hàn lâm. Nhưng có ca sỹ lại không thành công khi chuyển đổi như vậy, ngày xưa có Bích Liên, ngày nay có Quang Thọ. Thành ra mới có tình trạng có nhiều ca sỹ với tố chất hát nhạc nhẹ nhưng lại trót xuất hiện quá sớm từ thập niên 60, 70 như Thanh Hòa, Phương Quý. Trong khi có rất nhiều ngôi sao nhạc đỏ đã bị đào thải một cách hết sức tức tưởi và phi lý khi họ đang ở độ tuổi làm nghề chín nhất chỉ vì họ phải chung sống với kỷ nguyên nhạc nhẹ.

8. Nhạc nhẹ rõ ràng đã mang tới một làn gió mới cho âm nhạc Việt Nam sau 1975, nhất là tại miền Bắc, cũng tựa như không khí đất nước những ngày xóa bỏ bao cấp. Bắt đầu từ thế hệ « gạch nối » của Mạnh Hà, Thúy Hà, Vũ Dậu, nhạc nhẹ Việt Nam đã hòa vào dòng chảy của nhạc nhẹ khối xã hội chủ nghĩa với các giọng hát « mang chuông đi đấm nước người », tiêu biểu là Ái Vân, Lệ Quyên, Ngọc Tân, Dương Minh Đức... Nhạc trẻ trở nên sôi động với sự xuất hiện của các ca sỹ miền Nam như Bảo Yến, Nhã Phương, Lệ Thu, Ngọc Sơn …, với sự cực thịnh của đoàn ca múa Hải Đăng (Phú Khánh) với những Ngọc Thúy, Bách Thảo, Thanh Nam, Tú Anh, Mỹ Hạnh và nhất là với sự xuất hiện của những « diva » đất bắc là Hồng Nhung, Thanh Lam, Thùy Dung … một thế hệ kéo dài cho tới sự xuất hiện của Mỹ Linh, Tấn Minh, Hà Trần. Nhưng giai đoạn này cũng chỉ kéo dài tới khoảng năm 97, 98. Rồi thì báo chí lại khá ồn ào với những lời phàn nàn về cái gọi là « nhạc thị trường » mà thực ra là những biến tướng tự do, thoải mái của nhạc trẻ theo quy luật cung-cầu tự nhiên của thị trường. Dù cho nhạc thị trường cũng không phải tất cả đều dở, tất cả đều vô giá trị, nhưng rõ ràng sự lan tràn thái quá của nó khiến người ta phải hoài cổ, và đó chính là lúc nhạc đỏ trở lại.

9. Sự trở lại và khởi sắc của dòng nhạc đỏ được đánh dấu bằng các hoạt động âm nhạc sôi nổi với các đại nhạc hội như Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, Còn mãi với thời gian mà tới nay các băng tư liệu vẫn còn được bán rất chạy. Sau nhiều năm vắng bóng, Tường Vy, Trung Kiên, Quý Dương, đã trở lại với những khán giả trung thành nhất của mình và hình như phong độ của họ vẫn còn rất sung mãn. Cùng với thế hệ đàn anh đàn chị của mình, Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa, Quang Huy, Ngọc Tân trở lại với dòng nhạc đỏ khi họ đang ở đỉnh cao của giọng hát và vinh quang sự nghiệp. Cùng với họ là một thế hệ ca sỹ-học sinh mới ra lò do chính họ đào tạo ra với những Đăng Dương, Trọng Tấn, Việt Hoàn, Quốc Hưng, Anh Thơ, Lan Anh. Mặc dù sự « chen ngang » của nhạc trẻ trong suốt một thập niên đã phần nào tạo ra một khoảng hẫng giữa hai thế hệ thầy và trò (họ cách nhau ít nhất 20 tuổi và hầu như không thấy ca sỹ nhạc đỏ lừng danh nào sinh ra giữa hai thế hệ này, trừ một vài ca sỹ ở miền Nam).

10. Báo chí lúc đó ca ngợi sự hồi sinh và sự khởi sắc của nhạc đỏ như sự trở lại của mùa xuân. Sau mười năm chủ yếu nghe những giọng hát giản dị, bản năng của dòng nhạc vàng, giọng hát trầm, khàn, nhấn nhá, phá cách của dòng nhạc nhẹ, người ta bỗng thấy thăng hoa khi được nghe, được thưởng thức những cái thuộc về mô phạm và chỉn chu, một cái gì đó vừa có chút kỷ niệm, vừa có chút khí thế của sự lạc quan, dâng hiến… Nghe những giọng hát rất kinh viện của lớp ca sỹ trẻ hát nhạc đỏ, có nhà báo đã thốt lên : « vậy là chúng ta đã có Đăng Dương tiếp bước Trung Kiên, có Việt Hoàn tiếp bước Quý Dương, có Quốc Hưng nối dõi Trần Hiếu và Trọng Tấn tiếp bước Kiều Hưng, Trung Đức ! » Và nữa, « Hương Mơ nhất định là hình ảnh của Thu Hiền, Lan Anh chỉ cần sửa một chút tật ở giọng mũi thì có thể theo được Lê Dung, Anh Thơ bớt đay nghiến, gắt gỏng một chút thì sẽ thành Thanh Hoa ! ». Còn nhiều lắm những cảm nhận như thế. Và rồi người ta lại nói nhiều tới những ngôn từ mà cả giới chuyên môn lẫn công chúng đều chưa thể thống nhất quan điểm, như là « nhạc đỏ mới là âm nhạc chính thống, âm nhạc bác học ». Tương tự như vậy, cho tới nay người ta còn tiếp tục tranh luận rằng nhạc đỏ là âm nhạc hàn lâm hay âm nhạc đại chúng, hay có nên phân tách như vậy hay không, mặc dù « hàn lâm » hay « đại chúng » thì cũng đều là những giá trị rất cao đẹp. Vả lại, để nói về cái mình thích, để gọi tên cái mình yêu thì người ta có thể dùng bất kỳ ngôn từ hoa mỹ nào, miễn sao không đề cao cái này bằng cách hạ thấp cái khác.

11. Nhưng phải khách quan mà nhìn nhận rằng nhạc đỏ đã trở lại không phải bằng vị trí độc tôn của nó như những thập niên trước đó. Cùng với nó là sự phát triển, sự chuyên nghiệp hóa và hoàn thiện dần của dòng nhạc nhẹ Việt Nam với đầy đủ các phong cách từ pop, tới rock, tới jazz, tới nhạc nhẹ mang âm hưởng dân gian (dân gian đương đại ?). Trong khi đó, nhạc vàng- nhạc xưa, nhất là dòng nhạc thính phòng trữ tình vốn được giới sinh viên, trí thức miền Nam yêu thích trước 75 như dòng nhạc của Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, và tất nhiên là nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Cung Tiến… cũng tìm được chỗ đứng vững chãi của nó trong lòng người mộ điệu. Các fanclub, các diễn đàn của từng dòng nhạc xuất hiện như nấm mọc sau cơn mưa mà chẳng hề trùng lắp, dẫm đạp lên nhau. Người ta đến với mỗi câu lạc bộ đó hoặc nhiều câu lạc bộ cùng một lúc vì những lý do hết sức đa dạng, mỗi người mỗi vẻ. Kỷ niệm có, ký ức có, truyền thống gia đình có, môi trường xung quanh có. Thậm chí có nhiều người tham gia như cách họ tham gia một phong trào. Tuy đa dạng, nhưng mẫu số chung của họ là cùng biết yêu, biết tìm kiếm, gìn giữ và chia sẻ những thông tin và tư liệu về dòng nhạc của mình.

12. Tuy vậy, sự khác biệt, trong đó có cả khoảng cách thế hệ, sự khác biệt về vùng miền, nhất là phông văn hóa và trình độ thưởng thức đã dẫn tới tình trạng có người nghe nhạc đỏ là chỉ nghe nhạc VOV và phong cách VOV chứ nhất định không nghe nhạc đỏ với kiều phối âm đơn giản, xập xình. Trong khi có người lại cho rằng Trọng Tấn hay Tiến Thành hát « Nơi đảo xa » thì cũng như nhau cả. Có những sự khác biệt gần như đối kháng và không hoàn toàn vô hại do xuất phát từ những định kiến và giáo điều. Thành ra mới có tình trạng, tuy rất thiểu số, đó là đã là fan của nhạc đỏ thì không thể là fan của nhạc vàng và ngược lại ( ?!) Đã yêu nhạc xưa (cả đỏ và vàng đều là nhạc xưa nếu xét về thời điểm ra đời) thì không thể « đú đởn » với nhạc trẻ tầm thường (?!). Tuy nhiên, phần đông những người yêu nhạc đến với âm nhạc theo sự rung cảm thẩm mỹ, và tìm đến cái chân, thiện, mỹ trong nền văn hóa dân tộc. Trong quan niệm đó, ca khúc nhạc đỏ đơn giản chỉ là một dòng nhạc song hành cùng các dòng nhạc khác. Cùng với các dòng nhạc khác nhau, nó góp phần làm thành một bức tranh đầy đủ nhất của nền ca khúc Việt Nam, ghi dấu đầy đủ nhất lịch sử của đất nước, phản ánh toàn diện nhất tâm hồn dân tộc. Văn hóa đa dạng cũng vì những lý do tự nhiên và đơn giản như vậy.

13. Mùa xuân có cái gì đó giống như thời trang bởi lẽ cả hai đều đến rồi đi, đi rồi trở lại. Nhưng không phải tất cả các mùa xuân đều diễn biến như nhau. Tương tự như vậy, thời trang cũng có những trường phái có sức sống lâu bền hơn những trường phái khác. Như vậy, nếu so sánh sự trở lại và khởi sắc của nhạc đỏ như sự trở lại của mùa xuân hay của một phong cách thời trang thì mùa xuân đó phải là một trường xuân, phong cách thời trang đó phải là một phong cách vượt thời gian. Trong ý nghĩa đó, sẽ không quá phi lý khi người ta liên hệ dòng nhạc đỏ với kiến trúc Pháp ở Việt Nam- một phong cách đã chứng tỏ sự trường tồn, sức lan tỏa, vượt qua mọi thử thách của thời gian và thời cuộc. Kiến trúc Pháp được xuất phát từ nhu cầu tại Việt Nam, do người Việt Nam làm ra trên cơ sở học tập, kế thừa một phong cách văn hóa có nguồn gốc ngoại nhập. Nó đã được Việt hóa và kết hợp nhuần nhuyễn với vô vàn yếu tố bản địa, từ gốc rễ sâu xa của truyền thống cho tới môi trường thiên nhiên và xã hội đương đại của đất nước. Và vì thế nó được chấp nhận, được thừa nhận như một phần của bản sắc Việt Nam, một nét bản sắc đáng tự hào. Cùng với thời gian và được thử thách bởi thời gian và lòng người, ca khúc nhạc đỏ hay phong cách kiến trúc Pháp tại Việt Nam, những giá trị của một thời, rất có thể sẽ trở thành những giá trị cốt lõi và sống mãi với thời gian. Khi đó chúng đích thực là văn hóa.

TMH - Xuân Canh Dần 2010